Hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư

Bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu là yêu cầu bắt buộc mà các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số từ cấp độ quốc gia, bộ, ngành, địa phương... phải thực thi trong quá trình chuyển đổi số.

(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số."

Hội thảo nhằm cung cấp thêm các góc nhìn, các phân tích và giải pháp góp phần thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường thực thi về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân là vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh.

An toàn an ninh mạng là một trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu là yêu cầu bắt buộc mà các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số từ cấp độ quốc gia, bộ, ngành, địa phương... phải thực thi trong quá trình chuyển đổi số.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số là "tài sản, nguyên liệu, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số." Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ định Bộ Công an xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần xuất phát từ hành động của mỗi cá nhân.

Trên thực tế, không thể đổ lỗi cho người khác khi bản thân người sử dụng điện thoại di động có thói quen tải hàng loạt ứng dụng miễn phí, có yêu cầu yêu cầu xác thực quyền sử dụng bằng số điện thoại di động.

Thậm chí nhiều người dùng cung cấp cả số chứng minh thư nhân dân, thông tin về ngày tháng năm sinh, địa chỉ, quê quán và nhiều thông tin khác trong các phần khai báo ứng dụng mà không để ý tìm hiểu các thông tin đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì.

Do vậy, Việt Nam cần khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư để vừa đảm bảo tôn trọng quyền công dân, góp phần đưa nền kinh tế số vận hành trên cơ sở dữ liệu...

Trong nền kinh tế số, dữ liệu chính là tiền, dữ liệu cũng được ví như dầu mỏ. Vai trò của dữ liệu số quan trọng đến mức độ người ta đã gọi nền kinh tế số bằng thuật ngữ khác là "nền kinh tế dữ liệu."

Do đó, theo ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần tập trung vào việc quản trị dữ liệu và quản lý dữ liệu.

Hiện nay, Việt Nam đã có 17 luật, nghị định điểu chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để có đủ quy định pháp lý cụ thể bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Những nội dung của luật này cần được nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng trùng lặp các nội dung trong nhiều văn bản luật, vừa phân tán trong nhiều tài liệu chuyên ngành, hướng dẫn.

Đồng thời, nước ta cũng cần xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu để có hành động thống nhất trong lĩnh vực này./.

Bích Ngọc (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-co-so-phap-ly-de-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-quyen-rieng-tu/651868.vnp