Họa sĩ Phạm Bình Chương: Đến với nghệ thuật là sự tất yếu

Phạm Bình Chương là họa sĩ tiêu biểu của trường phái hiện thực đương đại của Việt Nam. Nhắc đến tên anh, nhiều người hình dung ngay tới những bức tranh đậm hương phố Hà Nội của một thời xưa cũ.

Từ màu sắc, bố cục, khung cảnh, đến từng chi tiết trong tranh đều ẩn những sắc thái hồn nhiên đầy xúc cảm. Họa sĩ Phạm Bình Chương là con trai của GS Phạm Công Thành, nhờ vậy, anh đã trải qua tuổi thơ đặc biệt khi thường được sống trong hơi thở của nghệ thuật.

Họa sĩ Phạm Bình Chương.

Họa sĩ Phạm Bình Chương.

Là con trai của GS Phạm Công Thành, anh đã nhận những ảnh hưởng ra sao từ Gia đình, cụ thể là bố của anh?

- Bố tôi là một người uyên bác, mọi người thường gọi ông là “từ điển sống” vì trí nhớ siêu việt và đọc nhiều. Ông có trình độ cao, được đào tạo bài bản qua thời Pháp và Liên Xô. Trong đời sống, bố tôi là người bố mẫu mực. Ông lúc nào cũng ấm áp, chiều con và hay pha trò cho cả nhà cười suốt ngày.

Tôi học vẽ cơ bản từ 8 tuổi, sau quá trình bố cho vẽ tự do. Bố thường mua sách tặng chị em tôi bất cứ dịp gì, mục đích là để chúng tôi đọc sách một cách tự nhiên. Nhà tôi hay có học trò, do bạn bè gửi gắm để luyện thi đại học. Tôi cũng được dự các khóa này như những học viên lớn tuổi. Tôi chưa hề vẽ tranh theo kiểu “thiếu nhi”. Sau này, tôi cũng là người pha trò cho gia đình nhỏ của mình, rồi cũng đi dạy đại học, tiếp nối môn Luật xa gần, một môn khó nhất của ngành mỹ thuật. Thực tế, bố là người ảnh hưởng đến tôi nhất, cả về tính cách, phẩm chất đến nghề nghiệp. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố, là một điều rất khó. Trong thâm tâm, bố muốn tôi giống mình, cũng làm giảng viên, rồi sẽ là giáo sư, tiến sĩ song tôi đã từ bỏ tất cả để dành thời gian chuyên tâm với hội họa. Với họa sĩ, chỉ có tác phẩm mới định nghĩa anh ta là ai.

Cũng vì thế, ngay từ khi sinh ra, con người anh đã thuộc về mỹ thuật, nghệ thuật rồi?

- Có một lần viết tiểu sử cho một tổ chức nước ngoài, tôi đã viết: “Tôi đến với nghệ thuật như một sự tất yếu”, dùng cụm từ “as a matter of course”. Chẳng hiểu do lỗi tại đâu mà lại thành “as a master of cause”, tức là tôi đến với nghệ thuật với mục đích trở thành danh họa. “Tất yếu” vì tôi dường như chỉ có một sự lựa chọn, đó là vẽ và vẽ. Năm tuổi, tôi đã vẽ suốt ngày, dậy từ 5 giờ sáng, với một cục phấn, tôi vẽ suốt dọc hành lang khu nhà, dài khoảng 30 mét, đến 7 giờ mới về ăn sáng. Mọi người trong xóm chắc cũng thông cảm vì chưa ai phàn nàn về những hình vẽ trước cửa nhà. Nếu ai hỏi sao phải dậy sớm thế thì tôi trả lời: “Cháu tuổi trâu mà, dạy sớm để đi cày”. Tôi lúc đó có một niềm vui không giống ai, đó là mong trời mưa để xóa sạch hình vẽ, để mai còn có chỗ để “sáng tác”. Rồi lớn lên cũng chỉ có mục đích duy nhất: thi vào trường Đại học Mỹ thuật để trở thành họa sĩ.

