Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Để lại đôi bờ những lớp phù sa…

Họa sĩ Đặng Thị Khuê ví sự ra đi của họa sĩ Trần Lưu Hậu giống như một ngôi sao vụt tắt. 'Dẫu biết ai rồi cũng trở về với cát bụi nhưng lại như vô lý vì những bức tranh của anh Hậu không cho ta cái cảm giác thời gian trôi. Nó như đọng trong hiện tại sức sống thật tràn trề, viên mãn trong sự vội vã níu kéo tự nhiên vậy' - họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Cũng bởi thế mà với bà “ngôi sao ấy không tắt mà chỉ chuyển động ở một quỹ đạo khác mà thôi”.

Dành niềm tin cho nghệ thuật

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928 tại Hà Nội. Những năm tháng tuổi trẻ, ông từng tham gia Việt Minh ở khu Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội, tự vệ thành khu Đống Đa. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Lưu Hậu khoác ba lô lên chiến khu Việt Bắc.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Thời kỳ này ông công tác tại Ty Thông tin tuyên truyền Vĩnh Yên, tham gia vẽ tranh tuyên truyền cổ động, động viên đồng bào tham gia kháng chiến cùng với họa sĩ Ngô Tôn Đệ và Lê Thanh Đức. Năm 1949, trường Mỹ thuật ở Việt Bắc được thành lập do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, Trần Lưu Hậu là một trong số 23 người theo học khóa hội họa kháng chiến.

Cũng từ đó ông càng say sưa hơn với bảng màu và cọ vẽ. Những bức vẽ về anh hùng, chiến sĩ thi đua Hoàng Hanh, Nguyễn Thị Chiên; những bức tranh vận động đồng bào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đóng thuế nông nghiệp, giảm tô, giảm tức tại Tuyên Quang và Thái Nguyên; những truyện tranh và tranh cổ động vận động dân công và bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ... là kết quả của những năm tháng lăn lộn trong đời sống, miệt mài trong sáng tạo nghệ thuật của chàng sinh viên Trần Lưu Hậu.

Hòa bình lập lại, Trần Lưu Hậu được du học tại Học viện Surikov (Liên Xô cũ) về trang trí sân khấu, rồi sau đó được phân công giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ 1962-1988). Chật vật chăm lo cho gia đình suốt một thời bao cấp thiếu thốn, đây là quãng thời gian mà Trấn Lưu Hậu sáng tác khá cầm chừng.

Ông vẽ một số tranh sinh hoạt (bộ đội về bản, ngư dân miền biển...), vài bức tranh phong cảnh (làng Thư Thị, Hưng Yên, nông thôn Hà Bắc, phong cảnh trung du, cảnh biển Vũng Tàu, phong cảnh Hạ Long...), vài thử nghiệm sơn mài tham gia các triển lãm tập thể.

Tuy nhiên, như nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét thì “người họa sĩ đôn hậu, lịch duyệt và nhẫn nại dường như vẫn bền bỉ cất kỹ hòn đá đánh lửa nguyên sơ của nghệ thuật”. Ông cũng không làm trang trí ào ạt mà chỉ trang trí vài vở diễn (vở kịch nói “Âm mưu và tình yêu”, “Con cáo và chùm nho”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Chợ đời”, “Người hà tiện”... dẫu vậy cũng đủ xác định “địa vị hàng đầu” của ông ở đó.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu tại xưởng vẽ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nhớ lại: “Ngần ấy năm gánh vác trách nhiệm nặng nề trong gia đình, những tưởng Trần Lưu Hậu phải gác lại những ước mơ và hoài bão, vậy mà anh đã vực lại một gia đình, đi qua gian khó, giành giật lại niềm tin xác tín với nghệ thuật. Anh nói với tôi khi đến thăm tôi, hay khi tôi ở phòng trưng bày tranh của anh tại nhà, rằng: “Chẳng có gì là muộn cả”. Và gia tài nghệ thuật mà anh để lại là một minh chứng.

Với những thế hệ học trò đã được thầy Trần Lưu Hậu dìu dắt trong những năm tháng ông gắn bó với giảng đường thì sự nể phục và lắng nghe cũng luôn luôn song hành. Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân lý giải “Đó là bởi con mắt mỹ học tinh đời và mẫn cảm hội họa bẩm sinh nơi ông”.

“Hòa âm” cùng sắc màu

Trong suốt cuộc đời sáng tạo nghệ thuật, bút pháp Trần Lưu Hậu được đánh giá là phóng khoáng, mạnh mẽ và thể hiện hiện thực sống động. Thời kỳ kháng chiến, “3 cùng” với nhân dân, Trần Lưu Hậu có nhiều tác phẩm vẽ làng quê, sinh hoạt của người nông dân. Mái ngói, đường thôn, cổng làng... những mô-típ đặc trưng của làng quê được ông tái hiện trong tác phẩm một “kết cấu tạo hình mạnh mẽ, chặt chẽ trong sự xô lệch của đường nét và đối lập của màu sắc” nhưng lại giàu sức gợi.

