Họa sĩ trẻ với niềm đam mê dòng tranh sơn mài

SPL - Dòng tranh sơn mài là loại hình hội họa thách thức sự kiên trì, chuyên tâm của họa sĩ bởi công đoạn thực hiện phức tạp, chất liệu thô ráp, dễ dị ứng, quá trình hoàn thành tác phẩm kéo dài đến hàng tháng, thậm chí là cả năm. Thế nhưng nhiều họa sĩ trẻ đã chọn theo đuổi nghệ thuật thủ công truyền thống này của nền hội họa Việt Nam.

Theo cách làm sơn mài truyền thống, các họa sĩ phải trải qua các công đoạn chính là bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Mỗi bức tranh sơn mài sau khi hoàn thành sẽ mang một vẻ đẹp riêng, có được từ sự khác biệt trong quá trình cảm nhận và ý đồ sử dụng chất liệu của người họa sĩ. Đặc biệt, sơn mài có những điểm “ngược đời”, muốn lớp sơn khô, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình, đôi khi người vẽ còn bất ngờ trước thành quả cuối cùng. Chính tính ngẫu nhiên này đã thu hút các họa sĩ trẻ theo đuổi dòng tranh sơn mài.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của tranh sơn mài với các họa sĩ trẻ nhưng để hoàn thiện một tác phẩm không hề dễ dàng, không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó. Ngay bước làm ra một tấm vóc, tức là phần khung thô của một bức tranh sơn mài, đã phải trải qua 12 nước sơn, mùn cưa, bó đất rồi lại sơn mới tạo ra được phần nền đen bóng. Sau đấy mới đến công đoạn trang trí họa tiết bằng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng, ốc, cật tre... vẽ trên nền vóc màu đen.

Dòng tranh sơn mài được giới yêu nghệ thuật đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ và kỳ công trong quá trình thực hiện.

Dòng tranh sơn mài được giới yêu nghệ thuật đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ và kỳ công trong quá trình thực hiện.

Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh. Để ra đời một sản phẩm, họa sĩ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với sự đầu tư công phu, cầu kỳ. Chưa kể đến đặc tính của sơn ta khiến nhiều người bị dị ứng, thường xuyên bị mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nhiều họa sĩ đã phải từ bỏ đam mê tranh sơn mài do cơ địa dị ứng nặng.

Vượt qua khó khăn trở ngại để thực hiện bằng được đam mê của mình, họa sĩ Trẻ Phạm Nhật Minh, Học viên Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng Vinschool (Trung tâm Gate) bày tỏ: “Trong quá trình làm lúc khó khăn nhất là lúc chờ khô màu, màu này có mùi rất nặng, dễ chóng mặt, khó thở, thứ là 2 là khi mài mòn tay mình bị chai, xước rát nhiều vì ban đầu lớp sơn khá gồ ghề, có vỏ trứng, ốc xà cừ, vỏ trai, vỏ sò, chỉ không cần để ý chút có thể xước tay. Nhưng bản thân mình rất yêu những thứ liên quan đến nghệ thuật truyền thống, vì thế mình muốn theo đuổi một cái gì đấy mang tính chất truyền thống để nó hòa hợp hơn với nội dung bức tranh và hơn nữa, con đường nào càng khó khăn thì kết quả sẽ càng khiến mình tự hào hơn”.

Hướng dẫn và theo dõi các bạn trẻ từ những ngày đầu bén duyên với dòng tranh sơn mài, họa sĩ Nguyễn Dương Hải Đăng, giảng viên của Trung tâm Gate và họa sĩ Vũ Bạch Liên, Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam hiểu rõ những khó khăn mà các họa sĩ trẻ phải trải qua khi tuổi đời còn nhỏ, ít kinh nghiệm. Nhưng chính sự đam mê của những bạn trẻ đã khiến các họa sĩ chuyên nghiệp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Với chất liệu rất khó thế này, các bạn ấy đã thể hiện sự nắm bắt rất nhanh về mặt kỹ thuật, đồng thời ý tưởng các bạn đưa ra rất phù hợp với chất liệu và gần như lịch sử, tạo hình chất liệu được khai thác rất triệt để trong tác phẩm của mình”, họa sĩ Hải Đăng cho hay.

Một bức tranh sơn mài hoàn mĩ được tạo ra là tất cả nỗ lực, kiên trì và cả tình yêu, đam mê nghệ thuật của người họa sĩ. Với những tác phẩm thành công, như những tác phẩm được trưng bày tại “Triển lãm Hồi Hải mã” của Trung tâm Gate hồi tháng 4 vừa qua, cho thấy các bạn trẻ đã gặt hái được thành công đầu tiên trong hành trình phát triển tài năng hội họa, mang những tác phẩm nghệ thuật của mình đến gần hơn với công chúng và giới nghệ thuật yêu mến các tác phẩm tranh sơn mài./.

Nam Phương

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/hoa-si-tre-voi-niem-dam-me-dong-tranh-son-mai-22360/