Tác phẩm “Tâm tình”.

Những chặng đường hình thành lên phong cách nghệ thuật của anh?

- Như đã nói, bố tôi cho tôi tiếp cận hội họa từ rất sớm. Ông không áp đặt tôi phải yêu thích một trường phái hay chủ nghĩa nào. Tôi yêu thích cổ điển và cả hiện đại. Sau khi ra trường, tôi thử sức với nhiều loại hình. Trừu tượng, biểu hiện, dân gian đương đại và bây giờ là hiện thực. Thoạt nghe tưởng chúng không liên quan đến nhau nhưng thực tế là rất liên quan. Diễn tiến các giai đoạn của tôi rất tuần tự, dù nó nghe có vẻ hơi ngược. Tôi học được khá nhiều kỹ thuật tạo chất từ trừu tượng, và những bố cục mạnh mẽ, cô đọng từ biểu hiện và dân gian đương đại. Vậy hiện thực của tôi lại rất gần với trừu tượng với bút pháp thoải mái và có bề mặt. Hiện thực của tôi cũng không quá câu nệ vào tả, vờn khối mà nó vẫn phóng khoáng, thoải mái. Có lẽ cái gọi là: “kỹ hơn ảnh” như người ta vẫn nhận xét về tranh tôi. Nó không phải do vờn tỉa kiểu photorealism mà mà chỉ là sự phân chia khúc triết thấu đáo đối tượng mà thôi.

Còn đề tài sáng tác của anh đã thay đổi thế nào?

-Tôi chưa thay đổi đề tài từ ngày dấn thân vào hiện thực. Đề tài Hà Nội khá rộng chứ không đơn thuần là phố. Đôi khi là một dãy nhà phức tạp đầy chi tiết, đôi khi chỉ là một khuôn cửa cũ hay cái bóng nắng hắt lên tường. Phạm trù rộng nên tôi thỏa sức vẽ mà không bị trùng lặp. Đó là lý do tại sao không ngại triển lãm cá nhân, vì mỗi bức tranh sẽ là một câu chuyện riêng khác nhau, có thể bày chung mà vẫn đa dạng.

Tác phẩm "Vũ điệu".

Ngoài việc đi vào con đường hiện thực, nguyên do nào anh quyết định đi sâu vào khám phá những vẻ đẹp xưa của Hà Nội?

- Những bức tranh đầu, tôi đến với Hà Nội như một sự tự nhiên, vẽ vì thích, vẽ vì đơn đặt hàng... Dần dần, tôi mới thấy vẻ đẹp đặc biệt riêng biệt của thủ đô văn hiến. Kiến trúc Hà Nội tinh tế, từ nhà cổ truyền thống tới nhà Pháp. Nhà cổ truyền thống hay như chính kiến trúc gọi là “nhà Pháp” không hề giống Paris hay các nước thuộc địa khác mà nó phù hợp với khí hậu nóng ẩm miền Bắc và dành riêng cho người Việt Nam với cửa sổ trong kính ngoài chớp, các chi tiết trang trí chỉ mức độ vừa phải, không quá cầu kỳ. Tường thì chỉ quét vôi tối đa không quá hai màu sơn. Nhà thường hai tầng với ban công sắt uốn. Cùng với cây cổ thụ, chúng hòa hợp tạo ra vẻ thanh lịch và gần gũi… Cái nắng của Hà Nội cũng thật đặc biệt. Do cây cối nhiều, thời tiết ẩm, phố nhỏ nên nắng thường không chiếu trực tiếp lên nhà mà qua nhiều lớp bụi và vật cản nên có cảm giác rất tế nhị. Đặc biệt trong các mùa nắng xiên, vào tầm tháng 10 đến tháng 12, nắng lại càng tế nhị hơn. Cái nắng hanh hao chỉ dám chạm nhẹ vào nhà và cây cối ở mức độ vừa đủ. Nó rất giống với con người Hà Nội, nói vừa đủ nghe. Bây giờ, tôi vẽ Hà Nội với một lý do khác, đó là bảo tồn, ít nhất là trong hội họa. Tôi không chỉ bảo tồn kiến trúc mà bảo tồn tồn kỷ niệm, ký ức. Cái vẽ hôm nay chắc gì tháng sau còn. Hà Nội đang mất dần vẻ đẹp của mình trong sự giàu có. Nghèo còn giữ được, kinh tế phát triển là mất liền. Tôi “đóng băng” Hà Nội để rồi sau này con cháu mình nhìn vào sẽ thấy được cái hồn của Thủ đô. Tôi không hoài cổ, không vẽ về quá khứ mà vẽ ngay cái đang hiện hữu, vẽ những gì mình đang trải nghiệm. Tôi không cường điệu hóa hay mỹ miều hóa Hà Nội.