Tự họa của Trần Lưu Hậu.

Thập kỷ 80, ông sáng tác nhiều về đề tài miền núi. Có thể kể tới các tác phẩm: “Nhà sàn”, “Khâu áo”, “Xuân về trên bản”, “Phụ nữ Hmông thêu khăn”, “Ngựa thồ Sa Pa”... Nét cọ bay bổng mà mạnh mẽ của Trần Lưu Hậu như cuốn người xem vào những chuyển động của thiên nhiên đất trời.

Họa sĩ Việt Hải, một người bạn thân thiết của Trần Lưu Hậu đánh giá sáng tác của Trần Lưu Hậu là quá trình hoàn thiện một mô hình thẩm mỹ với cái nhìn phương Đông hướng nội. “Tranh ông là sự trau dồi không mệt mỏi cho hình thức lên ngôi, khi tất cả các tế bào nhỏ nhất của nội dung được thể hiện bằng một hình thức tuyệt hảo.

Những mảng về hình, nét và mảng màu mà ông đặt lên tranh chuyển động theo tâm trạng của ông. Ông đem tranh vào tình cảm của mình mà không cần dàn xếp gì cả”.

Một trong những “điểm nhấn” trong sáng tác của Trần Lưu Hậu còn phải kể đến những bức tranh về phố cổ, tranh tự họa và tranh nude. Không rực rỡ, cũng chẳng cổ kính rêu phong, phố cổ trong tranh của Trần Lưu Hậu được “khắc họa mới tổ hợp nét, màu, mảng trong một không gian khi lập thể, khi biểu hiện”.

Tranh tự họa của ông không nhiều nhưng cuốn hút người xem cả ở sự tò mò và bút pháp độc đáo. Riêng với tranh nude, Trần Lưu Hậu được đánh giá là “một họa sĩ vẽ khỏa thân nhiều nhất và “đam mê” nhất.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì “chất lượng thẩm mỹ của các bức tranh của Trần Lưu Hậu góp phần đem lại vị thế đáng trọng cho thể loại tranh khỏa thân ở Việt Nam”. Mỗi tác phẩm của ông như một bản hòa âm của sắc màu mà ở đó tác giả đã “phối khí một cách điêu luyện”.

“Nét bút phóng khoáng lấy cái sức bật làm trọng mà bất chấp sự “chính xác” hay uốn lượn duyên dáng. Những thân thể không chỉ là những thân thể mà cần phải là những số phận và những nhạc phẩm của màu sắc” (Nguyễn Quân)

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng là học trò một thời của thầy Trần Lưu Hậu khi nhận xét về tranh của ông từng viết: “Trần Lưu Hậu có tài dùng màu đỏ già vẽ phố cũ, màu nâu già tả ngõ quê, màu vàng già vẽ chiều buồn lây lan trong trời đất ngày thu, màu đen già chìm nặng, đổ ập hay từng nhát quật mạnh xuống mặt toan trong sự trì uất khó giải thoát của nỗi buồn. Ông cũng có màu tím chói, màu hồng tươi, màu xanh lơ hay ánh vàng chanh trong phấn hứng của niềm vui, bất thần tạo ra sự va đập ánh ỏi của sắc màu”.

Nội lực dồi dào

“Từ giữa những năm 80 với không khí đổi mới, Trần Lưu Hậu như bước vào mùa thu lộng lẫy tươi vui nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình” - đó là cảm nhận của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn về một “thời kỳ vàng son” của Trần Lưu Hậu - người mà anh gọi là thầy và dành nhiều tình cảm yêu quý cũng như sự kính trọng.

Theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, đây là thời kỳ Trần Lưu Hậu vẽ ồ ạt, màu như bùng nổ cùng những cảm xúc vừa tươi trẻ nhẹ nhàng, vừa đầm ấm sâu lắng. “Giống như Bùi Xuân Phái, ông ít vẽ những điều to tát, ông vẽ những cái đẹp giản dị gần gũi của đời sống hằng ngày. Nghệ thuật của ông mang chất riêng tư và tâm tình cùng vẻ thanh lịch của người Hà Nội” - Trần Hậu Tuấn khẳng định.

