Hoàn thành dự án Molniya, Việt Nam tiến thẳng lên Karakurt?

Hôm qua ngày 9/10, Quân chủng Hải quân đã làm lễ thượng cờ, chính thức tiếp nhận vào biên chế chiến đấu 2 tàu tên lửa M5 và M6 lớp Molniya.

Như vậy sau 8 năm thi công đóng mới theo giấy phép của Nga, đến nay Việt Nam đã có trong trang bị tổng cộng 8 tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya thuộc Dự án 1241.8 trong đó 6 tàu đóng trong nước.

Thời điểm kết thúc dự án cũng là lúc nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên mua tiếp giấy phép để đóng biến thể Molniya nâng cấp với vũ khí tối tân hơn, ví dụ như tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Yakhont hay Kalibr.

Cặp tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 do Việt Nam thi công đóng mới

Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế rằng Molniya là thiết kế từ thập niên 1970, tồn tại nhược điểm như không có khả năng tàng hình, mức độ phản xạ radar của con tàu 500 tấn này theo đánh giá còn lớn hơn nhiều chiến hạm 2.000 tấn hiện đại khác.

Bên cạnh đó mức độ tự động hóa của Molniya chưa cao khi cần tới thủy thủ đoàn lên tới 40 người để điều khiển hay động cơ kết hợp diesel và turbine khí của nó rất tốn dầu, không kinh tế.

Chính vì vậy, với chủ trương tiến thẳng lên hiện đại, theo các nhà quan sát có thể tới lúc Việt Nam tiến tới mua giấy bản quyền chế tạo lớp tàu tên lửa tàng hình tối tân hơn, đó là lớp Karakurt - Dự án 22800.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình tiên tiến Karakurt - Dự án 22800 của Nga

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 vừa mới được Nga hạ thủy chiếc đầu tiên vào tháng 8 năm nay, nó đang được xác định trở thành xương sống mới của biên đội tàu nhỏ thuộc hải quân nước này.

Karakurt có chiều dài 65 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2 m; lượng giãn nước đầy tải 800 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý; thời gian bám biển liên tục 15 ngày. Con tàu được thiết kế với nhiều góc cạnh nhằm tán xạ tín hiệu radar, cho khả năng tàng hình cao.

Về vũ khí trang bị, Karakurt có bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK mang 8 tên lửa hành trình Kalibr-NK; 1 pháo hạm AK-176MA cỡ 76,2 mm với tháp pháo tàng hình hóa; hệ thống điện tử của Karakurt rất hoàn thiện khi có cả radar dẫn bắn Mineral-ME lẫn radar mảng pha chủ động AFAR bố trí kiểu Aegis.

Pháo hạm AK-176MA với tháp pháo tàng hình lắp đặt trên tàu Uragan lớp Karakurt

Ngoài ra, hỏa lực phòng không của Karakurt theo thiết kế sẽ được lắp đặt module tên lửa - pháo phòng không tiên tiến Pantsir-M cho phép lập ô phòng không tầm bắn lên tới 20 km, tức là vượt trội cả Gepard 3.9.

Đặt cạnh Molniya 1241.8 thì rõ ràng Karakurt vượt trội về mọi mặt, điều khó khăn đối với Việt Nam nếu muốn triển khai đóng lớp chiến hạm này trong nước có lẽ chỉ nằm ở việc Nga đã muốn bán giấy phép hay chưa mà thôi.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/hoan-thanh-du-an-molniya-viet-nam-tien-thang-len-karakurt-3344806/