Họa sĩ Noriko MAtsui - một tình yêu Việt Nam

Mùa xuân năm nay, tôi xúc động khi được cầm trên tay cuốn sách 'Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương'. Cuốn sách là một lời tri ân sâu sắc của NXB Kim Đồng với nữ họa sĩ Noriko Matsui - người bạn lớn của các nhà văn, họa sĩ và những người làm sách cho trẻ em Việt Nam. Lật giở từng trang sách, hình ảnh nữ họa sĩ Noriko Matsui cứ hiện ra bên tôi với nụ cười trìu mến như thuở ban đầu.

Họa sĩ Noriko Matsui biểu diễn tác phẩm "Chiếc lược ngà" do họa sĩ Bùi Đức Liễn sáng tác hội họa, theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Họa sĩ Noriko Matsui biểu diễn tác phẩm "Chiếc lược ngà" do họa sĩ Bùi Đức Liễn sáng tác hội họa, theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Lần đầu gặp gỡ

Cách đây hơn 30 năm, mùa thu năm 1991, tôi được tham gia lớp tập huấn xuất bản sách trẻ em ở Việt Nam do NXB Kim Đồng và Trung tâm Văn hóa châu Á (ACCU) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Ngay từ buổi đầu tiên chúng tôi đã được gặp nữ họa sĩ Nhật Bản Noriko Matsui trong bài giảng “Sách tranh cho trẻ em và Kamishibai”. Bà là một người phụ nữ trung niên nhỏ nhắn, dáng dấp thanh lịch và nhanh nhẹn. Nghe bà nói dù là qua phiên dịch nhưng tôi vẫn thấy dễ hiểu và gần gũi như gặp lại một bà giáo Hà Nội cũ thuở còn thơ bé. Sự nhiệt tình của Noriko Matsui đã khiến anh Đoàn Ngọc Cảnh (phiên dịch) thêm hăng hái giúp bà vượt qua sự khác biệt của ngôn ngữ để đem đến cho học viên một thế giới kỳ diệu từ sách tranh (ehon) và từ thể loại có tên Kamishibai.

Tôi còn nhớ mãi khi được làm quen với tác phẩm Kamishibai có tựa đề “To, to, to lên…”. Bà Noriko mở một cái hộp gỗ có cánh cửa “màn sân khấu” rồi từ từ kéo tờ tranh, kể chuyện. Bà không độc diễn một chiều mà tương tác với khán giả.

Bà cùng chúng tôi hô bằng tiếng Việt: “To, to...” rồi đột nhiên bà dừng lại, đặt câu hỏi để chúng tôi đoán biết bức tranh tiếp theo vẽ cái gì? Quả thực Noriko Matsui đã tạo ra một hiệu ứng mạnh khiến tôi như nhập vào mạch tưởng tượng của câu chuyện. Chiếc hộp gỗ - sân khấu biểu diễn Kamishibai của bà trở nên sống động như một thế giới thu nhỏ lại rồi mở rộng ra đến vô cùng tận xung quanh tôi...

Cho đến khi được đọc cuốn sách “Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” tôi mới biết bà đã vào đời bằng nghề giáo viên dạy mỹ thuật cho học sinh tiểu học từ năm 20 tuổi.

Thảo nào, bà có tác phong sư phạm điêu luyện như vậy! Bà là họa sĩ vẽ tranh đồng thời là tác giả lời văn của cuốn sách. Bà còn là người biểu diễn tác phẩm Kamishibai với công chúng. Noriko Matsui có cả ba phẩm chất: họa sĩ, nhà văn và nghệ sĩ biểu diễn. Lúc ấy (năm 1991) Ban biên tập NXB Kim Đồng từng bất ngờ trước một mẫu hình tác giả vừa là họa sĩ vừa là nhà văn và am hiểu tâm lý trẻ thơ như Noriko Matsui.

Ngày ấy, tôi rất yêu thích nghệ thuật Kamishibai và được bà Noriko Matsui ưu ái tin tưởng. Thế nhưng do yêu cầu công việc, NXB Kim Đồng đã cử tôi làm nhiệm vụ cấp bách nhiều khó khăn thử thách khác: Biên tập viên chính bộ truyện tranh “Doraemon” của tác giả Fujiko Fujio.

