Hoãn họp G7: Mỹ phát tín hiệu đòi thay đổi

Vai trò ngày càng mờ nhạt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 trước những vấn đề toàn cầu hiện nay được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định dời Hội nghị thượng đỉnh G7 tới tháng 9, vốn dự kiến sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng 6 này.

Phát biểu trước các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One vào cuối tuần trước, Tổng thống Trump cho rằng việc hoãn hội nghị tạo điều kiện cho G7 đánh giá lại ý nghĩa cuộc họp truyền thống của lãnh đạo những nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Tôi cảm thấy G7 không đại diện chính xác cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là một nhóm các quốc gia rất lỗi thời” - ông Trump nói. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã không giấu giếm ý định muốn mở rộng phạm vi của G7 để thực sự trở thành một đối trọng của Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xấu đi trông thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Những quốc gia được ông Trump đề xuất tham dự Hội nghị G7 lần này bao gồm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.

Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới trên Air Force One. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới trên Air Force One. Ảnh: Reuters

Trong khi Hàn Quốc và Australia là đồng minh truyền thống của Mỹ, Ấn Độ hiện đang cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì chưa rõ Nga, quốc gia đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế và chiến lược với Bắc Kinh, có nhận lời tham dự hội nghị hay không.

Theo ông Trump, hội nghị có thể diễn ra vào tháng 9, trước hoặc sau cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc. “Ở thời điểm cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, Tổng thống cho rằng nhiều quốc gia đã rất hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh và sự có mặt của lãnh đạo các nước đó tại G7 sẽ mang lại hiệu ứng tích cực” - cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói.

Rõ ràng, việc các nhà lãnh đạo G7 xuất hiện tại Mỹ sẽ là hình ảnh cụ thể hóa cho nỗ lực đưa mọi hoạt động kinh tế trở lại bình thường mà chính quyền Tổng thống Trump đang thúc đẩy. Tuy nhiên, chưa nói đến tình hình dịch bệnh phức tạp tại Mỹ, việc ông Trump muốn tổ chức hội nghị với thành phần mở rộng chỉ trong thời gian ngắn đã trở nên bất khả thi về khía cạnh tổ chức, vốn đòi hỏi nhiều tháng trời chuẩn bị.

Trong khi đó, ngay chính các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cũng bày tỏ sự nghi ngại về khả năng tham dự sự kiện tại Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố bà chưa thể xác nhận tham dự Hội nghị G7 do lo ngại tình hình dịch bệnh. Tại cuộc điện đàm với Tổng thống, người đồng cấp bên phía Pháp Emmanual Macron cho rằng, để Hội nghị diễn ra như trước đây sẽ đòi hỏi sự có mặt của toàn bộ lãnh đạo các nước thành viên. Ông Macron để ngỏ khả năng sẽ không tham dự Hội nghị tại Mỹ nếu bà Merkel từ chối.

John Lee - chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hudson nhận định, có khả năng Mỹ đang tìm cách tạo dựng một liên minh quốc tế mà không có Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Wang Wen - chuyên gia phân tích tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, các nước sẽ không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Trump đã không còn quá tập trung gây dựng ảnh hưởng toàn cầu, Bắc Kinh, với sức ảnh hưởng hiện tại, khiến dự tính này khó có thể trở thành hiện thực.

Ngọc Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoan-hop-g7-my-phat-tin-hieu-doi-thay-doi-385914.html