Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn: Cảm hứng bất tận từ Truyện Kiều

Hơn chục năm họa Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng vững chắc với hàng nghìn bức họa đủ chất liệu, góp phần nối dài sức sống của kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Mới đây, Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ nhân dịp anh tổ chức triển lãm Hội họa Truyện Kiều tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

- Giới hội họa vẫn gọi anh là Sơn “Kiều”. Anh còn nhớ cơ duyên đưa mình đến với cảm hứng sáng tạo này?

- Giới hội họa vẫn gọi anh là Sơn “Kiều”. Anh còn nhớ cơ duyên đưa mình đến với cảm hứng sáng tạo này?

- Tôi yêu văn hóa Việt từ bé, văn hóa dân gian thấm vào mình từ những ngày theo bà lên chùa. Bà nội tôi, một người hiền hậu, đã truyền cho tôi cảm nhận về văn hóa một cách tự nhiên. Quê hương Thái Bình của tôi cũng là nơi có nhiều di tích rất đẹp, có chiếu chèo nổi tiếng... Người Thái Bình rất đam mê Kiều, họ vận dụng Kiều trong cuộc sống hằng ngày.

Thời sinh viên, tôi hay vẽ người theo những bài hình họa thông thường, nhưng lúc đó tôi đã luôn nghĩ mình phải tìm tòi cách tạo hình khác thì mới có đường đi riêng, do đó, với các nhân vật tôi thường bóp hình. Lúc đầu, tôi thường vẽ các cô gái và khi xem, mọi người thường bảo tôi vẽ tranh như là Kiều ấy, cứ buồn buồn. Dần dần, tôi gặp được các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu say mê Truyện Kiều và như một nhân duyên, tôi bắt đầu chọn vẽ Kiều từ những năm 2004 - 2005.

- Truyện Kiều có một hệ thống nhân vật rất phong phú. Nhưng từ thơ họa thành tranh thì đó chắc chắn là một thách thức không nhỏ?

- Đúng vậy, tôi mất rất nhiều thời gian để tìm chân dung nhân vật. Có nhân vật tôi phải mất 3 - 4 năm, thậm chí 5 - 6 năm mới tìm ra cách họa ưng ý. Chẳng hạn như nhân vật Mã Giám Sinh, vẻ ngoài thư sinh nhưng lại là kẻ “buôn thịt bán người”, “Quen mối lại kiếm ăn miền nguyệt hoa” thì vẽ thế nào? Truyện Kiều mang đến cho mình gợi ý, còn mình phải chắt lọc từ cuộc sống đương đại, phải tìm thấy hình ảnh các nhân vật trong con người đương đại để mỗi ý là một thông điệp về cuộc đời. Ví dụ, khi vẽ Thúc Sinh, tôi chọn hình ảnh đặc trưng là râu vểnh, râu quặp bởi chúng ta hay nói kẻ sợ vợ là râu quặp. Vẽ mẹ Hoạn Thư thì lấy hình ảnh một người phụ nữ to béo, ghê gớm mà tôi có lần nhìn thấy trên đường...

- Thơ Nguyễn Du là “thi trung hữu họa”, nàng Kiều hiện lên trong tác phẩm có những đường nét tuy ước lệ nhưng cũng rất gợi tả. Trước anh cũng có nhiều họa sĩ đã vẽ Kiều. Vậy mà tôi vẫn thấy nàng Kiều của anh quả thực rất khác biệt!

- Đừng bao giờ tự giam mình trong những khuôn mẫu có sẵn, vì như thế không khác gì cô Kiều bị giam cả. Mỗi người đọc có một nàng Kiều của riêng mình. Tôi phản đối cách vẽ Kiều theo lối minh họa thô thiển, nó không còn phù hợp với hoàn cảnh và nhận thức ngày nay, thậm chí làm thui chột những cảm hứng sáng tạo mà tác phẩm gợi ra. Với tôi, nàng Kiều phải được nhìn ở góc độ rộng và mang tính chất biểu tượng.

Trong các bức vẽ của tôi, Kiều hiện lên với nhiều vẻ khác nhau. Kiều có thể là cô gái bình thường với chân dung hơi hiện thực, một nàng Kiều mang nét đẹp Việt với cái cổ dài, mũi tẹt nhưng ẩn chứa sự thanh cao, sang trọng trong nét giản dị. Nhưng đa phần là nàng Kiều theo phong cách biểu hiện trừu tượng, tôi lấy đàn nguyệt và ánh trăng làm biểu tượng chung cho nàng Kiều. Dù rằng nhiều người vẽ Kiều với cây đàn tì bà nhưng với tôi tiếng đàn nguyệt hợp với Kiều hơn so với các loại nhạc cụ khác bởi trong mỗi lời văn, lời thơ của Nguyễn Du đều thấm đẫm tinh thần Việt.

Một góc triển lãm Hội họa Truyện Kiều.

- Được biết anh có một gia tài đồ sộ với hơn 5.000 bức họa Kiều. Điều anh mong muốn nhất khi họa Kiều là gì?

- Tôi say mê và có nhiều cơ duyên với tác phẩm Truyện Kiều nên dần dần vẽ Kiều trở thành một phần không thể tách rời trong tôi. Chính vì vậy, tôi mong muốn Kiều vẫn tiếp tục tỏa sáng trong hiện tại. Kiệt tác hay di sản cũng sẽ “ngủ quên” nếu chúng ta không đánh thức nó trong hiện tại thông qua các tranh luận, các sáng tạo mới trên nền tảng ấy. Mong muốn của tôi là được thúc đẩy các tranh luận xung quanh kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du.

Tôi đã xem hầu hết các họa sĩ vẽ Kiều và càng xem càng thấy sân chơi của mình còn rộng lắm. Khi có nhiều họa sĩ tham gia, chúng ta sẽ tạo ra một trường phái hội họa là họa Kiều. Đọc Truyện Kiều làm con người ta tử tế hơn và họa Kiều là góp phần truyền bá rộng rãi để bạn bè quốc tế hiểu con người Việt Nam hơn, từ đó văn hóa dân tộc cũng sẽ thăng hoa.

Bên cạnh đó, tôi là một thầy giáo. Muốn dạy các em tìm tòi cách tạo hình mới, táo bạo thì mình phải là người đi tiên phong. Đường cày không thẳng được ngay, nhưng cày mãi ắt sẽ thành đường.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Quang Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/985800/hoa-si-nguyen-tuan-son-cam-hung-bat-tan-tu-truyen-kieu