Họa sĩ trẻ loay hoay tìm cơ hội

Thời gian qua, mỹ thuật trong nước có nhiều điều kiện để giới thiệu, tiếp cận với nhiều nền nghệ thuật đương đại thế giới. Các danh họa thế hệ tiền bối được giới sưu tập trong và ngoài nước tìm kiếm, mỹ thuật Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhưng không ít họa sĩ trẻ vẫn phải loay hoay tìm cơ hội cho mình.

Hội ngành nghề nhạt nhòa

Không như các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, thị trường mỹ thuật Việt Nam mới hình thành và vẫn chỉ được xem là chập chững học hỏi kinh nghiệm.

“Ở các nước hiện đại, có nền nghệ thuật phát triển, thông thường khoảng 70% nguồn khách hàng mỹ thuật là các nhà sưu tầm trong nước, còn lại chừng 30% là nhà sưu tập nước ngoài. Thực tế ở thị trường mỹ thuật Việt, đấy mới chỉ là con số đáng mơ ước. Theo tôi thấy, chúng ta có thể hy vọng điều này ở 1-2 thế hệ sau nữa, ít nhất cũng phải 15, 20 năm nữa”, ông Đặng Hải Sơn, chủ phòng tranh Tự Do, chia sẻ.

Các họa sĩ trẻ TPHCM được đánh giá là giàu sức sáng tạo, năng động bậc nhất trong cả nước. Thế nhưng, ngoài các trại sáng tác thường kỳ, vài triển lãm quy mô lớn nhỏ, các triển lãm dịp lễ lộc đến hẹn lại lên, quá hiếm hoi để họa sĩ trẻ có được một sân chơi giao lưu mỹ thuật quốc tế! Nếu có chăng, cũng là nhờ các mối quan hệ tự thân vận động...

Triển lãm Biennale mỹ thuật trẻ năm 2017

Nói về vấn đề không mới này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, từng than thở, nhiều họa sĩ trẻ rất ham học hỏi, có chí cầu tiến và nhanh nhạy nắm bắt cơ hội. Nhưng vấn đề quyết định đầu tiên là… tiền đâu?

“Làm sao để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội học tập, giao lưu quốc tế, tham gia các trại sáng tác quốc tế khi nhà nước không có chế độ kinh phí hỗ trợ? Nguồn ngân sách hoạt động nhỏ giọt chẳng thấm vào đâu, nguồn xã hội hóa thì tìm đỏ cả mắt cũng chẳng thấy. Ngay cả kinh phí để trao thưởng cho các giải thưởng mỹ thuật của hội hàng năm cũng mới chỉ mang tính tượng trưng, chứ chưa phải là nguồn động lực để khích lệ, động viên các nghệ sĩ trẻ sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật? Là hội ngành nghề, dù rất mong mỏi nhưng thực sự chúng tôi chưa hỗ trợ được như mong muốn để các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo”, họa sĩ Uyên Huy tâm tư.

Họa sĩ tự bơi là chính

Tính đến nay, mới chỉ có cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp (Vietart today) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2016 - 2017, do CLB Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Gallery Nguyen tổ chức là có quy mô lớn nhất, với giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ sau cuộc thi đến nay, chỉ có họa sĩ Nguyễn Đức Hùng (đoạt giải nhì) được các nhà sưu tập chọn mua một số tranh trị giá vài trăm triệu đồng, các gương mặt còn lại hầu như chưa có hoạt động gì nổi bật.

Có vào cuộc mới hay, dù đã đoạt các giải thưởng cao nhất của cuộc thi danh giá mang tầm quốc tế như Vietart today, nhưng cơ hội để các họa sĩ trẻ tỏa sáng, được ký hợp đồng độc quyền với gallery không phải là điều đơn giản! Cho đến giờ, ban tổ chức Vietart today vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc đơn vị này có tiếp tục tổ chức cuộc thi lần thứ 2?

Đầu tháng 7 tới đây, Biennale mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ 5 năm 2019 - do Hội Mỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng phối hợp tổ chức sẽ tiếp tục khởi động. Đây được đánh giá là sân chơi lớn thứ hai của các họa sĩ trẻ trong nước, định kỳ 2 năm/lần.

Biennale mỹ thuật trẻ thu hút hàng trăm tác phẩm tranh, tượng, gốm, sắp đặt, video art… của các họa sĩ trẻ khắp các tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Mọi năm cũng có một vài đơn vị hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này, nhưng con số không đáng là bao, thường chỉ đủ chi phí cho công tác tổ chức, hoặc cho giải thưởng và giá trị cũng chỉ mang tính… khích lệ.

Những năm gần đây, không ít gương mặt trẻ nổi bật được quốc tế quan tâm, nhưng con số này chưa nhiều, chưa phản ánh thực lực của các nghệ sĩ trẻ.

“Nếu chỉ dừng lại ở việc bán tranh lấy tiền thì chưa đủ. Để kiến tạo được niềm tin và sự quan tâm với các nhà sưu tập quốc tế, bản thân mình phải làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, phấn đấu không ngừng và biết quan tâm đến các giá trị cộng đồng”, họa sĩ trẻ Trần Thanh Cảnh chia sẻ.

Anh vừa kết thúc chuyến giao lưu, tham dự các hoạt động triển lãm nghệ thuật quốc tế 1 tháng tại Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo, Nhật Bản…

Nhiều họa sĩ trẻ Việt cũng kết nối, thành lập nhóm, tổ chức giới thiệu tác phẩm nghệ thuật qua mạng online, như nhóm Vietnam Art Space (VAS) với hơn 29.000 thành viên do họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Đan sáng lập, nhóm Viet Art Now với hơn 7.300 thành viên do Phạm An Hải làm trưởng nhóm…

Thiếu sự đầu tư từ nhà nước, nhưng có vẻ những khó khăn trước mắt không làm chùn bước các họa sĩ trẻ.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoa-si-tre-loay-hoay-tim-co-hoi-524108.html