Hoàn thiện hạ tầng số: Nút thắt pháp lý

Không một chính phủ điện tử và nền kinh tế số nào có thể vận hành hiệu quả nếu thiếu vắng hạ tầng số hoàn chỉnh.

Trước viễn cảnh Công nghiệp 4.0, trong khuôn khổ ICT Summit Vietnam 2018 diễn ra hôm 18/07 tại Hà Nội, các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học cùng đông đảo khách mời đã thảo luận rất nhiều vấn đề, trong đó việc xây dựng hạ tầng số được xem như một ưu tiên hàng đầu – cần khẩn trương thực hiện giống như chạy đua nước rút.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ, rằng Việt Nam mong muốn và sẽ quyết tâm theo đuổi chiến lược số hóa toàn diện để nâng cao năng lực quản trị phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, các cử tọa cũng tỏ ra đặc biệt thích thú khi nghe câu chuyện chuyển đổi số thành công của Estonia và Malaysia do hai diễn giả nổi tiếng là ông Hannes Astok1 và ông Idris Jala2 chia sẻ.

Những con số ấn tượng như 99% dịch vụ thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp ở Estonia được cung cấp qua Cổng Dịch vụ trực tuyến quốc gia, hay 87% ở Malaysia (chỉ sau vài năm triển khai chính phủ điện tử) – đã giúp hai nước tiết kiệm được rất nhiều ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực khác, đồng thời cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, thành quả trên chỉ có thể đạt được nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của từng quốc gia, trong đó có việc thiết lập hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.

Dữ liệu chính là tài nguyên quan trọng nhất trong kỷ nguyên số.

Theo GS Hồ Tú Bảo3, hạ tầng là những gì cần thiết để từ đó có thể xây dựng và phát triển nên các thứ khác. Nếu coi chính phủ điện tử và nền kinh tế số như một công trình thì hạ tầng số chính là nền móng, mà móng có chắc thì nhà mới vững. Trong 6 thành tố cơ bản của hạ tầng số bao gồm: trang bị (equipment), kết nối (connection), dữ liệu (data), ứng dụng (application), pháp lý (law) và nhân lực (human resource) … thì dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên lẫn năng lượng sống của các tổ chức và cả quốc gia - đòi hỏi cần có cách thức kiến tạo, giữ gìn và sử dụng hợp lý.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vai trò và tầm quan trọng của hạ tầng số (trong đó có dữ liệu) hiện vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn và đầy đủ như đối với những nguồn lực vật chất. Thứ nữa, chúng ta đang rất thiếu các dữ liệu chất lượng (ở cả cấp địa phương, quốc gia lẫn quốc tế), cùng với sự nghèo nàn về mặt kết nối và chia sẻ. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và đào tạo đủ nguồn nhân lực trình độ cao để sẵn sàng cho mục tiêu chuyển đổi số chắc chắn cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức.

Kể từ năm 2015, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng 6 hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, gồm có các thống kê tổng hợp về dân cư, dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm và đăng ký kinh doanh. Công việc này cũng đang được tiến hành ở nhiều bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng được CSDL liên quan đến hồ sơ của 1,2 triệu trên tổng số 1,4 triệu giáo viên cả nước; trong khi học sinh là 12/20 triệu.

Nhờ hệ thống camera giám sát triển khai trên diện rộng, chúng ta cũng đang nắm trong tay dữ liệu khổng lồ của hơn 1 triệu lượt phương tiện giao thông lưu hành mỗi ngày. Hay như CSDL về bảo hiểm xã hội, mặc dù chưa được hoàn thành, song cũng đã bước đầu cho phép tra cứu gần 95 triệu dân – nếu ai đã từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì toàn bộ các thông tin về quá trình công tác của người đó đều có thể được tìm thấy tại đây.

Như vậy, có thể nói các bộ, ngành và địa phương ở Việt Nam đang sở hữu những kho dữ liệu lớn và tăng trưởng đều qua từng năm, tuy nhiên giữa chúng lại thiếu sự kết nối và chia sẻ để có thể trở thành một hệ thống CSDL dùng chung, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Hầu hết các đề xuất tại ICT Summit đều hướng tới đi tìm giải pháp cho việc kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu. Muốn vậy cần có hành lang pháp lý để mở đường và điều chỉnh. Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng cần ban hành những chuẩn mang tính cơ sở giúp hướng dẫn việc thực thi hoàn thiện hạ tầng số, tránh làm sai để rồi thường xuyên phải khắc phục các sự cố, gây lãng phí các nguồn lực.

Như vậy, chúng ta cần thiết phải thực hiện một cuộc cách mạng trong tư duy thiết kế chính sách, bởi nếu muốn số hóa các quy trình thì chính sách cũng lại càng cần phải cụ thể4. Một trong những thực trạng nhức nhối nhất hiện nay, đó là phần lớn cơ sở dữ liệu của Việt Nam đều được xây dựng tại nhiều thời điểm rời rạc trong quá khứ theo kiểu cộng dồn, dẫn tới thiếu đồng bộ, khó kết nối, hay thậm chí trùng lặp… gây cản trở cho công việc khai thác, quản lý, và đặc biệt là khi phát sinh mâu thuẫn, xung đột.

Ngoài ra, do công tác quản lý dữ liệu (cùng với các yếu tố khác của hạ tầng số) hiện đang được điều chỉnh bởi những Nghị định nên trước mắt Chính phủ nên sớm có chỉ đạo để tháo gỡ các nút thắt ở tầm Nghị định, bởi việc vận động sửa đổi và ban hành luật mới ở Quốc hội sẽ cần nhiều thời gian và tốn kém5. Tuy nhiên, trong dài hạn, chắc chắn chúng ta vẫn cần xây dựng được một bộ khung pháp lý hoàn thiện, và đặc biệt là cần có luật về quản lý hạ tầng số.

Có thể nói, số hóa chính là một trong những giải pháp khả thi giúp Việt Nam cải cách bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn nhằm cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cùng triển vọng từ mô hình kinh tế mới - điều chỉ có thể đạt được khi có một hạ tầng số vững mạnh. Đó là câu chuyện của sự kiên trì, với rất nhiều bên tham gia đóng góp trong một kế hoạch dài hơi và lộ trình rõ ràng, cụ thể.

Chú thích

1. Ông Hannes Astok - Giám đốc đại diện, phụ trách Chiến lược và Phát triển của e-Governance Academy (Estonia).

2. Ông Idris Jala - Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội PEMANDU (Malaysia).

3. Tham luận của GS Hồ Tú Bảo tại ICT Summit Vietnam 2018.

4. Theo ý kiến của ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – tại Diễn đàn.

5. Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp – tại Diễn đàn.

Hải Đăng

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hoan-thien-ha-tang-so-nut-that-phap-ly/2018072702182575p1c785.htm