Hoãn chuyển giao S-300 cho Syria, Nga có 'bán đứng' Iran cho Israel?

Nga đang bị truyền thông 'vạch tội' vì bất ngờ ngả sang Israel, quay lưng với đối tác Iran ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Netanyahu.

Rút lại lời hứa cấp S-300, Nga cảm thấy hệ thống phòng không của Syria chưa cần nâng cấp lúc này.

Rút lại lời hứa cấp S-300, Nga cảm thấy hệ thống phòng không của Syria chưa cần nâng cấp lúc này.

Vì sao Nga hoãn quyết định chuyển giao S-300 cho Syria?

Cuộc gặp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với Tổng thống Vladimir Putin hôm 9/5 đã thúc đẩy tin đồn rằng hai người đã ký một thỏa thuận cho phép Tel Aviv có một “bàn tay tự do” để tiêu diệt lực lượng Iran ở Syria.

Điều này đã khiến giới truyền thông một mực khẳng định trong cuộc xung đột âm ỉ giữa Israel và Iran ở Syria – Moscow đã quyết định lựa chọn ngả sang Tel Aviv.

Tuy nhiên, câu hỏi về việc Nga quyết định từ bỏ đối tác Iran ở Syria là đúng hay sai vẫn là điều cần phải phân tích rõ ràng.

Theo bình luận viên M.K. Bhadrakumar của tờ Asia Times, những suy đoán của giới truyền thông về quan điểm của Nga xuất phát từ hai lý do.

Thứ nhất, ngay lập tức sau khi Thủ tướng Netanyahu trở lại Tel Aviv, Israel đã phát động cuộc không kích với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi 30 máy bay chiến đấu tấn công các căn cứ tại Syria vào ngày 10/5. Moscow đã không đưa ra bất kỳ phản ứng nào.

Thứ hai, truyền thông Nga dẫn lời các quan chức nước này nói sẽ không chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tiên tiến sang Syria sau tất cả những tuyên bố chuẩn bị trước đó.

Điều này càng khiến nhiều người suy đoán rằng Tổng thống Putin đã suy nghĩ lại về quyết định này sau cuộc hội đàm với ông Netanyahu.

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách cụ thể hơn, lý do thứ nhất là không hợp lý, bởi trên thực tế Moscow đã luôn theo dõi thụ động cuộc đụng độ Israel-Iran, không chỉ vào ngày 10/5 mà còn là cuộc tấn công hôm 8/4 trước đó, mà không có lý do gì để đổ lỗi cho cả hai bên.

Ở lý do thứ hai, theo các nhà phân tích, quyết định ngừng giao S-300 của Nga không hoàn toàn đến từ sự nhượng bộ sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel.

Trên thực tế, Mososcow đã có một lựa chọn sáng suốt trong tình hình lúc này, bởi ngay từ đầu, Tổng thống Putin không muốn bị vướng vào cuộc cãi vã giữa các lực lượng Iran ở Syria với Israel.

Cần phải lưu ý rằng, Nga dù không can thiệp hay phản ứng trước các cuộc tấn công của Israel nhưng luôn theo rất sát thông tin về mặt quân sự như một nửa số tên lửa của Israel bị phòng không Syria bắn hạ vào ngày 10/5.

Điều này được cho là mang đến hai ý nghĩa.

Thứ nhất, hệ thống phòng không của Syria vẫn tiếp tục chứng minh sự hiệu quả của mình sau khi bắn hạ hơn 70 trong số 130 tên lửa của liên quân Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc không kích ngày 14/4.

Thứ hai, xuất phát từ hiệu quả trên, Moscow đánh giá rằng bất kỳ nâng cấp lớn nào đối với hệ thống phòng không Syria có thể là không cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Moscow tuyên bố rằng nếu tình hình khẩn cấp phát sinh, Nga sẽ nhanh chóng chuyển S-300 tới Syria trong khoảng thời gian ngắn, chưa đầy một tháng.

Về mặt lý thuyết, tình huống khẩn cấp theo quan điểm của Moscow chỉ là khi Syria lại đối mặt với một cuộc tấn công tiếp theo phương Tây, chứ không phải chỉ để bảo vệ trước các đòn không kích của Israel.

Nga luôn đứng ngoài các cuộc tấn công trả đũa nhau giữa Iran và Israel.

Không ngạc nhiên khi Điện Kremlin đã nhận phải những phản ứng không hay vì suy đoán rằng, quyết định không chuyển S-300 sang Syria là sự nhượng bộ đối với Thủ tướng Netanyahu.

Rõ ràng, những suy đoán của truyền thông đã đi sai hướng khi cho rằng, trong cuộc chơi ở Syria, chính quyền Putin đã "ủng hộ Israel". Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng Nga chưa bao giờ là một quốc gia đi theo xu hướng “một chiều”.

Ngoại giao Nga có truyền thống giữ cân bằng giữa các quốc gia có sự đối đầu nhau.

Trong quá khứ và cả hiện tại, Moscow xây dựng tình hữu nghị hài hòa đồng thời giữa những cặp kình địch như Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (và Síp), Iran và Saudi Arabia, Qatar và Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, Iran và Jordan và có thể trong tương lai sẽ là Ấn Độ và Pakistan.

Nói một cách đơn giản, Nga hiểu được rằng đây là một cách tiếp cận bảo đảm lợi ích tối đa nhất. Những gì Iran có thể cung cấp cho Moscow thì Israel không thể - và ngược lại.

Moscow muốn có mối quan hệ tốt với cả Iran và Israel, bởi vì họ phục vụ các mục đích khác nhau trong chính sách đối ngoại của Nga.

Moscow chưa từng ủng hộ mục đích mở rộng ảnh hưởng của Iran ở khu vực nhưng đánh giá cao vai trò của nước này trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan ở Syria.

Rất rõ ràng, Nga cũng từ chối có chung nhận thức của Israel về việc coi Hezbollah như một nhóm khủng bố.

Syria vẫn sẽ được nâng cấp phòng không

Trong hoàn cảnh phức tạp hiện tại, Nga được cho là sẽ không ủng hộ bất cứ chương trình nghị sự nào của Israel trong việc xóa bỏ sự hiện diện của Iran và Hezbollah trên lãnh thổ Syria.

Mặt khác, Nga cũng sẽ không phản đối Israel hoặc Syria cần phải bảo vệ lợi ích an ninh tương ứng của họ hoặc hành động được coi là tự vệ.

Do đó, mặc dù chỉ trích Israel vì cuộc tấn công tên lửa ngày 8/4 tại Syria bằng cách gọi đây là một động thái nguy hiểm, nước này cũng không hề tỏ thái độ vui mừng trước các cuộc tấn công tên lửa trả đũa Israel từ Syria sau đó.

Vấn đề là, Nga cũng có một sự hợp tác về lợi ích với Damascus và Tehran trong việc bảo đảm sự thống nhất của Syria và củng cố chủ quyền quốc gia của mình.

Do đó, Nga không thể tha thứ cho các thế lực bên ngoài cố gắng “Balkan hóa” Syria hoặc cản trở nỗ lực của chính quyền Damascus nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Một điều đáng chú ý hơn nữa là ngay cả khi không có S-300 của Nga, khả năng phòng thủ của Syria sẽ tiếp tục được nâng cấp với sự hỗ trợ từ bên ngoài, bao gồm cả sự giúp đỡ của Iran.

Đây cũng được cho là lý do Moscow cân nhắc lại quyết định chuyển S-300 tới Syria.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/hoan-chuyen-giao-s-300-cho-syria-nga-co-ban-dung-iran-a370393.html