Mỗi khi vẽ, anh tìm thấy gì trong đó, và cảm xúc của anh trong quá trình vẽ?

- Mỗi khi vẽ tranh, các cảm xúc thường ùa về bất chợt. Nó vậy quanh tôi, cổ vũ tôi, tiếp sức cho tôi. Ví dụ bức “Tâm tình,” vẽ góc phố Yết Kiêu chẳng hạn. Vì tôi gắn bó với con phố này từ thời học phổ thông đến đại học, nên trong lúc vẽ tất cả các kỷ niệm cũ hiện lên rất rõ. Nhớ những bữa sáng đi ăn cùng bố, ăn trưa cùng bạn bè hoặc xa hơn nữa là được đi chợ chiều cùng mẹ, ngồi trên cái địu quan sát chợ tạm Đỗ Hành. Hay khi vẽ bức “Hiệu sách cũ” thì lại nhớ những ngày đi thuê truyện sau giờ học. Những cuốn truyện nhàu nát làm nên cả một thế giới tuổi thơ. Nhũng cảm xúc này thật ấm áp và nó làm bức tranh trở nên sinh động hơn. Tôi thấy mình thật may mắn: cũng là lao động nhưng lao động của tôi rất đặc biệt: được sống trong những cảm xúc hân hoan, dâng trào.

Tác phẩm “Những cái lồng”.

Với anh, hội họa mang lại cho anh những gì, lấy đi của anh những gì?

- Tôi vẫn nói vui nếu có kiếp sau, xin đăng ký làm nghề họa sĩ. Vì sao: họa sĩ không có tuổi hưu, lại tự mình làm không phụ thuộc ai cả. Vẽ là niềm yêu thích mà đôi khi không được sáng tác người ta có thể tiếc nuối cả cuộc đời. Tôi chưa bao giờ đặt việc vẽ để kiếm sống, vì nó sẽ thành áp lực, không đem lại cảm giác thoải mái. Ngay từ khi ra trường, tôi đã xác định phải tìm một công việc khác để sống ngoài vẽ tranh. Vẽ nó là cái nghiệp, còn sống thì phải tìm nghề. Tôi có cái nghề gia truyền là dạy học. (Cụ tôi là một thầy đồ, bố tôi là giáo sư) nên tôi đi dạy ở trường đại học, ngoài ra tôi cùng vợ mở thêm trung tâm mỹ thuật. Công việc đi dạy không thể giàu nhưng nó tương đối ổn định, đủ để sống và mua họa phẩm. Tuy nhiên làm nhiều việc cũng mất nhiều thời gian và sức khỏe. Vẽ hiện thực thì không thể trốn tránh bất cứ cái gì. Không thể xuất thần 2 tiếng ra một bức tranh nên tôi hay bị áp lực về thời gian. Treo tay 20 năm cũng làm cơ vai của tôi u lên và cứng ngắc, làm máu lưu thông lên não bị chậm, gây triệu chứng trầm cảm nhẹ. Buồn cười thật, vẽ làm tôi yêu đời và lạc quan và cũng làm tôi trầm cảm. Bây giờ phải trị liệu và tập thể dục thường xuyên mới đỡ. Bệnh nghề nghiệp mà.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoa-si-pham-binh-chuong-den-voi-nghe-thuat-la-su-tat-yeu-561575.html