Hoàn thiện các văn bản pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành năm 2020, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Năm 2020, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi dịch bệnh, thiên tai, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2020.

Cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Cụ thể, đến hết năm 2020, diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao) - tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2021 là công tác cải cách hành chính, khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2021 là công tác cải cách hành chính, khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.

Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn.

Năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khoảng 3,2 triệu người; trong đó: Chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân); trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng 27,1% so với năm 2015); trên 1,006 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm 2019, tăng 91,2% so với năm 2015.

Đặc biệt, trong trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tại nhà, chi trả gộp 2 tháng trong cùng 1 kỳ chi trả; cấp thuốc bảo hiểm y tế cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, kịp thời tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng, tranh thủ dịch bệnh, thiên tai để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Thực hiện có hiệu quả các quy định mới từ 1/1/2021

Về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ toàn ngành trong năm 2021, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị từng công chức, viên chức trong toàn ngành phải luôn nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, toàn ngành cần tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, nhiệm vụ cần ưu tiên trước mắt là tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số..

Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021 là công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, thay mặt lãnh đạo ngành, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh đã phát động Phong trào thi đua năm 2021 ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị, toàn ngành chủ động tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương về các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021; đặc biệt là việc triển khai các nội dung, quy định mới của chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Tập trung mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp và chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng, đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2021:

“Toàn ngành phấn đấu đạt và vượt số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được giao; hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi của năm 2021 xuống mức thấp nhất (thấp hơn năm 2020)”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nêu nhiệm vụ.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoan-thien-cac-van-ban-phap-luat-ve-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-117079.html