'Hỏa thần' HIMARS Ukraine được Mỹ cung cấp rocket M30A1 chống chiến thuật biển người?

Hình ảnh từ chiến trường cho thấy Mỹ dường như đã cấp cho Ukraine dòng rocket M30A dành cho 'hỏa thần' HIMARS, đáng chú ý rocket này chứa tới 182.000 mảnh lõi thép đủ để công phá một khu vực rộng lớn bằng 4 sân bóng đá.

Mỹ hiện vừa quyết định chuyển thêm 4 pháo phản lực HIMARS cho Ukraine, như vậy số pháo hiện có trong quân đội nước này lên tới 20 tổ hợp.

Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy, Mỹ dường như đã chuyển cho Ukraine dòng rocket M30A1 mới, mà giới quan sát nhận định, có thể khiến mức độ sát thương của HIMARS tăng lên nhiều lần.

Khi lần đầu được đưa vào biên chế quân đội Mỹ nhiều năm về trước, HIMARS sử dụng dòng rocket M26 - vũ khí có thể bắn ra 600 quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn.

M26 được mệnh danh là "mưa thép" và tác chiến hiệu quả trên chiến trường, nhưng nhược điểm của rocket này là nó để lại rất nhiều quả bom nhỏ chưa nổ trên chiến trường.

Đạn rocket M26 sau đó đã bị thay thế bởi dòng rocket có một đầu đạn duy nhất và có sức công phá lớn.

Rocket mà Ukraine sử dụng từ trước tới nay là tầm xa M31 với đầu đạn nặng 89kg.

M31 có hiệu quả trong việc phá hủy các mục tiêu quan trọng nhờ được trang bị hệ thống định vị GPS.

Tuy nhiên, M31 chỉ có tác động trong một khu vực tương đối nhỏ.

Đạn rocket M30A1 được phát triển cho pháo HIMARS để thay thế đạn rocket M26.

Nhà thầu Lockheed Martin gọi rocket này là "loại roket đầu tiên có thể tấn công mục tiêu trên khu vực rộng mà không để lại các vật liệu chưa phát nổ".

Uy lực của M30A1 nằm ở số lượng lớn lên tới 182.000 mảnh lõi thép được tích hợp bên trong cùng khối thuốc nổ.

Phía nhà sản xuất đã sử dụng mô hình vi tính để tính toán kích thước, số lượng, mật độ và vị trí các mảnh lõi nổ để đảm bảo rằng đầu đạn tạo ra hiệu ứng tối đa có thể chống lại một loại mục tiêu cụ thể.

Các nhà phát triển tuyên bố rằng M30A1 tạo ra khả năng sát thương như đạn chùm nhưng không để lại các vật liệu chưa nổ gây nguy hiểm về sau.

Theo giới chuyên gia, hàng trăm nghìn lõi thép trên một rocket M30A1 có thể bao trùm một khu vực rộng hơn 4 sân bóng.

Vì vậy, một loạt 6 quả rocket này có thể công phá khoảng diện tích 0,4km2.

M30A1 đặc biệt nguy hiểm với các phương tiện quân sự vì sức công phá lớn.

Ngoài ra, nó có khả năng nổ trên cao, đe dọa với lực lượng bộ binh trú nấp dưới những chiến hào tương đối nông vì số lượng lõi văng ra rất lớn. Đây thậm chí có thể là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn chiến thuật biển người.

Pháo phản lực HIMARS đã và đang cho thấy chúng là vũ khí hiệu quả giúp quân đội Ukraine trong xung đột với Nga hiện nay.

Mỹ còn cam kết trong tương lai gần sẽ chuyển giao thêm cho Ukraine để tổng số pháo HIMARS lên trên 30 tổ hợp.

Khả năng bắn xa đến 80 km nhìn chung sẽ giúp MLRS của Ukraine nằm ngoài tầm ngắm bắn của pháo binh Nga, đồng thời đặt các khẩu đội pháo binh Nga vào tình thế nguy hiểm.

Một số nhà phân tích cho rằng pháo phản lực được Mỹ và Anh cung cấp sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi".

"Xét về góc độ chiến thuật, pháo phản lực M270 và M142 có độ chính xác cao hơn những loại pháo phản lực trong biên chế Ukraine và ngay cả của Nga hiện tại, khi chúng sử dụng loại đạn dẫn đường có khả năng tấn công chính xác ở tầm xa hơn nhiều", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.

Ban đầu Mỹ chần chừ không cung cấp những loại rocket tầm xa này, do lo ngại Ukraine có thể dùng chúng tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên phía Kiev đã hứa không dùng các loại vũ khí công nghệ cao này để tấn công vào lãnh thổ Nga, vì vậy Washington đã liền chuyển chúng cho Ukraine.

Thành công của pháo HIMARS trong việc làm chậm bước tiến của quân Nga tại Donbass ngoài việc nhờ đạn rocket tầm xa dẫn đường siêu chính xác, thì đó còn là nguồn tin tình báo từ NATO.

Với việc được cung cấp chính xác vị trí các kho đạn dược của quân Nga tại Donbass, Ukraine đã tiến hành bắn pháo HIMARS vào ban đêm đồng thời nhanh chóng cơ động để tránh bị Nga đánh trả.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoa-than-himars-ukraine-duoc-my-cung-cap-rocket-m30a1-chong-chien-thuat-bien-nguoi-post519128.antd