Hoài niệm những giá trị cũ

Thông tin Thảo cầm viên mà nhiều người trong thành phố quen gọi là Sở thú đang lo lắng chuyện ế ẩm và ban giám đốc nơi đây cũng đang tính đến phương án kêu gọi hỗ trợ với mục đích chính là mua thức ăn cho thú, khiến nhiều người chú ý.

Tôi chợt giật mình, Sở thú đâu phải nhỏ bé gì, lại nằm ngay trung tâm thành phố, vậy mà lâu nay, không chỉ tôi mà còn nhiều người khác nữa dường như quên mất nơi này. Trong nhịp sống hiện đại, guồng quay của công việc, học tập, những mối quan hệ cá nhân… khiến chúng ta ngày càng vội vàng và dễ lãng quên.

1. Từng là một nơi vui chơi hàng đầu trong thành phố dành cho trẻ em, nhiều thế hệ 8X, 9X đã từng gắn tuổi thơ mình với nơi này. Không ít bậc phụ huynh lấy nơi này như phần thưởng lớn để dặn sắp nhỏ trong nhà ráng học giỏi, chăm ngoan thì cuối tuần được ba mẹ đưa đi Sở thú chơi.

Thế hệ 8X, 9X chúng tôi nếu không thuộc làu thì cũng nghe qua bài hát Em đi chơi thuyền của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, đứa nào cũng nghêu ngao mấy câu hát: “Em đi chơi thuyền trong Thảo cầm viên/Chim kêu hót mừng chào đón xuân về/Thuyền em thuyền con vịt, nó bơi bơi bơi/Thuyền em thuyền con rồng, nó bay bay bay”... Rồi lại hứa hẹn học giỏi, chăm ngoan để cuối tuần được đi chơi ở Thảo cầm viên.

Dần dần Sở thú không còn là điểm đến ưu tiên, khi chúng ta ngày càng có nhiều điểm vui chơi và đủ trò thư giãn tại nhà chứ chưa cần phải ra ngoài mới là vui chơi. Quan điểm thẩm mỹ, sở thích của mỗi thế hệ mỗi khác, mỗi thời mỗi khác đó là điều không tránh khỏi.

Trẻ con hôm nay, không mặn mà lắm chuyện đi Sở thú, công viên, mà thay vào đó là trung tâm thương mại, cửa hàng thức ăn nhanh, hay miệt mài với điện thoại, máy tính bảng… Nhưng để Sở thú phải đến nỗi gần như kêu cứu vì lượng khách không đáng kể để duy trì doanh thu, thì có lẽ chúng ta đang vô tình và vội vàng lãng quên một địa điểm thú vị như vậy.

Còn nhớ những ngày còn là sinh viên năm nhất, nhóm bạn nhất quyết bắt tôi đưa đi Sở thú cho bằng được, mặc kệ là tôi bàn ra cỡ nào, cô bạn trong nhóm quả quyết: “Lên Sài Gòn học phải đi Sở thú chơi một bữa cho biết chứ mày, dưới quê tao chỉ nghe mấy người đi làm trên này về quê kể lại không hà. Giờ lên đây học, phải đi chứ còn bàn ra gì nữa”… Người ở xa thì trầm trồ, tôi ở trong thành phố lại lãng quên và bây giờ giữa những cao ốc chọc trời, những dãy nhà hiện đại, người ta đau đầu tính chuyện mảng xanh trong không gian đô thị nhưng lại quên mất một địa điểm xanh giữa lòng thành phố.

2. Chạy theo công nghệ, đời sống quẹt, vuốt, lướt gắn liền với cái điện thoại… đôi lúc khiến người ta không khỏi chạnh lòng và cô đơn trong bộn bề bạn bè trên mạng xã hội. “Sinh nhật bây giờ chỉ toàn là hình và chữ trên trang cá nhân”, một câu nói tưởng chừng chỉ là đùa vui nhưng nó đang phản ánh thực trạng của không ít người hiện nay. Khi mọi thứ được công nghệ hỗ trợ, người ta thể hiện tình cảm cũng theo kiểu máy móc, không còn cảm xúc… Mỗi khi sinh nhật bạn bè chỉ thấy tấm hình chụp cái bánh kem hoặc bó hoa kèm dòng chữ “HPBD!” một cách nhạt nhẽo, thậm chí chỉ có một hình ảnh mỗi khi sinh nhật bạn bè nào đó thì lại “show” ra.

Những lá thư tay, thiệp chúc mừng ngày càng đẹp và đa dạng kiểu cọ, nhưng dường như chỉ thu hút khách nước ngoài. Trước quán cà phê ngay góc đường Lý Tự Trọng giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM), tôi dừng xe lại, người bán còn loay hoay dọn hàng chưa kịp nhìn khách nhưng vẫn giới thiệu: “Two dollars”.