Từ đó tôi đã tạm biệt các khóa tập huấn Kamishibai và hoạt động của Hội Kamishibai Việt Nam. Hơn 30 năm đã qua, nay được ngồi đọc cuốn sách “Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, tôi không sao ngăn được dòng nước mắt xúc động nhớ thương người thầy, người bạn lớn của tôi nữ họa sĩ Noriko Matsui.

Từ cuốn sách tôi đã hiểu thêm nhiều điều về cuộc đời bà Noriko Matsui. Noriko sinh ra ở tỉnh Wakayama nơi có núi cao, có thác nước và đền chùa cổ kính. Bà lớn lên trong thời nước Nhật có nhiều biến động. Những chuyện xảy đến trong suốt hành trình từ tuổi thơ đến những năm học đại học đã tôi luyện Noriko thành một người mang trong mình cá tính kiên cường.

20 tuổi sau khi tốt nghiệp Đại học bà từ giã quê hương lên Tokyo xin làm giáo viên dạy mỹ thuật ở trường tiểu học. Noriko đã tự đi tìm hạnh phúc và kết hôn với Mikio Matsui một nhà nghiên cứu phương pháp giảng dạy toán học. Vừa làm thiên chức của người phụ nữ sinh đẻ và nuôi con, Noriko Matsui vừa học Đại học Mỹ thuật Musashino.

Vừa là cô giáo là vừa là người mẹ hiền, Noriko sớm chọn con đường sáng tác cho trẻ thơ. Bà học vẽ và có năng khiếu văn học, có tư duy tưởng tượng phong phú. Bởi vậy bà sáng tác không chỉ là màu sắc, bố cục mà còn là ngôn ngữ và câu chuyện nữa. Tác phẩm của bà đầu tiên là để cho hai cô con gái thưởng thức, sau đó bà vững tâm lan tỏa ra cộng đồng.

Sống với người bạn đời là nhà nghiên cứu phương pháp giảng dạy toán học nên tranh truyện của Noriko Matsui không chỉ có cảm xúc mà còn có trí tuệ. Những tác phẩm Kamishibai của Noriko Matsui có cốt truyện giản dị, nét vẽ ngộ nghĩnh và cách tương tác sinh động khiến cho người thưởng thức được cảm nhận một không gian tưởng tượng bay bổng có triết lý sâu sắc.

Một trong những tác phẩm truyện tranh (ehon) tiêu biểu nhất của bà là truyện “Con ma bé xíu” có nhân vật chính là Ma Pi. Đó là một con ma không đáng sợ hay đáng ghét. Ma Pi là một nhân vật đáng yêu thiện lành và thú vị. Nhân vật Ma Pi đã trở thành nhân vật tranh truyện tiêu biểu của Noriko Matsui.

Cuốn sách song ngữ Việt - Nhật “Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” - tác giả Văn Thành Lê, dịch giả Higuchi Hoa.

Yêu Việt Nam từ những điều nhỏ bé

Nữ họa sĩ Noriko Matsui đến Việt Nam khi bà đã là tác giả của hàng chục cuốn sách tranh nổi tiếng cho trẻ em, một chuyên gia sách trẻ em quốc tế. Bà đã có một gia đình hạnh phúc với chồng con đều là trí thức, nghệ sĩ có tiếng. Chính lúc ấy Noriko Matsui bén duyên với Việt Nam. Tình yêu Việt Nam của bà bắt đầu từ những điều nhỏ bé.

Từ món bún chả, nem rán trong bữa ăn trưa khi chị em NXB Kim Đồng đưa bà ra phố. Những năm tháng ấy Hà Nội còn nghèo, quán xá đơn sơ, đồ ăn rẻ mà nguyên vị ngon xưa. Noriko Matsui thích món ăn Việt và còn thích cả áo dài Việt Nam. Biết nỗi niềm của bà, chị em NXB Kim Đồng đã đưa bà đi may đo áo dài. Trong buổi lễ tổng kết khóa học, được mặc tấm áo dài Việt Nam màu xanh cốm, bà sung sướng lắm.

