Hoàn thiện cơ chế chia sẻ trong PPP

Ngày 13-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức tọa đàm trực tuyến 'Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?', với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Cần hoàn thiện khung pháp lý về PPP để thu hút đầu tư vào hạ tầng.

Cần hoàn thiện khung pháp lý về PPP để thu hút đầu tư vào hạ tầng.

Một trong những vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong dự thảo luật PPP là cơ chế chia sẻ (bao gồm cả chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro) trách nhiệm cũng như về vốn giữa các bên liên quan đối với dự án. Theo đó, dự thảo luật PPP cần có cách hiểu nhất quán và rõ ràng về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Hiện nay, các điều kiện của dự thảo luật còn chặt, thuận lợi hơn cho khu vực công, trong khi khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện khó có thể chứng minh được trên thực tế.

Do đó, để hấp dẫn khối đầu tư tư nhân, dự thảo luật PPP nên có quy định đàm phán trong hợp đồng về mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, điều kiện cụ thể của bảo lãnh doanh thu tối thiểu tùy thuộc vào bản chất của từng dự án. Cần có cơ sở pháp lý đủ rõ để chi tiêu ngân sách đối với bảo lãnh doanh thu dự án PPP hay thực hiện cơ chế quỹ như kinh nghiệm một số nước.

Nguyên tắc thanh toán chấm dứt hợp đồng nên được quy định cụ thể để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Cụ thể, phạm vi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên được mở rộng thêm trường hợp khi bất kỳ một bên đối tác của hợp đồng bị tác động bởi sự kiện bất khả kháng và bất kỳ cơ sở nào khác cho việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được ghi nhận trong hợp đồng PPP.

Theo ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp về quản lý nhà nước và PPP, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm ngoài cơ chế chia sẻ còn có cả quy định về vốn. Quy định về hạn mức thời gian chuẩn bị cho dự án PPP hiện vẫn chưa hợp lý. Đơn cử, dự thảo luật PPP quy định việc chuẩn bị dự án lại phải nằm trong phần xét duyệt của ngân sách 5 năm, điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư tư nhân.

Ông Dũng kiến nghị, để dự án khả thi, nên có dòng ngân sách riêng cho dự án. PPP không phải hoàn toàn là đầu tư công, nếu trói vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ thiếu sự linh hoạt và khó khăn trong quản lý. Khi có dòng ngân sách riêng, nhà đầu tư thấy Chính phủ có cam kết rõ ràng, linh hoạt sẽ an tâm. Ngân hàng khi cho vay với rủi ro thấp, nhà đầu tư dễ vay hơn, chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò quản trị của Bộ Tài chính trong quá trình này.

Tại tọa đàm, đa số ý kiến cho rằng, để khuyến khích các dự án do nhà đầu tư đề xuất, luật cần bổ sung quy định nguyên tắc các ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án. Ưu đãi chi tiết nên được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn thi hành của luật PPP.

Dự thảo luật PPP không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu và thầu phụ trong nước, cho phép sử dụng nhà cung cấp trong nước và nước ngoài theo sự lựa chọn của nhà đầu tư. Ngoài ra, luật cần bổ sung và cụ thể hóa một số nội dung như quyền của bên cho vay với tư cách là bên nắm giữ tài sản bảo đảm, hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo lãnh chính phủ, quy định về các nhóm lĩnh vực được phép đầu tư…

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/hoan-thien-co-che-chia-se-trong-ppp-80272.html