Hoàn thiện cơ chế để người lao động không bị 'đem con bỏ chợ'

Một yêu cầu đặt ra với Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là làm rõ cơ chế bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hay nói như các đại biểu Quốc hội, Dự Luật phải như một 'tấm bản đồ' chỉ rõ đường đi, lối về cho người lao động.

Hoàn thiện cơ chế pháp lý

Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được khẳng định đã giúp người lao động có cơ hội mưu sinh, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội. Song trăn trở lớn nhất của nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội khi xem xét Dự Luật này là lao động đi làm việc ở nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là bị lạm dụng quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo nhiều ĐB, dù phải trả tất cả chi phí đào tạo, kể cả chi phí môi giới lao động, nhưng chúng ta lại không có cơ chế để người lao động được đánh giá chất lượng dịch vụ do chính họ trả tiền và chưa chắc chắn được tiếp nhận việc làm sau khi đào tạo...

 Tư vấn cho người lao động sang Hàn Quốc làm việc tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tư vấn cho người lao động sang Hàn Quốc làm việc tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Cùng với đó, thực trạng “đem con bỏ chợ” của các DN vẫn chưa được khắc phục. Một số ĐB thông tin, nhiều cán bộ địa phương trong khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, DN không sẵn sàng chịu trách nhiệm của mình sau khi người lao động xuất cảnh.

Dẫn kết quả khảo sát của ILO năm 2018, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, trong quá trình làm việc có khoảng 76% người lao động Việt Nam di cư đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý. Bởi vậy, sửa đổi Luật lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các ĐB, trong Dự Luật, cơ chế thực hiện trách nhiệm của các chủ thể này như thế nào và cơ chế bảo vệ người lao động như thế nào lại chưa được làm rõ. Trong đó, một vấn đề được đặt ra là có nên bổ sung quy định về thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Dự Luật, thời hạn của Giấy phép là 5 năm, được gia hạn một lần và mỗi lần là 5 năm. Nhưng theo các ĐB, quy định như vậy liệu có bảo đảm đủ răn đe, bởi để quản lý hiệu quả hơn thì cần quy định chặt chẽ đầu vào và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Hỗ trợ người lao động

Dự Luật cũng đã bổ sung thêm nghĩa vụ của DN, phải có nhân viên nghiệp vụ quản lý, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài bảo đảm cung cấp, trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần. Nhưng trường hợp DN không bảo đảm nghĩa vụ này lại không có bất kỳ chế tài nào để xử phạt. Đó là vấn đề được các ý kiến đề xuất Dự Luật phải hoàn thiện hơn, tạo một pháp lý chặt chẽ hơn và trách nhiệm hơn.

Điểm mới của Dự Luật là bổ sung đối tượng điều chỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, TP, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này được Dự Luật quy định hoạt động phi lợi nhuận, chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc tế đã được địa phương ký kết.

Từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình này đã được thí điểm tại một số địa phương và cho thấy hiệu quả, giúp kết nối chặt chẽ hơn với người lao động dù họ đang ở nước ngoài. Mô hình mới được tán thành đưa vào Dự Luật, song điều khiến các ĐB cho rằng, cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan như phù hợp với chủ trương xã hội hóa, bộ máy, kinh phí…

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoan-thien-co-che-de-nguoi-lao-dong-khong-bi-dem-con-bo-cho-388708.html