Có một quãng thời gian dài, cứ đến mùa hè, Trần Lưu Hậu lại trốn khỏi Hà Nội, tìm về một vùng cao, thường là Tam Đảo hay Sa Pa để vẽ. Mùa hè năm ông 80 tuổi, Trần Lưu Hậu giam mình suốt 3 tháng trong ngôi nhà nhỏ ở Sa Pa, một mình với một đống toile, sơn và một máy nghe nhạc để vẽ về “Cây Hà Nội”. Trần Lưu Tú, con trai út của họa sĩ chia sẻ trong 3 tháng ấy anh đã phải 2 lần lên Sa Pa tiếp tế toile cho bố tổng cộng là 150m2.

Nhà thơ Dương Tường khi ấy hỏi ông: “Ông khơi từ mạch nào mà nội lực thâm hậu đến vậy?”. Trần Lưu Hậu trả lời: “Mình học Picasso”. Và ông minh chứng: “Picasso ngoài 90 tuổi còn vẽ gấp mấy mình, còn bắc thang lên vẽ kín cả bức tường rộng”.

Tấm gương lao động nghệ thuật của Picasso chính là động lực để Trần Lưu Hậu vẫn bền bỉ miệt mài sáng tác. Cũng bởi thế mà khi chứng kiến thành quả của chuyến đi (40 bức khổ lớn, trung bình mỗi bức khoảng 1 mét vuông) nhà thơ Dương Tường chia sẻ rằng ông thực sự choáng ngợp. Choáng ngợp không chỉ bởi sự đa dạng của những biến tấu cây sinh động đến bất ngờ mà còn bởi sức làm việc phi thường của Trần Lưu Hậu.

“Rõ ràng, ở cái tuổi 80, bút lực của Trần Lưu Hậu vẫn ngồn ngộn một sức sống tỏa nhánh, đâm cành. Những nhát cọ không kiềm chế, vạm vỡ như Goya, những vũ điệu sắc màu và ánh sáng chất chứa cuồng phong mang đến cho thế giới cây do ông tạo tác một chiều kích vừa hoang sơ, vừa hiện đại, lại vừa siêu nhiên” - nhà thơ Dương Tường đánh giá.

Viết về “Trần Lưu Hậu - người mở cửa âm thầm”, nhà báo Vũ Lâm cũng từng nhận xét rằng công việc mà Trần Lưu Hậu làm được cứ tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Năm 2000, ông 72 tuổi, chỉ vẽ được 100 bức/năm; tới năm 2001, 73 tuổi, ông vẽ được 150 bức; rồi 2002, 2003... mỗi năm trung bình ông vẽ được 100-200 bức.

Khi sang ngưỡng tuổi 80, Trần Lưu Hậu còn vẽ nhiều hơn cả thời gian trước. Trần Lưu Hậu bảo rằng mình già rồi, già đi từng ngày nên mình phải vội. “Vẽ để quên thời gian đi còn mình thì không còn tuổi nữa. Đời người thường phí phạm cho những chuyện dông dài vô bổ, những chuyện bên ngoài hội họa chứ vẽ thì hết mấy”. Và thành quả của những miệt mài ấy là những cuốn sách họa dày dặn được ông liên tiếp ra mắt công chúng thay cho các triển lãm.

Tuổi 92, về với thế giới bên kia, Trần Lưu Hậu đã sống vắt qua hai thế kỷ. Nói như họa sĩ Đặng Thị Khuê thì “ông đã trọn vẹn cống hiến đời mình cho sáng tạo, một định vị không thay đổi được trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và nâng tầm ảnh hưởng so với các họa sĩ khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều đáng nói ở ông là sự gợi mở, là tầm ảnh hưởng và lan tỏa trong nhiều lĩnh vực (sáng tạo, giáo dục đào tạo mỹ thuật và trang trí sân khấu)”. Xin khép lại bài viết của ông bằng hình ảnh so sánh của nhà thơ Dương Tường: “Trần Lưu Hậu như một dòng sông lặng lờ chảy không quên để lại dọc đôi bờ những lớp phù sa ngậm nắng mặt trời”.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu là một trong những họa sĩ nổi bật của khóa học hội họa kháng chiến, cùng các tên tuổi Lưu Công Nhân, Mai Long, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa...
Ông đã có 28 năm là giảng viên của trường Mỹ thuật Việt Nam, từng tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam với các vai trò: Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành đồ họa, hội họa, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật. Ông cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong ước và ở các nước như: Liên Xô, Bulgaria, Đức, Slovakia, Pháp, Singapore.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm của Trần Lưu Hậu đã có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội... trong các phòng tranh, bộ sưu tập cá nhân của những người yêu nghệ thuật. Với rất nhiều cống hiến, họa sĩ Trần Lưu Hậu đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Thủy Đặng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hoa-si-tran-luu-hau-de-lai-doi-bo-nhung-lop-phu-sa-584535/