Hoàn chỉnh chuỗi cung ứng lạnh, nâng giá trị sản phẩm

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cần hoàn thiện chuỗi cung ứng lạnh, từ xử lý làm mát tạm thời sau thu hoạch, đến lưu trữ trong kho lạnh, rồi vận chuyển và trưng bày tại cửa hàng.

Thủy hải sản được bảo quản trong kho lạnh. Ảnh minh họa

Đây là ý kiến của các chuyên gia trong hội nghị cung ứng lạnh toàn cầu 2018 diễn ra ngày 7/3 tại TPHCM nhằm tìm ra các giải pháp bền vững trong quản trị cung ứng lạnh, giảm thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm trên chuỗi cung ứng thông qua việc kiểm soát, quản trị chuỗi cung ứng lạnh-mát hiệu quả hơn.

Thực tế, với nền tảng sản xuất nông nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế nhanh, theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong lãng phí thực phẩm, nông sản trên chuỗi cũng như khó khăn trong việc quản trị logistics cho chuỗi cung ứng lạnh-mát.

Ông David Appel, Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems, một DN hàng đầu về công nghệ bảo quản lạnh cho rằng, cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm hiệu quả hơn sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh-mát trên chuỗi. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất, chúng ta rất cần phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương, thị trường.

Theo nhận định của các DN phân phối lớn, thị trường logistics cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa-nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.

Hiện tượng “đứt đoạn” trong cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn-nhà hàng, hệ thống phân phối.

Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng lạnh đồng bộ

TS. Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam, mặt hàng thủy sản do chủ yếu được xuất khẩu, nên khâu lạnh được hiện đại hóa. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản khác chủ yếu là xuất khẩu thô, thì khâu bảo quản lạnh còn kém, dẫn đến thất thoát sau thu hoạch tương đối lớn, khoảng 20-25% về rau quả, lúa gạo khoảng 14%.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho chuỗi nông sản thực phẩm còn yếu, vùng sản xuất thiếu kho lạnh, khâu vận chuyển cũng thiếu các thiết bị bảo quản lạnh. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu thường phải tự đầu tư kho lạnh rất tốn kém trong khi sản phẩm hàng hóa chỉ theo mùa vụ. Tình trạng này cho thấy, đang thiếu các nhà cung cấp kho lạnh chuyên nghiệp cho các DN sản xuất.

Ông Thế Anh cho rằng, đầu tư bảo quản lạnh là điều kiện bắt buộc trong quá trình hội nhập toàn cầu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon lâu hơn, giữ được giá trị. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần quy hoạch phân bố hậu cần kho lạnh nằm ở vùng nào cho phù hợp với từng sản phẩm ngành hàng.

Ở góc độ DN, ông Lương Quang Thi, Giám đốc Công ty ABA Cooltrans (ABA), một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải lạnh, nhìn nhận, tốc độ phát triển và đô thị hóa, cũng như các hệ thống phân phối hiện đại sẽ là tiền đề cho phát triển các chuỗi giá trị, trong đó có đầu tư cung ứng lạnh trong chuỗi giá trị.

Theo ông Thi, để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cần có sự chung tay của cả chuỗi cung ứng lạnh, từ xử lý làm mát tạm thời sau thu hoạch, đến lưu trữ trong kho lạnh, rồi vận chuyển và trưng bày tại cửa hàng.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, để nâng cao giá trị nông sản, nhất là phát triển theo chuỗi, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất dựa theo định hướng thị trường: Phát huy sản phẩm có lợi thế, có thị trường, gắn với công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Tổ chức lại khâu sản xuất: Quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi, khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Tạo giống mới, chất lượng tốt, phát triển công nghệ chế biến tinh, sâu.

Chuyên môn hóa lao động nông nghiệp; tăng quy mô sản xuất, chuyển dịch lao động sản xuất nông nghiệp, sang những ngành dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm: Lựa chọn dựa trên quy mô, giá trị ngành hàng; lấy DN làm hạt nhân liên kết với các chủ thể kinh tế trong vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp; liên kết chuỗi đầu vào, sản xuất – chế biến – phân phối ứng dụng công nghệ cao bảo đảm năng lực cạnh tranh theo yêu cầu từ thị trường.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/hoan-chinh-chuoi-cung-ung-lanh-nang-gia-tri-san-pham/331062.vgp