Hoài nghi độ chính xác của các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19

Một số nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới ngợi ca đột phá tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19: xét nghiệm máu hoặc gạc mũi có thể cho kết quả chỉ sau vài phút.

Mức độ chính xác của phương pháp xét nghiệm COVID-19 dựa trên gạc mũi họng hoặc máu vẫn chưa được đánh giá rõ ràng

Mức độ chính xác của phương pháp xét nghiệm COVID-19 dựa trên gạc mũi họng hoặc máu vẫn chưa được đánh giá rõ ràng

Những xét nghiệm kiểu này có thể giúp nhanh chóng xác định quy mô của dịch bệnh và tách người ốm khỏi người khỏe.

Nhưng một số nhà khoa học nghi ngờ tính chính xác của chúng.

Hy vọng đang hướng về 2 loại xét nghiệm nhanh: xét nghiệm kháng nguyên sử dụng mẫu dịch lấy từ mũi hoặc họng để tìm virus; xét nghiệm kháng thể để tìm trong máu bằng chứng cho thấy sự hiện diện của virus.

Những dụng cụ xét nghiệm như vậy đang rất thiếu nguồn cung và vừa qua đã có ít nhất 2 quốc gia khẳng định dụng cụ xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc cho kết quả không đáng tin cậy.

“Thị trường đã trở nên điên rồ hoàn toàn vì ai cũng muốn những sản phẩm đó. Ai cũng muốn sản phẩm tốt”, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói hôm 26/3 về tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và dụng cụ xét nghiệm nhanh.

Chính phủ Tây Ban Nha hôm 26/3 cho biết sẽ gửi trả 9.000 dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên về cho nhà sản xuất Bioeasy Thâm Quyến vì có độ chính xác quá thấp. Chính phủ Trung Quốc nói là công ty này chưa được cấp phép để bán.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần này gọi bộ xét nghiệm nhanh là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” và cho biết chính phủ Anh đã đặt hàng 3,5 triệu bộ.

Anh hy vọng việc tăng cường hoạt động xét nghiệm sẽ cho phép sớm tìm ra những tìm ra những người mắc bệnh để chữa trị kịp thời. Điều này có thể làm giảm bớt tình trạng phong tỏa kinh tế và đưa các nhân viên y tế đang phải cách ly trở lại làm việc.

Nhưng nhiều nhà khoa học tỏ ra thận trọng, nói rằng những dụng cụ xét nghiệm nhanh đó có cho kết quả chính xác không vẫn là điều chưa rõ ràng.

Trong quy trình xét nghiệm ở phòng thí nghiệm, các nhà khoa học lấy vật liệu di truyền từ virus và nhân lên hàng tỷ bản sao đủ để máy tính có thể phát hiện virus. Quy trình này thường phải mất vài ngày mới xong.

Còn quy trình xét nghiệm nhanh chỉ đòi hỏi nhân viên y tế đưa miếng gạc vào sâu trong mũi hoặc họng bệnh nhân để lấy ra các tế bào chứa virus sống.

Các thí nghiệm kháng nguyên sử dụng miếng gạc ngắn hơn, nên bệnh nhân có thể tự lấy mẫu. Cách làm này giống như xét nghiệm nhanh bệnh cúm, có thể cho kết quả sau chưa đầy 15 phút. Phương pháp này tập trung vào các kháng nguyên, tức các bộ phận trên bề mặt của virus có thể kích hoạt cơ thể của người nhiễm bệnh sản sinh ra kháng thể để chống chọi với mầm bệnh từ bên ngoài.

Giới chức y tế ở Trung Quốc, Mỹ và các nước khác cung cấp rất ít thông tin về mức độ sai lệch trong bất kỳ xét nghiệm virus corona nhanh nào. Các chuyên gia lo ngại rằng dụng cụ xét nghiệm nhanh có thể có độ tin cậy thấp hơn đáng kể so với phương pháp tốn nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha nói rằng các xét nghiệm nhanh mà họ đánh giá có độ chính xác dưới 30%, trong khi phương pháp trong phòng thí nghiệm có độ chính xác 84%.

Kết quả đó khiến Tây Ban Nha quyết định không sử dụng số dụng cụ đã mua từ Bioeasy Thâm Quyến và gửi trả lại 9.000 bộ xét nghiệm.

Những câu hỏi tương tự được đặt ra với phương pháp xét nghiệm nhanh dựa trên mẫu máu. Một số dụng cụ được mô tả là chỉ cần lấy mẫu máu trên đầu ngón tay để cho ra kết quả sau vài phút.

Các xét nghiệm kháng thể là cách hữu hiệu để xem ai nhiễm bệnh trong thời gian gần đây, ai đã có miễn dịch đối với bệnh. Nếu được triển khai trên quy mô rộng, phương pháp này giúp xác định dịch bệnh đang lây lan ở mức độ nào trong cộng đồng.

Xét nghiệm kháng thể cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn mức độ gây tử vong mà COVID-19 gây ra, giúp xác định có bao nhiêu người từng nhiễm, kể cả những người chưa từng có dấu hiệu lẫn những người đã ốm nặng. Kết quả xét nghiệm kháng thể còn giúp định hướng phát triển vắc-xin.

Nhưng còn rất nhiều khía cạnh chưa được làm rõ, trong đó có vấn đề các kháng thể - và miễn dịch – kéo dài bao lâu và nên xét nghiệm máu với những trường hợp nào.

“Chúng tôi vẫn chưa có tất cả câu trả lời”, AP dẫn lời TS Robin Patel, chủ tịch Hội vi sinh vật học Hoa Kỳ.

Đã có hơn 15 công ty báo cáo với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) rằng họ đã phát triển được dụng cụ xét nghiệm kháng thể. Các công ty này được phép phân phối dụng cụ xét nghiệm cho các bệnh viện và phòng khám, với điều kiện phải đưa ra những tuyên bố rõ ràng như: “Xét nghiệm này chưa được FDA đánh giá”.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ tìm cách tăng cường dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các bệnh viện và viện dưỡng lão, những nơi đang có nhiều y bác sĩ bị nhiễm COVID-19.

Tại Anh, đã có nhiều hy vọng về sức mạnh biến đổi tình hình của các dụng cụ xét nghiệm nhanh, nhưng rồi lại giảm bớt. Trong tuần này, bà Sharon Peacock, giám đốc dịch vụ bệnh truyền nhiễm quốc gia của Public Health England - cơ quan điều hành của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội, báo cáo với quốc hội này rằng các dụng cụ xét nghiệm nhanh sẽ được cung cấp “trong tương lai gần”, người dân có thể đặt mua qua Amazon để dùng ở nhà hoặc hiệu thuốc.

Nhưng bà Peacock cũng khẳng định: “Chúng ta cần đánh giá chúng trong phòng thí nghiệm vì đây là những sản phẩm mới toanh”.

Bà cho biết ngoài 3,5 triệu bộ xét nghiệm đã đặt mua, chính phủ Anh còn đặt thêm “nhiều triệu chiếc nữa”.

Phát ngôn viên của chính phủ Anh không cho biết nước này đã trả bao nhiêu tiền để mua những dụng cụ đó từ nhiều nhà cung cấp, hay liệu có được hoàn tiền nếu tính chính xác của dụng cụ quá thấp hay không.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/hoai-nghi-do-chinh-xac-cua-cac-dung-cu-xet-nghiem-nhanh-covid19-1630914.tpo