Họa sĩ thiết kế Nguyễn Hữu: Người lưu giữ ký ức Sài Gòn

Họa sĩ thiết kế Nguyễn Hữu là người gốc Ninh Bình, anh đến với Sài Gòn từ năm 18 tuổi, và gắn bó với mảnh đất phương Nam này cho đến nay. Trong khoảng bốn năm trở lại đây, tại Sài Gòn xuất hiện một số quán cà phê thiết kế theo phong cách đặc trưng Sài Gòn những năm 60-70, trong đó, nổi tiếng nhất là 'Cửa hàng cà phê 81' do Nguyễn Hữu thiết kế và làm chủ.

Tìm kiếm từ khóa “Cửa hàng cà phê 81” trên Google, ra ngay 4.430.000 kết quả (trong 0,59 giây). Quán của Hữu đã xuất hiện trên rất nhiều trang báo về kiến trúc, được giới thiệu trên các trang mạng, nhóm du lịch, diễn đàn… là một địa điểm đáng đến khi đặt chân tới Sài Gòn, đồng thời, đây là nơi mà nhiều hãng phim, thời trang, làm quảng cáo đến chụp ảnh, quay phim. Từ đó, mô hình quán thiết kế không gian Sài Gòn xưa được nhân rộng từ Hữu. Đủ thấy người Sài Gòn luôn trân quý những không gian sống lưu giữ ký ức xưa…

Họa sĩ thiết kế Nguyễn Hữu lần đầu tiên chia sẻ về cảm giác khi tới với Sài Gòn, và công việc lưu giữ bảo tồn những hiện vật gợi nhớ về Sài Gòn xưa của anh:

“Tôi đến với Sài Gòn vào một dịp tình cờ cũng vào những tháng cuối cách đây gần hai mươi năm. Và từ khi nào thì đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Hồi mới vào Sài Gòn trong mắt cậu trai mới lớn điều gì cũng lạ lẫm và bất ngờ. Từ kiến trúc, phong cảnh, con người cho tới cách các Dì gọi “con” gọi “cưng”. Cảm nhận được sự thân thiện và tấm lòng ở “vùng đất mới” này, tôi bắt đầu khám phá. Có lẽ chả nơi nào nhiều quán cà phê như ở Sài Gòn. Từ nhà ra hẻm là đã thấy cà phê, quán nhỏ, quán to, quán bình dân, quán nhạc xập xình... cơ man nào là quán và phong cách. Quá thú vị và nhiều trải nghiệm cho cậu trai ưa khám phá như mình. Thích nhất là những quán ở góc hẻm nhỏ, dưới tàn cây trứng cá là dáng “dì” tất bật chạy tới lui bưng cà phê, trà đá cho khách. Ghế súp và vài chiếc bàn gỗ tự đóng xung quanh chuyện nhà, chuyện phố râm ran bên tai...

Tôi “lang thang” ở Sài Gòn được gần hai chục năm nên có dịp tiếp xúc với khá nhiều người. Ấn tượng với một lượng lớn người lao động, người bán hàng rong từ khắp các miền đất nước. Tựu trung lại, đây mưu sinh đều chạy ngược xuôi và hòa nhập với “văn hóa Sài Gòn”. Bạn quen rồi có thể mua thiếu “bữa sau gởi dì cũng được con” dễ thương vô cùng...

Sài Gòn đã dung dưỡng và cho tôi bao cơ hội làm người, nên tôi luôn thầm cảm ơn Sài Gòn. Hiện tại cuộc sống của tôi khá thoải mái với gia đình, nhiều bạn bè mới và được làm công việc yêu thích ở Sài Gòn.

Phố phường Sài Gòn thay đổi nhiều qua hai chục năm trong mắt cậu trai ngày nào.

Có lần đi làm về ghé cà phê Bệt ngay bên nhà thờ gọi cà phê xong, kéo miếng bìa các-tông làm chỗ ngồi cạnh một anh. Hai anh em ngắm phố phường ngược xuôi rồi thì quay sang bắt chuyện với nhau. Mới đó mà anh em cũng chia sẻ với nhau ở Sài Gòn được hơn mười năm trời. Mình với “anh bạn mới” mỗi người một chiếc Vespa cũ “bạch bạch bạch” qua bao con phố Sài Gòn. Thích nhất đi chậm chậm dưới những tàn cây mát, anh em chia sẻ với nhau những nét văn hóa từ kiến trúc cho đến ẩm thực đường phố.

