Hoài niệm Tết Việt xưa qua các bài viết của học giả Việt – Pháp

Tết Việt Nam xưa gồm những bài viết tuyển dịch từ nghiên cứu của các học giả nổi tiếng Việt Nam, những du khách, nhà sử học Pháp từng được đăng tải trên Tạp chí Đông Dương (Indochine).

 "Tết Việt Nam xưa" một ấn phẩm đặc biệt của MaiHaBooks dành tặng độc giả trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu

"Tết Việt Nam xưa" một ấn phẩm đặc biệt của MaiHaBooks dành tặng độc giả trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu

MaiHaBooks cùng NXB Thế giới vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách mới Tết Việt Nam xưa trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021. Các bài viết trong sách được dịch từ nguồn tư liệu do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Việt Nam học) sưu tầm và lưu giữ.

Chọn lọc những bài viết đặc sắc trên Tạp chí Đông Dương, cuốn sách đã đưa độc giả bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam” trong sự khắc họa uyên bác, tinh tế, gần gũi mà sống động của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh...

Những bài viết mang đến cho độc giả thông tin thú vị cũng như có thể hiểu rõ tường tận nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, những phong tục và quan niệm đón Tết Việt Nam xưa… Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động. Cuốn sách nhỏ Tết Việt Nam xưa là món quà Xuân ý nghĩa mà MaiHaBooks muốn dành tặng tới quý độc giả gần xa nhân dịp Tết đến, Xuân về.

Chia sẻ về cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Trong cuốn “Tết Việt Nam xưa” có bài viết của những nhà Đông phương học quen thuộc. Họ nhận xét rất chi tiết cách ăn Tết với tác phong, cử chỉ, nghi thức, tùy theo góc nhìn cá nhân. Lại có những nhà Việt Nam học bậc thầy như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Vĩnh… có những nhận xét, những góc nhìn quen thuộc về Tết của dân tộc mình.

Cá nhân tôi nghĩ những học giả Đông phương và những nhà Việt Nam học có trao đổi với nhau. Tôi nghĩ cuốn sách rất đáng đọc để thấy rằng phương Tây họ đã ngưỡng mộ về Tết truyền thống của ta ra sao, họ đã ngắm nhìn những điều đặc sắc của chúng ta như thế nào”.

Các bài viết trong sách được dịch từ nguồn tư liệu do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng sưu tầm và lưu giữ.

Đánh giá về bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: “Tôi thấy, người dịch khá thấu đáo về Việt Nam học, có sự tìm hiểu kỹ và so sánh về ngôn ngữ nên sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm”.

Gói trong gần 200 trang, sách Tết Việt Nam xưa được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết.

Phần Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

Phần 3 Thú chơi Tết xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoai-niem-tet-viet-xua-qua-cac-bai-viet-cua-hoc-gia-viet-phap-406759.html