Hoàn cảnh đáng thương của nạn nhân vụ lừa mua bán thận

Những ngày qua, dư luận đang hết sức xôn xao bởi thông tin Phòng CSHS - CATP Hà Nội vừa triệt phá một vụ lừa đảo mua bán nội tạng người với hơn 40 nạn nhân sập bẫy. Hầu hết các nạn nhân của vụ án đều là người đang lâm trọng bệnh và có hoàn cảnh gia đình rất éo le.

Thế nhưng bất chấp tất cả, nhóm lưu manh vẫn dựng lên những màn kịch tinh vi nhằm chiếm đoạt của những bệnh nhân khốn khổ đến đồng tiền cuối cùng, mặc cho tính mạng họ đang ngàn cân treo sợi tóc.

Dù bệnh tật, nhưng anh Thành vẫn ngày ngày phải đi làm mộc thuê lấy tiền trang trải chi phí chữa bệnh và duy trì cuộc sống

Số phận bất hạnh

Suy thận độ 4, người gày như xác ve chỉ nặng chưa tới 45kg, nhưng mấy ngày nay anh Dương Văn Thành (29 tuổi) liên tục phải chạy xe máy đi đi về về theo lộ trình, Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội với hy vọng cố đòi cho được số tiền 290 triệu đồng mà anh đã trót giao cho Trương Minh Ngọc (SN 1986, quê quán: TP Việt Trì, Phú Thọ).

Số tiền ấy, Thành cùng cha mình là ông Dương Văn Sỹ đã phải đi vay nợ của bà con họ hàng với mong muốn nhờ Ngọc tìm cách để có thể giúp anh ghép thận, duy trì sự sống. Cho tới tận lúc các chiến sỹ công an tìm đến làm việc và thông báo, anh là nạn nhân của một vụ lừa đảo táng tận lương tâm, anh Thành vẫn không tin đó là sự thật.

Ngồi với chúng tôi trong căn xưởng mộc lúc nào cũng ồn ã tiếng máy cưa, anh Thành cứ cúi mặt suốt cuộc nói chuyện để cố giấu nỗi tuyệt vọng của mình. Sáu năm nay, cuộc sống của anh gắn liền với Khoa Nội thận tiết niệu lọc máu - Bệnh viện đa khoa Bắc Giang, nơi mà cứ cách một ngày anh lại phải vượt 80 cây số cả đi lẫn về để thực hiện những ca lọc máu nhân tạo.

“Người ta bảo, bệnh thận là bệnh của con nhà giàu anh ạ. Ngẫm ra câu ấy đúng. Đã chạy thận thì phải chấp nhận sống chung với cảnh lọc máu đến hết đời bởi dừng chạy là chỉ có chết. Ai có bảo hiểm y tế thì còn đỡ, không có thì chỉ còn nước bán nhà, thậm chí bán tài sản cho tới khi không còn gì để bán thì thôi” - Thành thở dài bắt đầu câu chuyện buồn của mình.

Cánh tay của Thành với đường ven nổi như dây chão vì chạy thận suốt 6 năm qua

Năm 2012, khi vừa tròn 22 tuổi thì anh Thành bất ngờ phát hiện ra mình mắc căn bệnh viêm cầu thận. Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng ông Dương Văn Sỹ (cha anh) cũng cố gom góp tiền đưa con đi chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng, ác một nỗi, càng chữa lại càng tuyệt vọng. Các bác sỹ cho biết, căn bệnh của Thành được phát hiện quá muộn và đã chuyển sang suy thận độ 4. Điều đó cũng có nghĩa là, chạy thận lọc máu là phương án duy nhất để giúp anh duy trì sự sống.

Nhà anh Thành nghèo, nghèo tới mức học hết lớp 9 anh đã phải nghỉ học để đi làm thuê cho xưởng mộc lấy tiền phụ giúp gia đình. Suốt mấy năm trời làm thuê, cuộc sống cũng chẳng khá giả lên được bao nhiêu. Ấy thế mà khi phát hiện ra căn bệnh trọng, tiền bạc, của nả trong nhà có được những gì đều đã đội nón ra đi cả.

