Hoài niệm Hà Nội phố qua tư liệu lưu trữ

Những hình ảnh và văn bản hành chính tại triển lãm Hoài niệm Hà Nội phố cho công chúng cái nhìn cụ thể về quá trình đô thị hóa kinh thành xưa trong thời Pháp thuộc...

Tháp Hòa Phong, di tích cuối cùng của chùa Báo Ân 1892

Đô thị hóa

Hình ảnh bảng Yết thị ngày 2.5.1925 thông báo sẽ khảo sát ý kiến trong việc mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước tây từ ngày 2 - 22.5.1925 được phóng rất to và trưng bày trong triển lãm Hoài niệm Hà Nội phố, diễn ra từ 6.9 - 31.12 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (18 Vũ Phạm Hàm, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Phần nội dung vẫn khá rõ ràng: “Quan chánh đốc lý thành phố Hà Nội bá cáo cho công chúng đều biết rằng từ mồng hai đến hai mươi hai tháng năm tây sẽ mở ra một cuộc khảo sát công về việc mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước tây. Địa đồ và các giấy dự định để tại tòa Đốc lý Hà Nội, nhân dân ai muốn xem cũng được, buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 14 giờ rưỡi đến 17 giờ. Về việc mở rộng đường ấy, ai có điều gì lợi hay thiệt đều được khiếu nại và trần tình biên vào quyển sổ riêng tại đó”.

Nhà Thủy Tạ - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp tư liệu triển lãm

Bảng yết thị này, theo ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, là một trong những biểu hiện của việc người Pháp xây dựng đô thị, tính dân chủ trong thời kỳ xây dựng đó ở Hà Nội. “Năm 1888, khi Vua Đồng Khánh trao lõi của Hà Nội cùng Hải Phòng thành nhượng địa của Pháp. Người Pháp đã xây dựng một mô hình ở đây là mô hình đô thị phương Tây. Có nghĩa là bắt đầu có mô hình quản lý đô thị phương Tây trên cơ sở có một ông đô trưởng đốc lý, có hội đồng. Nó có ý nghĩa biểu tượng của đô thị là tính dân chủ, mặc dù là dân chủ rất tương đối của thời kỳ thuộc địa. Tức là có quyền tham dự của người dân vào trong hoạt động đô thị. Các bạn xem các yết thị, đó là nguyên tắc. Còn tất nhiên người cai trị sẽ có những thủ thuật để bảo vệ quyền lợi của họ là cái khác. Nhưng nguyên tắc đô thị phải dân chủ”, ông Quốc nói.

Cũng theo ông Quốc, triển lãm tài liệu lưu trữ về Hà Nội này còn cho thấy quá trình xây dựng hạ tầng căn bản của TP. “Quan sát những bản đồ có thể thấy đô thị được xây dựng rất bài bản. Họ vẫn giữ được những yếu tố cũ và cấy thêm vào đó các yếu tố của đô thị hiện đại như cống rãnh… Sai lầm duy nhất có lẽ là việc phá thành Hà Nội mà người kế vị là toàn quyền Paul Doumer đã phê phán ghê gớm. Còn lại họ giữ rất tốt, mở rộng về phía nam là Q.Hoàn Kiếm, Q.Hai Bà Trưng là cả không gian phố mới. Rồi mở cả khu hành chính mới như Bách Thảo và Phủ Toàn quyền. Đồng thời, chúng ta biết họ biến nông thôn thành thành thị trong vòng có 80 năm”, ông Quốc nói.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng rất thích thú khi phân tích các bản đồ trong triển lãm. Chẳng hạn, một bản đồ mới được trưng bày là bản đồ thể hiện mặt bằng chung của Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1905. “Ta thấy khu vực này thay đổi nhiều so với bây giờ. Sau bản đồ này, người Pháp cũng quy hoạch lại lần nữa. Chẳng hạn thời kỳ sau, sau nhà hát này họ quy hoạch Viện Viễn Đông bác cổ (bây giờ là Bảo tàng Lịch sử VN), nhưng vào 1905 là quy hoạch một khách sạn của chính phủ. Vườn hoa Cổ Tân vẫn còn đến giờ. Ngày trước, quy hoạch Nhà hát Lớn Hà Nội thì bao gồm cả khu vực khách sạn Hilton bây giờ luôn. Đây là khu nhượng địa”, ông Toàn nói.

