Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp'.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: CTV

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: CTV

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, công tác đưa người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy, cải thiện đời sống người lao động và gia đình.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội... Việc này dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của Hội thảo với việc đảm bảo di cư lao động của Việt Nam trên trường quốc tế. Bà Ingrid Christensen cho biết, di cư lao động là vấn đề phức tạp, đặc biệt ở châu Á. Việc lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng cho lao động, tuy nhiên, lao động Việt Nam, nhất là phụ nữ có nguy cơ bị tổn thương cũng như phải chịu một số hình thức vi phạm về lao động. Các nghiên cứu khác nhau cũng chỉ ra, lao động Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin di cư an toàn. Lao động nữ là nhóm yếu thế nhất và có nguy cơ bị phân biệt đối xử, gặp khó khăn về ngôn ngữ, thiếu cơ hội đào tạo... Những yếu tố này ảnh hưởng đến việc làm bền vững của lao động Việt Nam.

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, ILO kêu gọi xây dựng chương trình nghị sự về di cư công bằng, góp phần đem lại cơ hội thực sự cho lao động có việc làm thỏa đáng; tuyển dụng công bằng, tạo sân chơi bình đẳng cho lao động, thúc đẩy các hiệp định song phương nhằm đảm bảo hoạt động lao động di cư cho các quốc gia thành viên; thúc đẩy đối thoại xã hội với sự tham gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn.

Các ý kiến phát biểu, tham luận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế tập trung vào các vấn đề: Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực trạng, nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng; đề xuất định hướng lãnh đạo đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; giải pháp chuyển đổi số gắn với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài...

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh, công tác đưa lao động, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua theo chủ trương của Đảng là rất đúng đắn và đã đạt những kết quả nhất định. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong vấn đề này tăng lên; quản lý ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn; chế tài đối với người lao động, doanh nghiệp và trách nhiệm của chính quyền địa phương đã được tăng lên. Lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên hàng năm, trong 3 năm gần đây (2019 - 2021) có giảm do dịch bệnh và các yếu tố khác nhưng nhìn chung giai đoạn 10 năm (2012 đến nay) so với giai đoạn trước (1998 - 2012) tăng cả về số lượng và nâng lên về chất lượng...

Khái quát các ý kiến, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc... xuất hiện ở nhiều nơi. Một số lao động bị lôi kéo, lợi dụng, lừa gạt. Công tác quản lý người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước chưa chặt chẽ. Vấn đề đào tạo nghề, giáo dục định hướng, phí tuyển dụng… vẫn cần khắc phục trong thời gian tới.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình mới.

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-cong-tac-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20220816154721012.htm