Hoa vẫn nở

Trong một năm ách tắc đủ bề, tác phẩm không có đầu ra thế nhưng với những nghệ sĩ như Yến Năng, Nguyễn Thế Sơn, Hoàng Thanh Vĩnh Phong 'hoa vẫn nở'. Thậm chí cảm hứng sáng tạo đến với họ còn nhiều hơn những năm bình yên trước đó.

Yến Năng và “Hành trình bùn họa”

Không lâu sau chuỗi ngày miền Trung hứng chịu thiên tai bão lũ, nghệ sĩ Yến Năng lên trang cá nhân rủ bạn đồng hành vào Quảng Trị, tới nơi từng xảy ra sạt lở nặng nhất để thấu cảm sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên nổi giận. Ý tưởng đầu tiên là mang bùn từ những điểm gặp họa về Hà Nội rồi mỗi người làm tác phẩm gì đó cho một triển lãm nhóm. “Chúng tôi muốn góp một tiếng nói rất nhỏ vào nhiệm vụ chung nâng cao ý thức cộng đồng, phòng chống thảm họa”. Nhóm “Hành trình bùn họa” gom được 5 thành viên, chỉ có họa sĩ Hà Huy Mười là bạn thân của trưởng nhóm, 4 người còn lại là bạn mới quen.

Yến Năng kể, anh không ngờ lời mời thực hành nghệ thuật ngẫu nhiên lại nhận được sự ủng hộ của nhiều người (không chỉ nghệ sĩ) đến thế. Xe ô tô của nhóm vào đến Đồng Hới (Quảng Bình) có một người quen ra đón, dẫn đường đi tiếp vào Đông Hà. Tại Quảng Trị, một nhóm bạn mới nhập đoàn. Có người đi ô tô cá nhân, có người đi xe máy; có họa sĩ, kiến trúc sư, người làm nghề khác và cả một nữ phóng viên Đài truyền hình Quảng Trị di chuyển cùng nhóm Hà Nội đến tận Khe Sanh (Hướng Hóa). Yến Năng mong muốn đến tận điểm sạt lở nặng nhất nhưng nơi đó đang được canh gác rào chắn, cấm người lạ xâm nhập. Ở vị trí đối diện, đoàn gặp một đoạn núi lở tạo thành một rãnh nước chảy không ngừng từ đỉnh xuống. Một người trong đoàn đề nghị “chúng ra thử leo lên và nằm theo rãnh nước”. Yến Năng tán thành ngay và một mình trèo lên kiểm tra mức độ nguy hiểm “Tôi thấy nếu nằm yên thì không sao nhưng xoay người chuyển động thì có thể trơn trượt”. Bảy nghệ sĩ làm một trình diễn 10 phút nằm nối đuôi nhau theo khe nước. Nói về trải nghiệm này họa sĩ Trương Đình Dung (Quảng Trị) cho biết, đây là lần đầu tiên anh thực hành nghệ thuật theo cách này. “Hơi nguy hiểm nhưng thú vị”. Theo họa sĩ quê Vĩnh Linh, Yến Năng là người sinh ra để làm sắp đặt nghệ thuật và mong muốn tiếp tục nhập hội trong một lần khác.

Mọi bế tắc không bao giờ là tuyệt đối, nó chuẩn bị mở cho một khai thông khác. (Nghệ sĩ Yến Năng)

Nghệ sĩ Yến Năng (bìa phải) cùng nhóm “Hành trình Bùn họa” thực hành nghệ thuật tại khe nước gần điểm sạt lở Hướng Hóa, Quảng trị. (Ảnh Sơn Nguyễn)

Nghệ sĩ Yến Năng (bìa phải) cùng nhóm “Hành trình Bùn họa” thực hành nghệ thuật tại khe nước gần điểm sạt lở Hướng Hóa, Quảng trị. (Ảnh Sơn Nguyễn)

Sau hành trình 3 ngày, Yến Năng cùng nhóm “Bùn họa” về Hà Nội với 2 can bùn. Bùn sạt lở ở Quảng Trị bị nước cuốn trôi sạch nên trên đường ra mọi người quyết định dừng chân lấy bùn ở điểm mới vỡ ở Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Có thể lần tới tôi sẽ đi dọc đất nước lấy bùn “thảm họa” ở vài nơi nữa về làm tác phẩm. Sau “Rác sông Hồng”, “Rác xuân” với 1.000 cành đào tàn, “Côn Trùng” với than củi sau cháy rừng ở Hà Tĩnh (2019) - đây là năm thứ tư liên tiếp Yến Năng thực hành nghệ thuật gây ấn tượng với chủ đề môi trường. Lộng lẫy mảnh vỡ ký ức đô thị Đầu năm 2020, dù hơi trễ do dịch COVID-19, dự án biến bãi rác ven sông thành phố nghệ thuật Phúc Tân của nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn vẫn đến được với khách yêu nghệ thuật và bà con cư dân nơi đây. Dựa theo bức tường cũ dài 500 mét được dựng từ 20 năm trước với mục đích “chống lấn đất” các tác phẩm từ nguyên vật liệu tái chế hiện lên long lanh, thay đổi không gian nhếch nhác vốn là “biệt khu” của “thổ dân đất bãi”. Phố nghệ thuật có sự tham gia của hơn mười nghệ sĩ 3 miền và 2 nghệ sĩ quốc tế. Hầu hết các nghệ sĩ đều ăn cơm nhà, cống hiến miễn phí, sẵn lòng nhận thanh toán nguyên vật liệu trả chậm từ quận Hoàn Kiếm.

