Hòa ước lịch sử hay tạm ước nhất thời?

Tại thủ đô Doha của Qatar vào cuối tuần qua, Mỹ và Taliban đã chính thức ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Đó là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Taliban kể từ mùa hè năm 2018. Không chỉ có hai bên liên quan trực tiếp mà cả bên ngoài cũng coi việc đạt được thỏa thuận hòa bình này có ý nghĩa lịch sử đối với hai bên, đối với Afghanistan, đối với khu vực Nam Á và đối với thế giới.

Đại diện đặc biệt của Mỹ Zalmay Khalilzad và người đại diện của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar bắt tay tại lễ ký Thỏa thuận hòa bình tại thủ đô Doha, Qatar.

Đại diện đặc biệt của Mỹ Zalmay Khalilzad và người đại diện của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar bắt tay tại lễ ký Thỏa thuận hòa bình tại thủ đô Doha, Qatar.

Nếu chỉ nhìn nhận vào danh nghĩa thì không thể phủ nhận ý nghĩa lịch sử của hòa ước này. Cứ theo những gì đã được hai bên công bố cho đến nay thì những nội dung chính của thỏa thuận hòa bình này là Mỹ và đồng minh sẽ rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan trong thời gian 14 tháng tới mà cụ thể là trong thời gian 135 ngày tới Mỹ sẽ rút đến mức chỉ còn 8.600 binh lính ở Afghanistan, Taliban cam kết không tấn công Mỹ và đồng minh, cũng không dung chấp những tổ chức hay lực lượng khủng bố quốc tế, Taliban chấp nhận sau đây 10 ngày sẽ bước vào đàm phán hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc với các bên liên quan ở Afghanistan.

Một nội dung quan trọng nữa của hòa ước là Taliban và chính phủ Afghanistan tiến hành trao trả tù binh, trao trả 5.000 chiến binh của Taliban lấy 1.000 người của phía chính phủ Afghanistan bị Taliban bắt giữ.

Thỏa thuận nói trên được coi có ý nghĩa lịch sử bởi là thỏa hiệp đầu tiên được văn bản hóa giữa Mỹ và Taliban, bởi việc thực hiện hòa ước này sẽ giúp Mỹ chấm dứt được cuộc chiến tranh lâu dài nhất và tốn kém nhất mà nước Mỹ trong lịch sử đến nay đã tiến hành ở bên ngoài phạm vi nước Mỹ và bởi lần đầu tiên gò ép được Taliban tham gia tiến trình đàm phán hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Afghanistan, tức là mở ra không chỉ cơ hội chấm dứt cuộc chiến tranh đã dai dẳng hơn 18 năm nay ở Afghanistan mà còn cả triển vọng cho giải pháp chính trị hòa bình cho đất nước này. Cho tới mùa hè năm 2018, phía Mỹ luôn kiên quyết cự tuyệt tiếp xúc, đàm phán và thỏa hiệp trực tiếp tay đôi với Taliban.

Chỉ nhìn qua cũng đã đủ để thấy phía Mỹ nhượng bộ vừa rất cơ bản lại vừa nhiều hơn cho Taliban. Những điều kiện gần như tiên quyết của Taliban đều được Mỹ đáp ứng trong khi những nhượng bộ của Taliban đều chỉ là cam kết chung chung. Hòa ước này không bao hàm những cơ chế hay chế tài để đảm bảo tính khả thi mà chỉ có những chốt khóa khác nhau là nếu bên này không thực hiện cam kết này thì phía bên kia sẽ không thực thi cam kết nọ. Trong hòa ước lại không có lấy đến một lần đề cập cụ thể tới chính quyền hiện tại ở Afghanistan.

Thỏa thuận về trao đổi tù binh lại không có sự chấp thuận của chính phủ Afghanistan - Cho nên tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngay sau lễ ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Afghanistan đã lập tức bác bỏ việc trả tự do cho 5.000 chiến binh của Taliban. Ở đây có thể thấy phía Mỹ muốn có được thỏa thuận này bằng mọi giá để phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.

Ông Trump cần có được thỏa thuận này với Taliban để làm bằng chứng trước cử tri Mỹ là đã thực hiện cam kết vận động tranh cử năm 2016, chứ còn sau ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ rồi thì việc thực thi thỏa thuận này nữa hay không hoặc thực thi nó như thế nào lại không còn quan trọng cấp thiết nữa và là chuyện khác. Taliban được lợi rất nhiều bởi từ một chính thể bị Mỹ lật đổ trở thành đối tác đối thoại cùng mâm cùng chiếu với Mỹ và được Mỹ xác nhận là tác nhân quyền lực không thể bỏ qua trong bất cứ kịch bản nào cho tương lai của Afghanistan.

Nếu được tất cả các bên liên quan thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh thì hòa ước này có ý nghĩa lịch sử thực sự. Nhưng vì hiện không có cái gì để đảm bảo là nó sẽ được các bên liên quan thực thi như đã cam kết và cũng chẳng thấy có gì để đảm bảo được là tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Afghanistan rồi đây sẽ đưa lại giải pháp chính trị hòa bình, nên nguy cơ hiện rất thực tế và lo ngại chung có cơ sở là sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cũng như sau khi quân đội Mỹ và đồng minh rút hết ra khỏi Afghanistan thì cục diện chính trị và quân sự ở đất nước này sẽ có đột biến khiến cho thỏa thuận hòa bình vừa được Mỹ và Taliban ký kết ở Doha kia chỉ là một tạm ước giữa hai bên với giá trị hình thức và nhất thời.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoa-uoc-lich-su-hay-tam-uoc-nhat-thoi-376545.html