Mùa thu năm 1993, tôi được cơ quan cử đi học tập huấn xuất bản sách cho trẻ em ở Trung tâm Văn hóa châu Á thuộc UNESCO (ACCU) tại Tokyo và có cơ hội gặp lại bà Noriko Matsui... Một buổi chiều sau giờ học, bà Noriko Matsui và một bạn phiên dịch đến đón tôi ở trụ sở ACCU. Kể sao cho xiết niềm vui hội ngộ tại Tokyo buổi chiều thu ấy.

Thuở đó tôi chỉ có một chiếc áo dài duy nhất, đã mặc hôm tổng kết khóa học năm 1991 ở Hà Nội. Năm 1993, đến Tokyo vẫn mặc áo dài ấy. Thời tiết mùa thu ở Nhật hơi lạnh nên tôi mặc thêm áo khoác ngoài. Bà Matsui nhận ra cái áo dài quen, thích lắm.

Bà bảo: “Hơi tiếc hôm nay tôi không mặc áo dài Việt Nam. Lát nữa, khi đi dạo qua một phố thời trang ở Tokyo, em bỏ cái áo khoác ra nhé, để mọi người nhìn thấy áo dài Việt Nam”. Tôi đã chiều theo ý bà Matsui khi đi qua phố thời trang lộng lẫy đó. Thời tiết quả là lạnh, nhưng đi bên bà họa sĩ là thần tượng của mình, lại cảm thấy ấm áp vô cùng. Lòng tôi lâng lâng tự hào đã mang hình ảnh Việt Nam trước những ánh nhìn tò mò của người Nhật Bản ngày ấy.

Sau đó chúng tôi vào một quán ăn ấm áp. Bà Matsui vui vẻ mời khách Việt bữa ăn tối. Tôi nhớ món gà rán có nước sốt rất ngon. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện thân mật. Là người ít ăn thịt nên đến cuối bữa, suất ăn của tôi vẫn còn nửa phần thịt gà. Tôi lúng túng không biết làm thế nào. Bà Matsui vui vẻ lấy tờ giấy ăn bảo tôi gói lại.

Bà nói: “Không sao, tôi sẽ đem về cho con mèo nhà tôi”. Thấy thế, tôi cảm thấy nhẹ lòng và thêm mến phục tính tiết kiệm của bà. Sau này khi nghe tin bà Noriko Matsui chuyển tiền ủng hộ xây dựng trường mầm non ở tỉnh Hòa Bình, tôi bồi hồi nhớ lại bữa ăn hôm ấy. Tôi hiểu bà đã sống rất tiết kiệm, lao động nghệ thuật miệt mài để có tiền ủng hộ việc phát triển văn hóa cho trẻ em Việt Nam.

Hôm nay, đọc cuốn sách “Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” do tác giả Văn Thành Lê chấp bút, tôi muốn cảm ơn tấm lòng của người viết. Văn Thành Lê là người chưa hề được gặp bà Noriko Matsui. Anh đã dày công tìm hiểu các tư liệu, lời kể của các anh chị từng gặp gỡ và làm việc với nhân vật của cuốn sách. Bằng tài năng và tình cảm chân thành anh đã dựng nên được một câu chuyện sống động về một họa sĩ Nhật Bản giỏi giang tâm huyết đầy nghị lực cống hiến vì nghệ thuật cho trẻ em.

Tôi nghĩ rằng cuốn sách “Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” sẽ giúp những bạn trẻ Việt Nam hôm nay đang sửa soạn bước vào đời tìm ra nhiều bài học bổ ích. Sách song ngữ Việt - Nhật còn mang đến cho bạn đọc tiếng Nhật những điều bất ngờ về tình cảm giữa những người bạn Nhật Bản và Việt Nam.

Những tác phẩm Kamishibai của Noriko Matsui có cốt truyện giản dị, nét vẽ ngộ nghĩnh và cách tương tác sinh động khiến cho người thưởng thức được cảm nhận một không gian tưởng tượng bay bổng có triết lý sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện tranh (ehon) tiêu biểu nhất của bà là truyện “Con ma bé xíu” có nhân vật chính là Ma Pi. Đó là một con ma không đáng sợ hay đáng ghét. Ma Pi là một nhân vật đáng yêu thiện lành và thú vị. Nhân vật Ma Pi đã trở thành nhân vật tranh truyện tiêu biểu của Noriko Matsui.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoa-si-noriko-matsui--mot-tinh-yeu-viet-nam-5711599.html