Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN kịp thời theo đúng quy định.

Cơ chế, chính sách, pháp luật cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Cơ chế, chính sách, pháp luật cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Ban hành đồng bộ hệ thống chính sách

Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định và các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ ban hành 14 Thông tư hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Trong đó các cơ chế chính sách đã được ban hành sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 về việc phê duyệt Danh mục DN thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành 02 Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (Thông tư số 34/2019/TT-BTC ngày 11/6/2019; Thông tư số 21/2019/TT-BTC ngày 11/4/2019); Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-NHNN ngày 29/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Những “nút thắt” trong quá trình triển khai

Giải pháp đã có, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Khi xây dựng cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên qua bám sát theo Nghị quyết Trung ương của Đảng, để rà soát lại, nhận diện rõ khiếm khuyết trong vấn đề quản lý tài sản, đất đai.để có cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả.

Trong vấn đề cổ phần hóa thời gian qua, khi thay đổi cách làm sẽ tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, do đất đai của khu vực DNNN có phạm vi lớn, cho nên việc rà soát, chấp hành việc thực hiện này không quyết liệt nên vẫn còn chậm. Như vậy, nếu DN sắp xếp đúng theo đúng quy định của Luật Đất đai, công khai, minh bạch thì khi có quyết định cổ phần hóa, thì sẽ bảo đảm rất nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm có quy trình cho các DN biết để DN phải chuẩn bị bao lâu và từ đó DN lượng được thời gian, lượng được khối lượng công việc, được nguồn lực để DN làm.

Mặc dù, liên tục được sửa đổi, bổ sung chính sách về cổ phần hóa nhưng trong thực tiễn triển khai vẫn phát sinh những bất cập làm cho quá trình định giá, đặc biệt là giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, nếu tháo gỡ được vấn đề này, sẽ đẩy nhanh tiến độ về phê duyệt đất đai. Đồng thời, ông Tiến cũng cho rằng, cơ chế chính sách đã đủ, cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Làm tốt vấn đề sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Thực tế rất nhiều DN chủ động triển khai, nhưng trong quy trình làm có nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nếu chưa thống nhất thì gây ra tiến độ chậm. Nếu có sự quyết liệt từ lãnh đạo DN đến cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, các quy định về cổ phần hóa DNNN, trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm mới nên gây ra sự lúng túng nhất định đối với công tác tổ chức thực hiện từ các DN cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc

Thực tiễn khi triển khai cổ phần hóa công ty mẹ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; DN do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ để phản ánh đúng giá trị DN, tránh thất thoát vốn của Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DN.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có những vướng mắc, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Theo đó, trong quý IV/2019 và năm 2020, các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng hoàn thành việc rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN như: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Luật Xây dựng.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đề nghị tất cả các cơ quan phải chủ động trên cơ sở rà soát của DN để phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa hay tiếp tục sử dụng cho DN bao nhiêu nếu DNNN chưa cổ phần hóa.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/hoan-thien-co-che-chinh-sach-ve-co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-314669.html