Quay lại nhìn tôi, cô bán hàng bỡ ngỡ: “Ủa khách Việt hả, tại tui quen miệng với khách nước ngoài, thông cảm nghen”. Tôi hỏi: “Bộ khách nước ngoài mua nhiều hơn khách mình hả cô?”. Cô gật đầu: “Chủ yếu là khách Tây đi du lịch thôi, chứ dân mình ít để ý, hồi đó thì thanh niên trẻ trẻ hay mua tặng nhau, giờ lâu lắm mới thấy có một, hai đứa ghé”.

Thiệp chúc mừng viết tay dần bị lãng quên

Thiệp chúc mừng viết tay dần bị lãng quên

Thiệp sinh nhật thì mở ra có hình chiếc bánh kem bật lên, thiệp mừng đám cưới có hình cô dâu chú rể đang ôm nhau, những thiệp khác hoa, lá đủ kiểu hoặc những danh lam thắng cảnh trong nước… Thiệp thiết kế theo kiểu in nổi, in 3D, pop-up… đều có đủ, vừa tỉ mỉ, vừa tinh tế nhưng chẳng mấy khách ghé lại. Cầm 2 cái thiệp trên tay, tôi cũng trăn trở, viết gì và tặng ai đây, khi mà đám bạn tôi vẫn hay trêu: “Giờ này mà còn viết thiệp sến rện vậy”, “Người ta gõ mấy dòng lên Facebook hoặc nhắn cái tin là xong, hơi đâu mà đi lựa rồi ngồi đó nắn nót”… Tờ giấy trắng tinh kẹp bên trong thiệp, nếu viết cũng chỉ đủ vài ba dòng, bỗng trở nên quá rộng. Bởi bây giờ biết viết cho ai đây, khi mà người ta gói gọn “cả thế giới” trong cái điện thoại vừa nhanh vừa tiện thì một cái thiệp mừng sinh nhật bỗng trở thành vật sến súa giữa thời đại công nghệ và mạng xã hội.

Bất chợt tôi lại nhớ đường Hàn Thuyên (quận 1, TPHCM), con đường bán thiệp nổi tiếng trong thành phố. Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, nhiều bạn trẻ chen chúc nhau lựa những tấm thiệp Noel, chúc mừng năm mới thật đẹp, thật đặc biệt để dành viết tặng người thân, bạn bè… Tất cả như chỉ còn trong hoài niệm.

3. Bạn bè tôi kháo nhau: “Muốn tìm sách mới thì ra Đường sách là lẹ nhất”. Mỗi gian hàng của các nhà xuất bản, những cuốn sách mới phát hành luôn chễm chệ ngay vị trí dễ nhìn nhất, để khách có thể chụp ảnh hoặc muốn mua, có nhân viên bán hàng tư vấn ngay. Có đứa tếu táo: “Đường sách là nơi rất nhiều sách và người ta đến đây để chụp ảnh”… Ngồi chừng mười lăm, hai mươi phút ở Đường sách sẽ thấy ngay vài cặp đang chụp ảnh cưới, mấy bạn trẻ loay hoay tạo dáng chụp chân dung.

Thời buổi công nghệ, nhiều thứ có thể gói gọn trong chiếc điện thoại tiện dụng kể cả chuyện đọc sách, ebook cập nhật sách mới liên tục và hàng loạt đầu sách cung cấp miễn phí thì người ta ra Đường sách để cà phê, chụp ảnh cũng là lẽ thường tình. Sách mới, có ngôn tình, truyện tranh thu hút giới trẻ… Trong những cái mới, cái công nghệ đó, có lúc người thèm mùi sách cũ, cầm một quyển sách rồi đọc lấy đọc để vì bị cuốn theo tình tiết trong đó, hay một tiểu thuyết nước ngoài được dịch theo giọng văn của những dịch giả trước đây, cẩn thận, chăm chút từng câu, từng chữ hơn là chạy theo số lượng, thị trường.

Hai quầy sách cũ, một cuối và một đầu ở Đường sách, tuy có mặt hơi trễ so với các quầy khác nhưng lượng khách vẫn không kém cạnh. Có những buổi triển lãm sách cũ, tôi từng gặp vị khách tiếc hùi hụi vì cửa hàng chỉ triển lãm cho khách xem chứ không bán một tập truyện ngắn đã xuất bản vào năm 1945. Cũng vị khách ấy, lần khác, ông lại tiếc vì chậm tay không kịp mua cuốn Hoàng tử bé bản dịch của Bùi Giáng xuất bản từ năm 1966.

Giữa những thứ cũ mới đan xen, có hay có dở như một lẽ tự nhiên của cuộc sống, nhưng có lẽ chúng ta cần nhiều hơn những phút thật chậm trong guồng quay hối hả của cuộc sống, để nhìn lại và không lãng quên những giá trị hữu ích mà đôi lúc nó trở thành thứ quý giá trong vòng xoay công nghệ và mạng xã hội.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoai-niem-nhung-gia-tri-cu-665039.html