Nguyễn Thế Sơn đang giới thiệu với du khách nước ngoài trên Phố Nghệ thuật - Bãi rác Phúc Tân cũ.

Theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn được công chúng biết tới với nhiều dự án mang đậm ký ức đô thị như Phố Bích họa Phùng Hưng, Tranh tường Hầm nhà Quốc hội, Nhiếp ảnh phù điêu kể chuyện nhà mặt phố bị nuốt bởi pano quảng cáo, những ngôi đình cổ ở Hà Nội trong thời đại bê tông hóa, chung cư hóa… Gặp Thế Sơn trong triển lãm nhóm cuối năm anh tâm sự: “Đúng năm Covid tôi lại bận nhiều dự án hơn những năm trước”. Gặp ai anh cũng mời ghé sang Đình Nam Hương (75 Hàng Trống, Hà Nội) để xem Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống”. Dự án do các sinh viên khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam thực hiện cùng giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Thẩm thấu từ mạch truyền thống tranh dân gian Hàng Trống vào ngôn ngữ đương đại với chất liệu bìa cứng collage, lụa, sơn mài - các họa sĩ trẻ đã trình bày những sáng tác có nền từ nghiên cứu mỹ thuật truyền thống. Từ ngôi đình cổ bị bỏ quên hơn nửa thập kỷ, sau khi được trùng tu, tầng 1 của đình Nam Hương đã thành không gian triển lãm nghệ thuật, mở rộng đối tượng du khách tham quan. Hơn 10 bức tranh đã được sưu tập, trong đó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long mua 2 bức. “Nhiều dự án nghệ thuật công cộng của tôi thực hiện được là do gặp được một quan chức mê nghệ thuật đương đại như anh Phạm Tuấn Long”, Thế Sơn bày tỏ. Bỏ kinh doanh, trình làng “Đương đại” Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Huế, Hoàng Thanh Vĩnh Phong về Hội An mở gallery bán tranh. Sau 12 năm bỏ vẽ tập trung kinh doanh, mua được nhà đất dư dả ở và cho thuê, họa sĩ gốc Quảng Trị quyết định quay trở về với hội họa. Âm thầm làm tác phẩm, ở tuổi 50, vào tháng cuối của năm 2020 bấn loạn u ám, Vĩnh Phong bất ngờ mở triển lãm cá nhân “Chân dung nệm” tại Hà Nội. 20 tác phẩm của Phong là điêu khắc và chạm gỗ trên ván ghép lại, sau đó dùng sơn ta để vẽ lên. Gỗ mà mềm mại, sờn cũ, hằn cả những vết nhàu khiến nhiều người đến xem cứ tưởng họa sĩ vẽ lên tấm nệm thật. Phong giải đáp: “Vẽ trên nệm thế giới đã làm rồi”. Nệm của Phong làm theo cách của Phong. Nhiều họa sĩ, giám tuyển có uy tín nhìn nhận tầm cỡ “sàn quốc tế” của “Chân dung Nệm”. Hai bức đã được sưu tập với giá xứng tầm.

Hoàng Thanh Vĩnh Phong cùng bạn học đồng hương bên bức Chân dung nệm 31 (Bong Bóng)

Đa số tác phẩm nệm được thực hiện trong năm Hội An tê liệt vì đại dịch và bão lũ. Phong kể, trước 2020, gia đình anh vay tiền ngân hàng để sửa nhà cho thuê, du lịch chết, sau đó căn nhà rao bán mãi không nổi. Tác phẩm Nệm số 31- (Bong bóng) có màu sắc tươi sáng nhất được vẽ trong một tháng mất ăn mất ngủ, lúc tác giả khủng hoảng nhất vì nợ nần. “Vẽ như cứu rỗi, giúp tôi bớt lo lắng. Hy vọng nhỏ nhoi le lói đã mang đến giải pháp giúp tôi bán nhà thoát khỏi hoàn cảnh”. Phong kể, hồi anh mải mê bán tranh làm giàu, nhiều họa sĩ bạn bè coi Phong là người “ngoại đạo”. “Ban ngày tôi bán hàng đấy, nhưng trong ngần ấy năm không đêm nào tôi không nghĩ đến nghệ thuật. Tôi xem và đọc nhiều. Luôn ấp ủ con đường của mình”. Giờ thì kể cả du lịch sống lại, Phong vẫn bỏ hết, bán nhà chỉ để làm nghệ thuật”.

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/hoa-van-no-1806165.tpo