Hoài niệm thị xã

Cái tên thành phố Tuyên Quang ra đời cách đây hơn một thập niên, đến hôm nay nhiều người vẫn nhớ đến tên gọi thân thương: 'Thị xã Tuyên Quang'. Ký ức ấy, thói quen ấy gắn liền bao kỷ niệm xưa cũ với những địa danh một thời như: Bến phà Nông Tiến, thành nhà Mạc, Rạp Tháng Tám... Giữa nhịp sống sôi động của phố phường, lắng lòng mình lại, ta cùng hoài niệm về thị xã ngày ấy qua cảm xúc thi ca.

Suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp thế hệ nhà thơ nối tiếp nhau tạo nên một dòng thơ đầy đặn, sâu lắng về quê hương - mảnh đất xứ Tuyên. Hình ảnh Thị xã Tuyên Quang ngày ấy đã đi vào thi ca một cách tự nhiên, bình dị như chính tình cảm mà các tác giả dành tặng cho mảnh đất nhỏ bé nhưng lắm nghĩa tình này. Ta có thể bắt gặp niềm tự hào, xúc cảm hồn hậu của Đoàn Đình Thứ qua thi phẩm “Hoa núi”; tiếng lòng khắc khoải da diết của Nguyễn Thị Kim Thu qua “Thị xã tuổi thơ”; bức tranh thiên nhiên và tình người tươi đẹp, nhân hậu qua “Nhớ Tuyên” của Triệu Đăng Khoa; thị xã Tuyên Quang và mối tình đầu sâu nặng qua thi phẩm “Về Tuyên” của Nguyễn Siêu Việt... Những thi phẩm ấy làm nên những mảnh ghép đầy sắc màu hoài niệm để ta càng nhớ, càng yêu quê hương mình hơn.

Bến phà Nông Tiến. Ảnh: Lưu Công Tuyên

Nói đến những tác phẩm đã đi vào ký ức của nhiều người dân thị xã Tuyên Quang thì không thể không nhắc đến bài thơ “Nhớ về nơi em” của tác giả Ngọc Hiệp. Thi phẩm đã được nhạc sỹ Đức Liên đồng điệu phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bên cạnh những địa danh thân thuộc như: “Núi Cố”, “Dòng Lô”, “Nông Tiến”, Tràng Đà”, “Ỷ La”, “Phan Thiết”, “Tân Quang”... thì nhiều địa danh chỉ còn là kỷ niệm như con đường “Gốc Nhội”, “Hợp tác xã rau Phú Hưng”: “Anh biết bây giờ thị xã Tuyên Quang/Hoa phượng đỏ hoa bằng lăng tím phố/Đẹp lắm em ơi chuông nhà thờ ngân vang từ núi Cố/Tiếng ve đường Gốc Nhội lại hòa ca/.../Bên kia làng Nông Tiến, Tràng Đà/Lại rậm rịch trước mùa na, mùa nhãn/Tam Cờ ríu ran rộn ràng người mua bán/Rau Phú Hưng gạo trắng Ỷ La về...”.

Với thể thơ tự do, giọng thơ tuôn trào theo cảm xúc gợi lại cho độc giả dòng ký ức gắn liền với mỗi góc phố, hàng cây. Làm sao ta có thể quên được trong nắng vàng rực rỡ, hình ảnh chùm hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng nở tím một góc trời kỷ niệm. Vẫn còn đó âm thanh trầm bổng của tiếng chuông nhà thờ, tiếng ve sầu râm ran mỗi buổi trưa hè; sự nhộn nhịp náo nức nơi góc chợ Tam Cờ... Theo dòng thời gian, hình ảnh thị xã hiện lên trọn vẹn trong dòng tâm tưởng của tác giả.

Đối với những người con xa quê như tác giả Nguyễn Thị Kim Thu (Hà Nội) thì mãi là một nỗi day dứt khôn nguôi. Viết về quê hương tác giả trào dâng xúc cảm, với nhiều trăn trở: “Có phải lâu rồi tôi chưa về Tuyên/Bỗng chiều nay xạc xào nỗi nhớ/Thị xã, tuổi thơ tình yêu một thuở/Đắng đót ngọt ngào găm chặt lấy hồn tôi”.

Khổ thơ là tiếng trải lòng, nỗi niềm khắc khoải khi nghĩ về quê nhà. Nhớ về thị xã ngày ấy là nhớ về kỷ niệm tuổi thơ với những trò chơi nghịch dại thuở nào: “Những trưa hè để mẹ chờ cơm/Chân mê mải theo cánh bay chuồn ớt/Rúc ráy bụi bờ mặc gai đùm đũm/Nhai sấu non đường Gốc Nhội chua lè...”.

Nhắc đến thị xã người ta còn nhớ về những lần chạy lũ. Lũ lụt với bà con đã quá quen, năm ít một lần, năm nhiều hai ba lần. Nhà thơ Triệu Đăng Khoa kể lại, ngày đấy nghe tin nước lên, nhiều hộ dân lập tức thu dọn đồ đạc cho vào túi nọ hòm kia, kê cao bàn ghế xếp lên. Nước tràn vào trong nhà ngập đến mắt cá chân không ai bảo ai lôi tre nứa ra trước cửa nhà hì hục đóng mảng. Tiếng mái chèo, tiếng người gọi nhau náo động. Hình ảnh đó được tác giả khắc họa qua bài thơ “Thị xã mùa nước lụt”: “Thị xã ngày nước lụt/Người lớn xắn quần đến đầu gối/Đi lại như con thoi/Mồ hôi đầm lưng áo/Những chiếc thuyền len vào từng ngõ phố/Cõng theo giường tủ cồng kềnh”.

Từ khi thủy điện Tuyên Quang hoàn thành, lũ lụt giờ chỉ còn là dĩ vãng. Đời sống người dân ổn định, thị xã ngày càng phát triển: “Thị xã mở lòng ngã bảy, ngã năm/Phường tiếp phường, dọc ngang phố, phố/Công viên rợp tiếng cười thị xã chật căng sức trẻ/Sông Lô đã thuần, sông Lô ngập ngừng trôi” (Bình minh lên từ phía quảng trường).

Và cùng với sự phát triển đi lên của thị xã miền núi thì những cây cầu được dựng xây. Đó là nhịp nối bờ vui, thế nhưng trong ký ức bao người còn đọng lại một “Bến phà Nông Tiến”. Nhà thơ Cao Xuân Thái hoài niệm: “Bến sông cũ, con đò thành kỷ niệm/Vụn lửa tan mặt sóng bời bời”. Trong bài thơ “Thành Tuyên ngày xa em”, tác giả nhắc đến bến Phà: “Con phà nhỏ đưa anh về cập bến/Sông Lô dài đã khuất mấy ngàn lau”.

Còn hình ảnh làng chài ven sông ngày ấy đã đi vào thơ Gia Dũng thật nên thơ trữ tình: “Làng trải ra san sát dọc đôi bờ/Sông uốn khúc để làng gần lại/Con nước dềnh lên làng cao dáng núi/Buổi nước ròng làng hóa thung mơ”(Làng chài Nông Tiến).

Dòng hoài niệm vẫn miên man về thị xã một thời, dẫu hôm nay thành phố trẻ đầy năng động đang vươn mình khác xa ngày ấy. Ký ức về thị xã đã trở thành một phần của lịch sử để mỗi lần gợi nhớ ta lại thao thức tìm về.

Giang Lam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hoai-niem-thi-xa-78106