Hoàn thiện chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

NĐ số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP), có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, được kỳ vọng sẽ lấp những 'lỗ hổng' về chính sách đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Nghị định số 63/NĐ-CP được kỳ vọng lấp “lỗ hổng” về chính sách đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Nghị định số 63/NĐ-CP được kỳ vọng lấp “lỗ hổng” về chính sách đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP), có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, được kỳ vọng sẽ lấp những “lỗ hổng” về chính sách đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Việc ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63) thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (Nghị định 15) đã có 6 thay đổi quan trọng. Trong đó, hai thay đổi lần đầu tiên được thực hiện như việc nhà đầu tư không được phép tự lập dự toán tổng mức đầu tư và quỹ đất của nhà nước được dùng để thực hiện dự án phải có thiết kế quy hoạch.

Loading

Theo đó, 6 thay đổi trong Nghị định số 63, bao gồm:

Thứ nhất, về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, nếu như Nghị định số 15 quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) có trách nhiệm huy động một số nguồn vốn hợp pháp rồi cấp phát cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, ở nghị định mới quy định các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải chủ động việc huy động vốn cho mục đích này. Như vậy, nghị định mới đã chuyển trách nhiệm của Bộ KHĐT trong việc huy động vốn phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư sang cho các bộ, ngành, UBND tỉnh, và điều này cũng góp phần tránh được những rủi ro liên quan do làm tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan này trong cùng vấn đề.

Thứ hai, về vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Nghị định số 63 nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên tối thiểu 20% so với mức 15% trong Nghị định số 15 đối với dự án có tổng đầu tư đến 1.500 tỷ đồng. Đối với các dự án có mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng thì mức vốn chủ sở hữu theo quy định mới cũng được sửa theo hướng nâng cao hơn. Theo đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng và tối thiểu là 10% với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, loại bỏ nhà đầu tư dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng để thực hiện dự án.

Thứ ba, hình thức nhà nước tham gia trong dự án PPP. Ngoài vốn góp và vốn thanh toán cho nhà đầu tư, trong Nghị định số 63 quy định: Nhà nước có thể tham gia dự án PPP bằng cách góp quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nếu vốn góp của Nhà nước có nguồn từ nguồn vốn đầu tư công thì vốn này không được áp dụng với dự án BT. Ngoài ra, Nghị định 63 còn quy định, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, Nhà nước chỉ bố trí vốn góp hoặc vốn thanh toán cho nhà đầu tư khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà đầu tư.

Thứ tư, về việc lập kế hoạch vốn đầu tư công làm phần nhà nước tham gia trong dự án PPP. Nghị định số 63 không yêu cầu Bộ KHĐT và Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công quốc gia như nghị định trước đó. Điều này cho thấy sự phân cấp hoàn toàn cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập kế hoạch vốn này. Mặt khác, điều này cũng cho thấy khó khăn khi muốn biết Nhà nước sẽ phải bỏ ra bao nhiêu vốn đầu tư vào các dự án PPP trong khắp các ngành, địa phương, vì con số này sẽ không còn được tổng hợp và báo cáo một cách tập trung, thống nhất như trước.

Thứ năm, về chuyển đổi từ dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công sang dự án PPP, trừ các loại hình gồm hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M), và dự án đối ứng của dự án BT. Với quy định này, có thể sẽ có nhiều dự án đầu tư công được chuyển đổi và nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi rủi ro liên quan đến dự án PPP được giảm thiểu do cơ chế pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn liên quan đến dự án PPP đã được công bố. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng do vốn đầu tư công bị dàn trải ở nhiều dự án đầu tư công khác nhau trên cả nước, có thể tập trung vào một số dự án trọng điểm, ưu tiên mà không cần hoặc không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.

Thứ sáu, quy định riêng đối với hình thức hợp đồng BT. Cụ thể, gồm những quy định về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư hợp đồng BT (gồm sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc... và nhượng quyền kinh doanh...). Nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh giá trị sử dụng đất, tiền thuê đất và nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư, gồm các nguyên tắc xác định phạm vi và thời hạn nhượng quyền kinh doanh.

Như vậy, việc ban hành Nghị định 63 đã thể hiện rõ sự phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, gia tăng hình thức tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP. Gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP, giúp giảm gánh nặng chi lên nguồn ngân sách Nhà nước.

Mạnh Tiến

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hoan-thien-chinh-sach-ve-dau-tu-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-post21356.html