“Đã nghèo còn thêm cái eo, cũng may ủy ban xã giúp xác nhận cho em có được cái Bảo hiểm y tế hộ nghèo. Nhờ vậy mỗi lần chạy thận em đều được hưởng chế độ 100% nên mới sống được đến bây giờ. Dù vậy thì tiền chi phí thuốc thang, bồi dưỡng, đi lại mình vẫn phải chịu cả, trong khi làm chẳng ra đồng nào nên khó khăn lắm” - anh Thành nói.

Bóng tối cuối đường hầm

Để duy trì cuộc sống, Thành tìm xuống Bắc Ninh xin làm thuê. Thương cậu thanh niên bất hạnh, anh Nguyễn Anh Minh - chủ một xưởng mộc ở thôn Tự Dương Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn đã nhận Thành vào làm công suốt 6 năm nay. Anh Minh bảo: “Thành nó tội lắm, cứ làm một ngày lại phải xin nghỉ một ngày để về Bắc Giang chạy thận.

Bố mẹ thì già cả, không người thân thích đưa đón, một mình nó phóng xe máy mấy chục cây số cả đi lẫn về. Lắm bữa chạy thận về mệt quá, Thành nó nằm bẹp cả ngày hôm sau, bỏ cả làm. Thế nên tính ra, tiền công cuối tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Trừ tiền thuê nhà, ăn dè hà tiện thì mỗi tháng, cậu ấy cũng chỉ để ra được khoảng 1 triệu đồng dành thuốc thang mà thôi”.

Căn phòng mà Thành vẫn tá túc hàng ngày để đi làm thuê lấy tiền chạy thận

Tôi ghé thăm căn phòng mà Thành vẫn tá túc hàng ngày. Nó ẩm thấp, mốc meo và bé tới mức chỉ kê vừa một chiếc giường. Trên tường là một ngọn đèn tiết kiệm điện đỏ lừ đừ mà Thành chỉ dám bật mỗi khi trời tối. Cứ nghĩ tới cảnh cậu thanh niên bất hạnh một mình cô đơn, đối mặt với bệnh tật hàng đêm trong trong phòng ấy thì bất cứ ai cũng không thể cầm lòng.

Đối mặt với căn bệnh đã vô vọng, bây giờ Thành còn cùng quẫn hơn bởi trong số tiền 290 triệu đồng bị lừa thì có tới hơn 200 triệu là tiền đi vay mượn. Ngày được Thành về thông báo, có anh Ngọc dưới Hà Nội nhận giúp tìm người hiến tạng để ghép thận với chi phí 550 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Sỹ vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi đứa con trai duy nhất của ông có cơ hội để sống, nhưng lo là bởi biết xoay đâu ra khoản tiền khổng lồ ấy bây giờ.

Suy đi tình lại, ông Sỹ đã tìm đến tất cả họ mạc “trình bày hoàn cảnh". Xót thương cho đứa cháu tội nghiệp, mọi người gom góp cho vay, nhưng mới chỉ được 200 triệu. Ông Sỹ dự liệu: “Còn lại hơn 200 triệu thì sẽ mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng chắc cũng đủ. Sau này Thành ghép thận xong thì bố con bảo nhau “cày cuốc” độ chục năm, kiểu gì chẳng đủ khả năng “chuộc” sổ về.

“Bây giờ thì chắc chắn bố em sẽ phải đi “cắm” sổ đỏ. Nhưng không phải để cho em chữa bệnh nữa mà để trang trải cho khoản tiền đã bị lừa kia. Có lẽ số tiền ấy em sẽ không bao giờ đòi lại được” - Thành nói và nhìn ra hồ nước phía sau xưởng mộc cố giấu nỗi buồn đang ngập tràn trong lòng...

Nguyễn Long

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/hoan-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-lua-mua-ban-than/779830.antd