Có lần hai anh em chạy xe từ quận 1 lên tới quận 11 chỉ để “anh dẫn chú mày đi ăn mì của người Hoa ngon lắm”, xong rồi chạy về. Nhiều chung cư cũ người ta cho thuê làm cà phê. Quán cà phê mà mở ở chung cư cũ thì thường bước vào như căn phòng của mấy bạn họa sĩ vậy. Nhỏ, chật hẹp, hơi tối nhưng vào rồi bạn sẽ thấy ấm áp và gần gũi vô cùng. Giá mà được đi chân trần để cảm nhận cái mát lạnh của từng viên gạch men xưa. Tay men theo những hoa văn cầu thang có số tuổi nhiều hơn của mình. Phóng tầm mắt ra khỏi những khung cửa lấy sáng, lấy gió thì lại là cả một thế giới khác...

Đô thị phát triển Sài Gòn không còn giữ lại được nhiều những chung cư cũ, những tòa nhà biệt thự xưa hẳn là điều nuối tiếc cho nhiều người. Tôi cũng từng lặng người khi mới hôm qua đi trên con đường còn tòa nhà ghi dấu lịch sử, nhưng hôm nay thì chỉ còn lại đống xà bần ngổn ngang. Đó là cái giá rất đắt cho quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra hàng ngày ở đây...

Từ nhỏ, tôi đã mê những thứ cũ kĩ nên hay bị gọi là “tính ông cụ non”. Tôi sưu tầm tem, tiền xưa và sách báo tranh ảnh cũ. Tôi thấy vẻ đẹp vượt thời gian qua những món đồ cũ. Có thêm bộ tem nhỏ chẳng hạn trong lòng vui như có một gia tài vậy.

Học hành và lập nghiệp ở Sài Gòn luôn làm tôi nung nấu ý định mở một không gian cà phê “như ngôi nhà xưa”. Qua quán nhỏ ven đường của mình mong mọi người dừng chân nghỉ ngơi, tìm được chút cân bằng để rồi lại tiếp tục bận rộn với bao nhiêu là công việc.

Tôi thích văn hóa uống cà phê ở thành phố này nên sau khi học xong, đã quyết tâm mở quán luôn. Tất nhiên sau thất bại vài lần, tôi mới góp “Cửa hàng cà phê 81” vào trong danh sách những quán đáng ghé ở Sài Gòn. Trước khi mở quán, bao nhiều năm “lang thang”, tôi đã gom được khá nhiều đồ cũ nên khi thiết kế thi công mình cũng không gặp khó khăn nhiều lắm. Vì tôi học thiết kế ra nên chỉ sắp đặt lại các món đồ sao cho đúng vị trí của nó trong ký ức, một cách tự nhiên nhất. Tôi tái hiện lại hiên nhà, phòng khách với những tấm lịch treo tường, góc học tập với sách vở trang trí, và không quên khoảng sân nhỏ phía sau...

Ở Cửa hàng Cà phê 81, tôi lưu giữ hàng ngàn món đồ. Phía sau đó là quãng thời gian đi đâu thấy cái gì cũ cũ hay hay cũng tha về. Nhiều bạn ghé uống cà phê biết sở thích đó cũng tặng tôi đồ cũ để trưng bày thêm nữa. Như là giao cho tôi lưu giữ lại ký ức để lâu lâu họ ghé thăm. Có một cặp vợ chồng người Anh bay qua thăm quán và tặng lại tôi chiếc đĩa mà gia đình họ trưng bày mấy chục năm nay làm kỉ niệm. Còn rất nhiều kỉ niệm ở Sài Gòn qua những món đồ với giá trị về thời gian mà tôi luôn muốn có thêm dịp chia sẻ.

Yêu quý những món đồ mang nhiều ý nghĩa nên tôi mong muốn các bạn trẻ có nơi tìm về. Nghe một vài bản nhạc xưa, chuyện trò về những món đồ “hồi nhỏ nhà mình cũng có cái tủ này, nhìn cái gặc-măng-rê kia nhớ bà ngoại quá”...

Sài Gòn đang vươn mình phát triển với tốc độ chóng mặt. Tôi “bày” ra cái quán nhỏ ven đường này chỉ mong mọi người “sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhau nhiều hơn”. Những di sản kiến trúc hay những hàng cây trăm năm là thứ mà không phải thành phố nào cũng có được. Tôi mong những người làm quy hoạch đô thị với cái tâm và tầm nhìn xa hơn nữa để mai sau chúng ta không phải tiếc nuối vì những nét đặc trưng của Sài Gòn không còn nữa...”

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoa-si-thiet-ke-nguyen-huu-nguoi-luu-giuky-uc-sai-gon-tintuc427421