Hoài Ân-Bình Định: Đánh thức tiềm năng, thế mạnh của 'miền đất hứa' trong nông nghiệp

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Định, huyện trung du miền núi Hoài Ân tọa lạc ở vị trí xung yếu của tỉnh. Đây được xác định là vùng đất có tầm quan trọng về kinh tế và quốc phòng, đồng thời cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa.

Vùng trung du “khoác áo mới”!

Không còn là vùng đất cằn cỗi, Hoài Ân bây giờ đã thực sự “lột xác”. Từ chỗ là vùng đất gò đồi, nhiều diện tích cây keo trên đất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế thấp nay đã nhường chỗ cho các loài cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, nhiều gia đình từng lâm vào cảnh nghèo khó, giờ đây trở thành triệu phú, tỷ phú. Điều này cho thấy chính những loại cây ăn quả đầy tiềm năng kinh tế đã làm thay đổi vùng đất này.

Cách đây hơn 10 năm, người dân ở huyện Hoài Ân đa số chỉ trồng những loại cây ăn quả không mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nhất là điều. Tuy nhiên, sau thời gian dài nhận thấy đây chỉ là loại cây trồng chiếm rất nhiều diện tích đất, vì vậy, người dân đã đồng loạt chặt bỏ. Khi cây điều bị đốn hạ, dăm gỗ (nguyên liệu được làm ra từ cây keo), được thị trường săn đón mạnh nên nông dân lại tận dụng trồng keo ở mọi nơi, mọi góc.

Vậy nhưng, thời hưng thịnh của dăm gỗ kéo dài không lâu. Loại gỗ rừng trồng bị “hạ bệ” nhanh chóng, người dân lâm vào cảnh lao đao. Đúng lúc này, Hoài Ân phát hiện ra vùng đất này rất phù hợp với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, cam, quýt, bơ, mít Thái.

Sau khi phát hiện được tiềm năng vùng đất của mình, chính quyền huyện Hoài Ân lập tức triển khai đề án tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển cây ăn quả có tiềm năng kinh tế cao. Đồng thời, vận động người dân phá bỏ cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp để trồng các loại cây ăn quả. Các loại cây bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ, cam, quýt nhanh chóng chiếm lĩnh tất cả mọi vùng đất ở Hoài Ân, từ đất gò đồi đến diện tích vườn nhà.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (người thứ 2 từ phải qua) giới thiệu bưởi da xanh Hoài Ân với đại diện siêu thị Coopmart Quy Nhơn

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (người thứ 2 từ phải qua) giới thiệu bưởi da xanh Hoài Ân với đại diện siêu thị Coopmart Quy Nhơn

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Trước đây, một Tiến sỹ nông nghiệp từng đặt vấn đề nên trồng cây ăn quả tại huyện vì nó phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng. Khi chính quyền cùng người dân bắt tay vào trồng thí điểm các cây ăn quả thì cho chất lượng rất tốt. Sau đó, diện tích càng ngày càng tăng cùng với đó là chất lượng, đầu ra sản phẩm đạt kết quả cao nên đã giúp người dân ngày càng an tâm hơn trong việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn huyện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với bưởi Hoài Ân và trà Gò Loi do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp. Mọi chuyện đang rất lạc quan, có nhiều kết quả tốt đẹp với hi vọng góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống của người dân”.

Sát cánh cùng nông dân

Ông Phạm Đình Đô (56 tuổi, ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) thông tin thêm, sau ngày giải phóng ông đã khai hoang được 10ha đất gò đồi. Một thời gian dài, ông “phung phí” quỹ đất với các loại cây điều, keo, 03 năm nay ông mới thực sự thấy mình đi đúng hướng khi đã trồng được các loại cây ăn quả.

“Hiện, tôi đã trồng được 6ha cây ăn quả, trong đó có 4ha bưởi da xanh 2 năm tuổi, 1ha cam và 1ha quýt đã được 3 năm tuổi. Quanh bờ rào, tôi trồng thêm dừa xiêm, mít thái, sả, đu đủ xen với bưởi, cam, quýt. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình hiện nay trở nên khấm khá, có nguồn thu nhập ổn định”, ông Đô bộc bạch.

Về tiềm năng kinh tế, người dân Hoài Ân kỳ vọng rất lớn vào bưởi da xanh. Trong thời gian qua, cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế quá cao. Đây là loại quả có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bưởi da xanh, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Hoài Ân

Tại một sự kiện, trao đổi về cây ăn quả ở Bình Định, ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, đã khẳng định: Bưởi da xanh ở Hoài Ân chất lượng tốt nên được thị trường đón nhận tích cực. Ngoài ra, có một ưu điểm nổi bật là cho quả trái mùa với bưởi trồng ở miền Nam. Do đó, đến vụ thu hoạch chính (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm), đầu ra của bưởi Hoài Ân rộng lớn, từ thị trường trong tỉnh đến thị trường miền Nam.

Nói về quy mô và sản lượng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện sắp tới rất lớn nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như chất lượng, tiêu chuẩn của các loại cây ăn quả, ông Nguyễn Hữu Khúc, thông tin: Từ năm 2017, chính quyền huyện đã bắt đầu thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung vào cây thế mạnh, trong đó có cây bưởi. Địa phương đã vận dụng từ nhiều nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… để hỗ trợ người dân trong việc trồng, phát triển cây ăn quả.

“Hiện tại, toàn huyện đã có khoảng 300ha bưởi da xanh, trong đó có hơn 100ha đang ở giai đoạn thu hoạch. Trước mắt, bà con nông dân trồng bưởi đã có thị trưởng ổn định để bán nên chưa lo lắng về đầu ra. Tuy nhiên, với số lượng diện tích thu hoạch lớn trong thời gian đến, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để sát cánh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Gần đây, Công ty Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi (Bến Tre) đã về huyện đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ bưởi, siêu thị Coopmart ở tỉnh Bình Định cũng đã dành quầy riêng cho bưởi da xanh Hoài Ân”, ông Khúc phấn khởi cho biết.

Với hướng đi đúng cùng với sự hỗ trợ, quản lý sát sao từ chính quyền các cấp, người dân huyện Hoài Ân có niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Lúc này, bộ mặt huyện nhà sẽ khởi sắc, nhiệm vụ chính trị được giữ vững, an ninh trật tự được đảm bảo khi kinh tế ngày một phát triển.

Đức Hồ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/hoai-an-binh-dinh-danh-thuc-tiem-nang-the-manh-cua-mien-dat-hua-trong-nong-nghiep-46464.html