Lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến khi thích hợp

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, dù thời gian qua đã chuẩn bị rất kỹ để cải cách tiền lương, nhưng một số điều kiện để cải cách chưa đạt, đặc biệt là chưa đủ nguồn lực. Do vậy, việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ lùi lại đến khi thích hợp.

Quốc hội sẽ họp kết hợp trực tuyến và tập trung

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, khai mạc sáng 20/10 tại Nhà Quốc hội.

Theo Văn phòng Quốc hội, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp được rút ngắn thời gian còn 17 ngày làm việc và tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Đợt 1 kéo dài 11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021, gồm 2 ngày thứ bảy và 1 ngày chủ nhật.

Đợt 2, các đại biểu họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày, từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021. Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp báo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. 5 dự thảo nghị quyết cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua là các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Những dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp là Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), giám sát và các vấn đề quan trọng khác: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương)…

Nguồn lực cả nước đang tập trung phòng chống dịch

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về những vấn đề đang được quan tâm, trong đó có vấn đề cải cách tiền lương, thời điểm tăng lương.

Về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua đã phải chi rất nhiều ngân sách cho công tác phòng chống dịch, năm 2021 nếu hết sức cố gắng thì tăng trưởng cũng chỉ đạt trên 3% . Do đó, nguồn lực để chăm lo cho dân cần hơn và cán bộ, công chức sẵn sàng đồng thuận. Tại hội nghị Trung ương 4 mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất lùi thực hiện cải cách tiền lương đến khi thích hợp. Và thời điểm nào thì sẽ do Chính phủ xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, lương hưu của những người về hưu trước 1995 sẽ được xem xét tăng trước.

Trả lời thêm về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết dù thời gian qua đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp, tạo nguồn lực để cải cách tiền lương. Cụ thể như cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản để tiết kiệm tạo nguồn hay quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế để tăng nguồn; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm; dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách địa phương… Tuy nhiên, một số điều kiện để cải cách chưa đạt, như là tinh giản biên chế, đặc biệt là chưa đủ nguồn lực.

Mặt khác, toàn bộ nguồn lực quốc gia hầu như tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19. Vừa qua, một số địa phương cũng đã đề nghị cho phép dùng nguồn cải cách tiền lương để chi cho phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động. "Cả nước đang "thắt lưng buộc bụng" lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế, mà giai đoạn này nếu có tiền mà chúng ta tăng lương thì chưa phù hợp"- ông Đặng Thuần Phong nói.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lui-thoi-diem-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-den-khi-thich-hop-93763.html