Hoàn thiện các nội dung liên quan đến trẻ em trong Dự thảo Luật Giáo dục

Nhằm đề xuất các nội dung cụ thể bổ sung vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), sáng 12/09, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức hội nghị về các nội dung liên quan đến trẻ em trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu sơ lược Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Đa số ý kiến tại hội nghị cho rằng, dự thảo Luật giáo dục sửa đổi đã tập trung vào một số nội dung cấp thiết trong ngành giáo dục. Song, những nội dung này còn chưa bao quát hết các ưu tiên và bất cập trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là vấn đề bình đẳng, quyền con người và quyền trẻ em. Ông Đặng Hoa Nam -Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khuyến nghị: bổ sung những quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Đối với chủ thể là người học trong độ tuổi trẻ em, ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, bổ sung quy định quyền được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; được bảo vệ khỏi mọi hành vi xâm hại trong nhà trường, trong các hoạt động giáo dục do giáo viên, nhà trường thực hiện, trong các mối quan hệ giữa người học và giáo viên, giữa người học và nhà trường.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất giáo dục hòa nhập trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa, nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi trẻ em trong tiếp cận giáo dục, từ đó các em có điều kiện, cơ hội để thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau. Giáo dục hòa nhập không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn giúp mọi trẻ em phát huy tối đa khả năng của bản thân; mài dũa tri thức; hợp tác cùng nhau phát triển và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, điểm bất cập là các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập chưa được thể hiện rõ trong Luật giáo dục. Trong khi đó, Luật Giáo dục là đạo luật quan trọng nhất quy định về các vấn đề giáo dục nói chung. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khi tham gia vào các hoạt động giáo dục.

Đại diện UNICEF phát biểu ý kiến

Tại hội nghị, đại diện UNICEF nhấn mạnh, mục tiêu của Giáo dục hòa nhập là đảm bảo tất cả mọi người đều được giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi người trong suốt cuộc đời của họ. Giáo dục hòa nhập tạo ra một môi trường mà trong đó tất cả mọi người đều được tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ giáo dục, đồng thời được tiếp cận toàn diện với giáo dục. Tiếp cận toàn diện có nghĩa là không có những rào cản xã hội như kỳ thị, khiến cho một số bộ phận người học tiềm năng không được tham gia giáo dục, không có những rào cản về ngôn ngữ hay giao tiếp. Khuyến nghị sửa đổi dự thảo Luật đảm bảo có quy định chi tiết hơn về giáo dục hòa nhập và bình đẳng, nhất là các điều khoản liên quan đến mục tiêu giáo dục, đầu tư cho giáo dục, quản lý giáo dục, chương trình giáo dục và giáo dục mầm non. Đối với trẻ em khuyết tật nên tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục chuyên biệt trở nên hòa nhập hơn.

Nguyễn Hữu Toàn phát biểu ý kiến

Liên quan đến vấn đề này, đại diện học sinh và thanh niên khuyết tật Nguyễn Hữu Toàn, cho rằng, nên có chính sách miễn hoàn toàn học phí và các chi phí ngoài học phí cho các đối tượng học sinh khuyết tật, thay vì quy đinh như hiện nay là “đối tượng khuyết tật khó khăn về kinh tế thì mới được miễn giảm học phí”. Bởi lẽ gia đình có con em khuyết tật vốn đã khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật rồi nếu lo thêm khoản chi phí học tập thì càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục hòa nhập cần được áp dụng ở tất cả các cơ sở giáo dục. Bởi hiện dự thảo Luật chỉ đề cập đến trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật mà không nhấn mạnh đến môi trường giáo dục hòa nhập, làm giảm tiếp cận giáo dục của nhiều trẻ khuyết tật.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những Điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Theo đó, tại Điều 26, Khoản 1, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định “Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông”. Các đại biểu khuyến nghị nên bổ sung “giáo dục mầm non” vào hệ thống giáo dục cơ bản vào Khoản 1, Điều 26. Tại Điều 11, Khoản 1, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 quy định: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các đại biểu cho rằng nên sửa đổi và bổ sung Khoản 1, Điều 11 như sau: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em ba, bốn và năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Điều 101 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các đại biểu khuyến nghị nên bổ sung cả các khu công nghiệp và khu chế xuất vào nội dung này vì trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ của các gia đình di cư, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục do số trường học còn hạn chế ở các khu vực có khu công nghiệp và khu chế xuất.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, dự thảo Luật lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia…nhiều chính sách mới như nâng cao chất lượng giáo viên, nâng chuẩn đào tạo của giáo viên, những chính sách liên quan trực tiếp và gián tiếp đến trẻ em…đã được bổ sung. Với những ý kiến đóng góp tại hội nghị hôm nay, Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến trên tinh thần đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Ngô Thị Minh kết luận

Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Sửa đổi Luật Giáo dục lần này trên tinh thần đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đảm bảo Luật Giáo dục vừa là Luật khung, làm nền tảng cho các Luật chuyên ngành như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác. Hội nghị hôm nay đã giúp Ban soạn thảo, Ban thẩm tra dự thảo Luật tiếp tục hoàn thiện thêm một bước khi có đầy đủ các ý kiến. Bên cạnh việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền lợi của mọi trẻ em….dự thảo Luật phải quy định thế nào để không phá vỡ cấu trúc, các văn bản luật và văn bản dưới luật, đảm bảo 25 quyền của Trẻ em trong Luật trẻ em luôn được đảm bảo, được cụ thể hóa và phải được tôn trọng. Vì sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện, trước mắt Ban soạn thảo cần tổng hợp mọi ý kiến hôm nay, bên cạnh đó tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các đại biểu, các chuyện gia, mọi tầng lớp nhân dân để dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được hoàn thiện nhất khi trình vào kỳ họp Quốc hội tới./.

Lê Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37204