Triển làm còn trưng bày các văn bản khác về việc mở rộng đường sá, đặt tên phố. Trong đó có Nghị định số 571 ngày 2.9.1930 của quan cai trị - Đốc lý Hà Nội về việc bổ nhiệm một Ủy ban lựa chọn tên của một số người Pháp hoặc người An Nam để đặt tên cho những tuyến đường của TP đang được đánh số.

Người kéo xe tay

Đan xen lối sống

Những hình ảnh về lối sống trong quá khứ cũng là một phần sinh động của triển lãm, gồm cả ảnh và ký họa. Chẳng hạn hoạt động của xưởng làm mũ, phiên chợ xưa, phố Hàng Ngang, việc xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội vào năm 1884 - 1887, đoàn hộ tống một vị quan ngang qua phố ở Hà Nội…

Trong số những câu chuyện về lối sống này, bà Hoài Anh, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, tâm đắc nhất câu chuyện về nhà Thủy Tạ. Hình ảnh về công trình này cũng lần đầu tiên được công bố trước công chúng. “Đó là một công trình phục vụ nhu cầu giải trí của người Việt thời kỳ đó. Nó được xây dựng bên bờ Hồ Gươm, nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay. Nhà đã được xây dựng từ rất lâu rồi và khánh thành từ 1886. Công trình đó được xây dựng với mái cong kiểu Á Đông. Mọi người vẫn nghĩ một công trình xây dựng thời Pháp thì hẳn do người Pháp xây dựng. Tuy nhiên, nó lại được xây bởi một nhà thầu người Việt”, bà Hoài Anh nói.

Nhưng hơn cả thế, theo bà Hoài Anh, công trình được xây dựng để phục vụ nhu cầu quán bar, nhảy đầm với một không gian đẹp. Không gian đó còn kỳ lạ vì bên trong một tòa nhà có những nét Á Đông, thì nội thất và công năng của nó lại rất hiện đại. “Ở triển lãm có trưng bày bản vẽ mặt đứng đầu tiên của nhà Thủy Tạ, có cả ảnh ghi hình hoạt động tại đây. Cho đến bây giờ hầu như nó vẫn như vậy”, bà Hoài Anh nói.

Trong khi đó, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo lại đánh giá cao tư liệu triển lãm ở chỗ nó có thể giúp hình dung quá khứ, thậm chí gợi ý hướng phục dựng di sản. Ông rất quan tâm đến nhà bia tưởng niệm người truyền bá chữ quốc ngữ Alexandre de Rhodes cạnh đền Bà Kiệu bây giờ. Hiện tại, ở đây đang có tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tuy nhiên, theo ông Bảo, tượng đài này thích hợp ở vườn hoa Hàng Đậu hơn, nơi cuộc kháng chiến toàn quốc được mở ra. “Tôi đã nhiều lần đề nghị dựng lại bia này tại vườn hoa đền Bà Kiệu. Bia hiện vẫn còn và đang ở Thư viện quốc gia”, ông nói.

Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc cho rằng xem triển lãm cũng khiến ông ngẫm đến quy hoạch Hà Nội hiện nay. “Vấn đề quan trọng nhất của quy hoạch là tôn trọng quy hoạch đấy. Chúng ta đã từng làm sau giải phóng hồi những năm 1960, có cả quy hoạch của Liên Xô giúp. Nhưng ta có thực thi đâu”, ông nói.

Ngữ Yên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hoai-niem-ha-noi-pho-qua-tu-lieu-luu-tru-1000461.html