Hóa thạch cá cho thấy có thể con người đã nấu ăn sớm hơn 600.000 năm so với chúng ta nghĩ

Sau khi kiểm tra những thứ còn sót lại từ cá chép, các nhà khoa học tuyên bố con người sống ở khoảng 780.000 năm trước đã biết nấu chín cá.

Các nhà khoa học Israel đã tìm thấy bằng chứng sớm nhất cho thấy tổ tiên của chúng ta từ 780.000 năm đã biết dùng lửa để nấu nướng.

Chính xác khi nào con người bắt đầu nấu nướng là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà khảo cổ học, bởi vì rất khó để chứng minh đống lửa ở thời cổ đại không chỉ dùng để sưởi ấm mà còn để nấu nữa.

Nhưng sự ra đời của nghệ thuật ẩm thực đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử loài người, bởi lẽ, các nhà khoa học tin rằng việc chế biến đồ ăn cho dễ nhai và dễ tiêu hóa hơn có đóng góp lớn lao để cuối cùng loài người nhân rộng trên khắp thế gian.

Trước đó, “bằng chứng quyết định” đầu tiên về nấu nướng là của người Neanderthal và người Homo sapiens sớm từ 170.000 năm trước, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Ecology and Evolution.

Còn nghiên cứu này đẩy niên đại đi xa hơn 600.000 năm, đây là kết quả sau 16 năm miệt mài nghiên cứu của nhà khảo cổ học Irit Zohar tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt thuộc Đại học Tel Aviv.

Trong khoảng thời gian đó, bà đã lập danh sách hàng nghìn bộ xương cá được tìm thấy ở địa điểm có tên Gesher Benot Ya’aqov ở phía bắc Israel, gần bờ sông Jordan.

Hộp sọ con cá chép được đặt tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt ở Tel Aviv.

Hộp sọ con cá chép được đặt tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt ở Tel Aviv.

Địa điểm này từng là một hồ nước và vì thế nó trở thành kho tàng chứa các hóa thạch cá cổ đại. Nó đã giúp các nhà nghiên cứu điều tra chính xác khi nào những đầu bếp đầu tiên bắt đầu sáng tạo trong nhà bếp.

“Chuyện này giống như đối mặt với một câu đố vậy, càng lúc càng có nhiều thông tin cho tới khi chúng ta dựng được một câu chuyện về sự tiến hóa của con người”, bà Zohar nói với AFP.

Manh mối đầu tiên được bà tìm thấy ở một nơi “hầu như chẳng có mảnh xương cá nào” mà chỉ có rất nhiều răng cá.

Điều này có thể chỉ ra việc nấu nướng bởi xương cá mềm đi và phân hủy ở nhiệt độ dưới 50oC nhưng răng của chúng còn nguyên.

Trong cùng địa điểm, một đồng nghiệp của Zohar đã tìm thấy các viên đá lửa đã bị cháy và những bằng chứng khác cho thấy nơi đây từng được sử dụng làm nơi đốt lửa.

Và hầu hết các răng chỉ thuộc về hai loài cá chép lớn đặc thù, gợi ý rằng chúng được chọn vì chất thịt “ngon ngọt”, nghiên cứu cho biết. Một số con cá chép dài tới hơn 2 mét.

Bằng chứng “quyết định” tới từ việc nghiên cứu lớp men của răng cá, bà Zohar nói.

Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật nhiễu xạ bột tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London để tìm hiểu việc đun nóng thay đổi cấu trúc của các tinh thể cấu thành lớp men răng của cá như thế nào.

So sánh kết quả với các hóa thạch cá khác, họ phát hiện, răng cá được tìm thấy ở khu vực chính của hồ đã chịu nhiệt độ khoảng 20-50oC. Đây là phạm vi nhiệt đủ để nấu chín cá.

Vẫn chưa rõ những người tiên phong chế biến cá theo cách nào (bỏ lò, nướng, luộc hay áp chảo), mặc dù nghiên cứu gợi ý rằng có thể họ đã sử dụng một loại lò nướng bằng đất.

Người Homo erectus từ khoảng 1,7 triệu năm trước được cho là những người đầu tiên làm chủ được ngọn lửa. Thế nhưng, “kiểm soát được lửa để sưởi ấm không đồng nghĩa với việc có thể kiểm soát nó để nấu nướng – có thể họ chỉ ăn cá bên cạnh đống lửa”, Zohar nói.

Vậy thì tổ tiên loài người có thể đã ném xương vào đống lửa, nhà khảo cổ Anaïs Marrast tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Pháp, người không tham gia vào nghiên cứu, phát biểu.

Toàn bộ câu hỏi ở đây nằm ở chỗ người cổ đại đã dùng lửa để loại bỏ phần thừa hay để nấu nướng, bà nói.

Theo Phương Anh/Khoa học & Phát triển

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hoa-thach-ca-cho-thay-co-the-con-nguoi-da-nau-an-som-hon-600-000-nam-so-voi-chung-ta-nghi/20221129075011725