Họa sĩ Trần Khánh Chương với cảm xúc về 'Đường lên Điện Biên'

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với chiến thắng vang dội 65 năm trước của quân và dân ta luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ nước nhà. Trong lĩnh vực mỹ thuật, hàng nghìn tác phẩm về Điện Biên năm ấy đã ra đời, để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi người.

Họa sĩ Trần Khánh Chương đã có mặt từ rất sớm, từ khi triển lãm mỹ thuật “Điện Biên năm ấy” (diễn ra từ ngày 3/5 -10/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội) mới bắt đầu mở cửa đón công chúng. Ở sự kiện này, ông đến dự không chỉ với tư cách là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, mà còn với vai trò tác giả của bức tranh sơn mài “Đường lên Điện Biên”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương (người đang chỉ tay) đang giới thiệu về tác phẩm "Đường lên Điện Biên"

Họa sĩ Trần Khánh Chương (người đang chỉ tay) đang giới thiệu về tác phẩm "Đường lên Điện Biên"

Tác phẩm được họa sĩ sáng tác năm 2005 với cảm hứng từ những chuyến về chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tranh được trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại ngay sau đó. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để ông ngắm lại tác phẩm và giới thiệu với mọi người một trong những sáng tác tâm huyết của mình.

“Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. Hồi bé, ở trong Liên khu 4, tôi đã được tiếp xúc với những vũ khí và bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là một điều rất hiện hữu, không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên rất giản dị trong bộ trang phục áo nâu. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng”, họa sĩ Trần Khánh Chương tiết lộ.

Bên cạnh đó, còn một kỷ niệm nữa về anh Bộ đội Cụ Hồ đã tạo cảm xúc cho ông sáng tác nên tác phẩm “Đường lên Điện Biên”. Năm 1953, khi ấy, gia đình ông có một chiếc xe đạp khung inox rất giá trị. Thế nhưng, bố ông đã quyết định cho một người chiến sĩ mượn để anh đi từ Hà Tĩnh lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tận năm 1957, khi gia đình ông đã từ Hà Tĩnh chuyển vào Nghệ An, người lính không quen biết năm xưa ấy vẫn mang chiếc xe đạp đó đến tận nhà trả cho gia đình.

Họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ: “Để có được những tác phẩm cho công chúng thưởng lãm hôm nay, nhiều thế hệ họa sĩ đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Trong số những bức tranh được trưng bày tại triển lãm “Điện Biên năm ấy”, có rất nhiều tác phẩm là của các tác giả vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta. Có thể kể đến là loạt ký họa chiến trường của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ...

Cho đến nay, chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn là mảng đề tài với nhiều tác phẩm lớn, nhưng dường như nó chưa bao giờ hết sức hút với các họa sĩ. “Phải khẳng định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng thần kỳ của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói riêng và đấu tranh giành độc lập dân tộc nói chung.

Chính vì vậy, đề tài này luôn gây ấn tượng không chỉ với lớp họa sĩ lâu năm mà cả một bộ phận tác giả trẻ. Qua thời gian, tuy chủ đề đã cũ nhưng phương pháp thể hiện đã khác, với cái nhìn rất mới, rất sáng tạo của các họa sĩ trẻ. Thế mới thấy sức sống mãnh liệt, vượt thời gian của chiến dịch huy hoàng này”, họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.

K. Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoa-si-tran-khanh-chuong-voi-cam-xuc-ve-duong-len-dien-bien-90829.html