Hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho người cai nghiện ma túy

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội khẳng định, tất cả người nghiện tại cơ sở hoặc cai nghiện tại cộng đồng đều được ngành LĐ-TB&XH quan tâm, tư vấn phòng, chống tái nghiện, dạy nghề tạo việc làm để họ có việc làm ổn định, trở thành công dân tốt cho xã hội. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp nhằm giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng xã hội.

Hoàn thiện chính sách, nâng cao đời sống người nghiện

Thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương hết sức quan tâm đến việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách đối với người cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện do nhà nước hoặc tư nhân quản lý.

Học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa tham gia lao động trị liệu.

Học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa tham gia lao động trị liệu.

Chế độ hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được cải thiện, nâng cao hơn. Trước năm 2014, chế độ trong các cơ sở này rất hạn hẹp. Sau 2015, chế độ, chính sách cho các đối tượng trong các cơ sở cai nghiện ma túy đã sửa đổi, bổ sung. Theo Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, định mức tiền ăn hàng tháng của học viên là 0,8 mức lương cơ sở. Ngày lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, học viên có chế độ ăn thêm; chế độ ăn đối với học viên bị ốm; hỗ trợ tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân…

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, đối tượng cai nghiện tự nguyện cũng được hỗ trợ bằng 70% so với đối tượng cai nghiện bắt buộc. Các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện do tư nhân quản lý cũng được thí điểm hỗ trợ. Đối với những người cai nghiện tại gia đình cộng đồng, tới đây sẽ tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các chính sách liên quan để tạo điều kiện chính sách tốt hơn cho đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với phương châm: Hỗ trợ cơ sở y tế của cấp xã; hỗ trợ cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại địa phương; tập huấn đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận, hỗ trợ người cai nghiện.

Về hướng nghiệp, lao động dạy nghề cho đối tượng cai nghiện tại các cơ sở, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết: "Thời gian qua, một số tổ chức quốc tế do chưa tìm hiểu đầy đủ thông tin và chính sách pháp luật của Việt Nam nên có thông tin là các cơ sở cai nghiện cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền. Mới đây nhất, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Đoàn Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ (Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ) và nhiều tổ chức quốc tế như FEFFAR, USAID, SAMHSA tại Việt Nam...

Tại buổi làm việc, chúng tôi đã khẳng định, người cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện đều được đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Điều 14, Điều 20 của Hiến Pháp (năm 2013) của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục tiêu: Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị, cai nghiện (điều trị tự nguyện và điều trị bắt buộc) theo hướng tăng dần điều trị, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện.

Chúng tôi đều hoan nghênh và đón tiếp tất cả các Đoàn đến tất cả các cơ sở cai nghiện để tìm hiểu, xem xét quá trình thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam đối với những người cai nghiện trong cơ sở (kể cả đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt buộc). Chúng tôi khẳng định, Việt Nam không vi phạm nhân quyền và không vi phạm tất cả các công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết".

Về quy định thời gian lao động trị liệu đối với học viên, người vào cơ sở cai nghiện dù tự nguyện hay bắt buộc trong một ngày tham gia lao động trị liệu với thời lượng 4 giờ/ngày là hoàn toàn hợp lý. Học viên được nghỉ lao động trị liệu trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Không tổ chức lao động trị liệu cho học viên trong thời gian cắt cơn, giải độc. Học viên tham gia lao động trị liệu được phân công công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính. Thông qua lao động, học viên cải thiện sức khỏe, cải thiện cuộc sống. Nếu có thành quả lao động thì có thể đóng góp vào cuộc sống hàng ngày của họ, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cơ sở, thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao.

“Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”

“Năm nay, Tháng hành động phòng, chống ma túy được triển khai từ ngày 1 - 30/6 với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ trước khi bắt đầu bất cứ một hành động gì cần suy nghĩ đến kết quả, hệ quả. Các bạn hãy nghĩ về những hệ lụy do ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội, từ đó có câu trả lời cho chính mình”, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Trong lĩnh vực được phân công, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phát huy vai trò chủ trì trong thực hiện Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020; tăng cường quản lý, giám sát người nghiện ma túy, bảo đảm an toàn trong các cơ sở cai nghiện; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy tại các cơ sở cai nghiện.

Đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, các địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tác hại của ma túy; phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tuyên truyền về hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đối với thế hệ trẻ để họ không sử dụng. Nếu sử dụng rồi thì được tư vấn, trị liệu và hỗ trợ ban đầu để tránh trường hợp phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hoan-thien-chinh-sach-tao-dieu-kien-tot-nhat-cho-nguoi-cai-nghien-ma-tuy-d99360.html