Hoài Ân (Bình Định): Giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Huyện ủy Hoài Ân (Bình Định) về công tác bảo vệ và phát triển rừng, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng ở địa phương từng bước được kiểm soát và kiềm chế.

Kiểm lâm huyện Hoài Ân tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ- phát triển rừng tại xã Đắk Mang.

Quyết liệt thực hiện

Sau khi Chỉ thị 01 được ban hành vào ngày 30.9.2015, Huyện ủy Hoài Ân đã tổ chức quán triệt nghiêm túc trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp huyện, xã; chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, cấp huyện đã tổ chức 250 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR cho trên 10.000 lượt người tham dự; tổ chức cho người dân ký 1.358 bản cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng.

Hằng năm, UBND huyện Hoài Ân còn phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo đúng quy định, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ. Công tác chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn huyện gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp cũng được triển khai đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, toàn huyện đã có 3.000 ha đất có rừng/4.919 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp tận tay người dân; 5.110 ha/2.752 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại đang kê khai, rà soát và lập phương án cấp Giấy chứng nhận theo chỉ đạo của tỉnh.

Đáng chú ý, đến nay, tại huyện Hoài Ân đã có hơn 60.000 ha rừng được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, quản lý bảo vệ, trồng rừng và chăm sóc rừng. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đã thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán với tổng diện tích trên 10.800 ha.

Song song đó, công tác bảo vệ rừng cũng được lực lượng Công an, Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền địa phương, chủ rừng quan tâm; trong đó việc lập kế hoạch chốt chặn kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển trên các tuyến đường được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 154 vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng; đến nay, đã khởi tố 12 vụ hình sự, đưa vào diện truy xét 21 vụ, xử lý hành chính 121 vụ.

Nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện được lực lượng Kiểm lâm huyện Hoài Ân phát hiện, bắt giữ.

Nỗ lực khắc phục hạn chế, tồn tại

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 01 trên địa bàn huyện Hoài Ân tuy có chuyển biến rõ nét, song vẫn còn khiếm khuyết, tồn tại cần khắc phục. Đó là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho cán bộ và người dân chưa thường xuyên, sâu rộng. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý từng lúc từng nơi chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Kinh tế rừng rừng mang lại lợi nhuận cao nên đã thúc đẩy một bộ phận người dân bất chấp pháp luật tham gia phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Ông Hoàng Anh Dũng, Bí thư huyện ủy Hoài Ân, nhìn nhận: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR chưa quyết liệt, còn buông lỏng; tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số chủ rừng đối với diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập. Việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn phá rừng chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Quy hoạch đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ có nơi chưa hợp lý, nhưng chậm chuyển đổi, người dân thiếu đất sản xuất. Việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thực hiện chưa chưa nghiêm, chậm xử lý các chủ rừng vi phạm hợp đồng,… là những nguyên nhân căn bản dẫn tới những tồn tại này.

Thời gian tới, Ban Thường vụ huyện ủy Hoài Ân tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thực hiện tốt Quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa lực lượng Kiểm lâm, các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương, nhất là ở các vùng rừng trọng điểm dễ xảy ra khai thác, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời, phân công lực lượng tham gia chốt chặn để bảo vệ rừng tại các điểm chốt chặn; tăng cường công tác tuần tra, truy quét, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng; theo dõi, phát hiện sớm các điểm cháy, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đốt thực bì sau khai thác rừng trồng trên địa bàn. Tiếp tục hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất cho thuê đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý thật sự.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục xây dựng kế hoạch tham gia thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành và tố giác các đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/hoai-an-binh-dinh-giam-thieu-tinh-trang-vi-pham-luat-bao-ve-phat-trien-rung-1260585.html