Hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hiện nay

nâng cao vai trò của Quốc hội trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện một Đảng lãnh đạo như ở Việt Nam hiện nay, cần phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bài viết đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ chế phối hợp giám sát tối cao của Quốc hội với giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm nâng cao kiểm soát quyền lực nhà nước.

Giám sát tối cao của Quốc hội trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xem là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là hoạt động mang tính chính trị, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chức năng này cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể, đầy đủ hơn khi bổ sung hai từ “kiểm soát”. Đây là lần đầu tiên vấn đề “kiểm soát quyền lực” được đề cập trong Hiến pháp. Đây chính là cơ sở quan trọng, tạo cơ sở hiến định, nhằm tránh việc lạm quyền, chuyên quyền khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của các cơ quan nhà nước.

Để nâng cao vai trò của Quốc hội trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện một Đảng Cộng sản lãnh đạo như ở Việt Nam hiện nay cần phải phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giám sát là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Trong từng bối cảnh, quan niệm về giám sát có những đặc thù riêng, tuy nhiên đều mang nội hàm bao gồm theo dõi và đánh giá về hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát. Đại Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ”. Theo Từ điển tiếng Việt "Giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều đã quy định không"… Theo Từ điển Luật học, “Giám sát là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh”.

Theo đó, các quan niệm dù đưa ra hoặc không đưa ra một cách đầy đủ về chủ thể, tiến trình thực hiện, phương thức và các giá trị, tác động của hoạt động giám sát, nhưng đều toát lên được hai nội dung cấu thành cơ bản của giám sát đó là “theo dõi” và “đánh giá”.

Trong bộ máy nhà nước ta, giám sát thường được chia thành hai loại: Giám sát mang tính quyền lực nhà nước và Giám sát không mang tính quyền lực nhà nước.

- Giám sát mang tính quyền lực nhà nước hay còn gọi là giám sát bên trong hệ thống, là loại hình giám sát được tiến hành bởi chủ thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một hay một số hệ thống các cơ quan nhà nước khác theo những nguyên tắc nhất định về sự phân công quyền lực nhà nước.

- Giám sát không mang tính quyền lực nhà nước hay còn gọi là giám sát từ bên ngoài là loại hình giám sát được tiến hành bởi các chủ thể phi nhà nước. Đó là hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, của các cơ quan báo chí, của nhân dân đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò bảo đảm quyền làm chủ, quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với bộ máy nhà nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) khẳng định: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) của Đảng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân… thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội”1. Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217-QĐ/TW về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW về ban hành Quy định việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nghị quyết Đại hội XII (năm 2016) của Đảng ta khẳng định, cần phải “tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân”2.

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, các quy định về vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được hoàn thiện, xác định địa vị pháp lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với bộ máy nhà nước với các hình thức và phương pháp giám sát phù hợp với địa vị pháp lý của mỗi thiết chế.

Trong các quy định pháp luật, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được đề cập đến trong một số văn bản như: Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, có thể thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được hiến định, cũng là lần đầu tiên Hiến pháp hiến định vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa dân chủ ở Việt Nam, là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình và đóng góp ngày một nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước.

Điều 25 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định về mục đích giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

“Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên thực tế, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây đã ngày càng thể hiện rõ vai trò là một phương thức để nhân dân thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; là phương thức chủ yếu để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách có tổ chức. Qua đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện được vai trò là một trong những phương thức rất quan trọng, căn bản để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khắc phục những hạn chế có thể có của cơ chế một đảng lãnh đạo; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”3.

Với vai trò quan trọng như trên, cần có những giải pháp cụ thể để hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Có thể tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, bổ sung, hoàn thiện những quy định, nguyên tắc, luật trong cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, bổ sung các quy định để làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khi tham gia đoàn giám sát trực tiếp.

Ba là, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Xây dựng cơ chế tiếp thu, giải trình những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát.

Bốn là, tiếp tục thể chế hóa Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành những quy định cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để căn cứ vào đó hoạt động giám sát có điều kiện thực hiện theo quy trình nhất định, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.

Chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội là điều quan trọng và cần thiết trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì, hoạt động giám sát của Quốc hội là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước, và do vậy, khi được kết hợp với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - hoạt động giám sát mang tính xã hội của nhân dân, sẽ tạo ra một cơ chế bảo đảm cho hoạt động giám sát của nhân dân được tiến hành có hiệu quả hơn trên thực tế. Có như vậy sẽ góp phần làm cho hoạt động giám sát, kiểm soát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

Trần Thị Mai

TS, Học viện Ngân hàng

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qua độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội. tr. 8-9.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 178.

3. Nguyễn Quang Minh (Chủ nhiệm đề tài), Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr.27.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021.

3. Trần Ngọc Đường (Chủ biên), Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011.

4 Nguyễn Quang Minh (Chủ nhiệm đề tài), Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội. 2017.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2015.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/hoan-thien-co-che-phoi-hop-hoat-dong-giam-sat-toi-cao-cua-quoc-hoi-voi-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-hien-nay-39437.html