Hoàn thiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 19-9, tại Hà Nội, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nghe các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nội dung Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 cho thấy, kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định, tạo được sự thay đổi tích cực; tuy nhiên vẫn chưa thật sự mang tính đột phá. Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Công tác PCTN tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt, giúp ngăn chặn tham nhũng...

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017, chưa nêu được chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016. Một số tồn tại, hạn chế còn sơ lược, thiếu các thông tin, địa chỉ cụ thể. Báo cáo chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN thời gian qua. Vì thế, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn căn cứ đánh giá về tình hình tham nhũng trong năm 2017 và căn cứ dự báo tình hình tham nhũng trong năm tới.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập một số vấn đề về kê khai tài sản, thu nhập trong báo cáo công tác PCTN. Theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến. Ðáng lưu ý, quy định của Luật PCTN về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc và có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng. Nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc.

Ðáng lưu ý, kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp cũng như kết quả các Ðoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN thời gian qua cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do Cơ quan điều tra ở T.Ư điều tra. Ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở khu vực này vẫn còn nghiêm trọng. Ðây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, trong đó có nguyên nhân từ việc “khép kín” trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh của nhiều tỉnh trong việc tự xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về PCTN. Ủy ban của QH đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hằng năm cần chú ý đến việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị QH, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; đồng thời quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo QH kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Chiều qua, Ủy ban TVQH thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác PCTN năm 2017.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34140202-hoan-thien-cac-quy-dinh-ve-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-cua-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han.html