Họa sĩ Nguyễn Thụ, người vẽ ký họa nổi danh

Nguyễn Thụ là một trong số những họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, có hoạt động tích cực trong thời chiến tranh chống Mỹ từ 1960 đến 1975 và trong thời hòa bình sau 1975…

Vừa qua, buổi triển lãm tranh “Nguyễn Thụ - Hiện thực và trữ tình” đã được tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của họa sĩ Nguyễn Thụ. Dù bước chân đi rất khó khăn nhưng ngay từ sớm, ông đã có mặt tại phòng triển lãm cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Họa sĩ Nguyễn Thụ đã theo học và tốt nghiệp trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam (nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam) từ nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Vì học giỏi, ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Theo chương trình học tập, năm nào thầy trò của trường cũng đi vẽ thực tế từ 2 đến 3 tháng. Ông đi khắp các miền đồng quê, trung du, miền núi, biên giới, hải đảo, thậm chí vào cả chiến trường ác liệt… Cũng từ một trong những chuyến đi vẽ như thế lên Lạng Sơn, họa sĩ Nguyễn Thụ đã yêu và lấy vợ người dân tộc Tày. Ông đã trở đi, trở lại vùng đất này nhiều lần và vì vậy đa số tranh ông vẽ về đề tài miền núi phía Bắc và thấm đẫm vẻ duyên dáng của phụ nữ, nhà sàn, núi non của miền đất biên cương này. Trong thời khắc ác liệt của chiến tranh, họa sĩ Nguyễn Thụ đã tích cực vẽ được vô số ký họa thuộc loại xuất sắc nhất của nghệ thuật ký họa Việt Nam. Với Nguyễn Thụ, đó là các bức: Mưa - lụa, Dân quân - khắc gỗ, Bộ đội đấu vật - khắc gỗ, Ghé qua bản - lụa, Bên bếp lửa - lụa, Sàng sẩy - lụa, Dệt vải - lụa, Trên nhà sàn - lụa…

PGS Họa sĩ Nguyễn Thụ (ngồi giữa, đội mũ) nhận hoa chúc mừng sinh nhật từ các học trò của mình. Ảnh: Bản Sa

PGS Họa sĩ Nguyễn Thụ (ngồi giữa, đội mũ) nhận hoa chúc mừng sinh nhật từ các học trò của mình. Ảnh: Bản Sa

Điều hấp dẫn nhất ở ông là cá tính sáng tạo trong nghệ thuật. Ở họa sĩ Nguyễn Thụ, đó là cách vẽ mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi và Á Đông. Tất cả đường nét, màu sắc, mảng miếng trong ký họa của ông đều giàu chất trang trí mà vẫn xao xuyến hơi thở của cuộc sống. Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển như trang trí của dân tộc. Ông không định tả - kể mà chú trọng vào gợi tả. Cái thần tình ở ông là có khi chỉ vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc. Quê ở miền xuôi nhưng lớn lên ở miền núi, sau này lấy vợ người dân tộc Tày, Nguyễn Thụ thấm đẫm chất núi rừng đầy tình cảm, sâu lắng và uyển chuyển. Khá nhiều bức ký họa xuất sắc được ông chuyển vào tác phẩm một cách đầy hiệu quả như bức Mưa - lụa, hiện trưng bày thường trực trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ký họa cũng mực nho mà tranh lụa cũng mực nho, loang-chảy-nhòe-ướt một cách xuất sắc đến độ lung linh. Đây là bức tranh xuất thần từ ký họa: chủ động trong vẻ ngẫu nhiên, loang nhòe có điều khiển, kiệm màu đến tối thiểu (chỉ có mực nho trên nền lụa) mà lung linh, dung dị. Ký họa của ông rất Việt Nam, mà rõ hơn nữa, đó là một miền núi phía Bắc Việt Nam duyên dáng và trữ tình.

Ngày nay không hiếm người coi ký họa chỉ là việc lấy tài liệu mà trong thời đại ảnh kỹ thuật số của thế kỷ XXI thì việc đó phải chăng không cần thiết nữa? Tất nhiên có những tài năng có thể xây dựng hình tượng trực tiếp thành tác phẩm và có những trường phái như trừu tượng chẳng hạn thì không cần đến ký họa. Nhưng nếu xét đến nghệ thuật hiện thực trong bối cảnh Việt Nam thì quan sát thực tế và ký họa vẫn còn hết sức cần thiết. Hàng năm các lớp ĐH mỹ thuật vẫn dành ra hai tháng để đi vẽ thực tế khắp các miền đất nước.

Một trong những câu trả lời khác là hãy xem và rất nên xem ký họa của Nguyễn Thụ. Từ những ký họa chiến tranh vẽ các o du kích chắc nịch, tay cầm khẩu súng đến các bức tranh lụa mượt mà, đằm thắm miền sơn cước đều đã nằm trong bộ sưu tập ở trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn tranh lụa Nguyễn Thụ lớn đến độ, du khách mê tranh đã đặt chân tới Hà Nội đều tìm đến nhà ông. Không riêng gì tranh lụa mà nhiều loại tranh khác của ông cũng được các vị khách săn tìm. Có du khách người Pháp lặn lội đến nhà Nguyễn Thụ chỉ để lục tìm trong đống tranh bụi bặm, cất giữ trên nóc tủ suốt bao năm 100 bức ký họa thời chiến.

Để tổng kết chặng đường sáng tạo của mình, họa sĩ Nguyễn Thụ đã tổ chức cuộc triển lãm cá nhân theo kiểu triển lãm hồi cố, tập hợp các chặng đường nhà nghề. Triển lãm đã được giới chuyên môn hoan nghênh nhiệt liệt. Các tác phẩm lớn của họ đẹp như những trang nhật ký tràn đầy tình yêu cuộc sống, trải dài theo mọi miền đất nước, theo những bước chân họ đã đi. Ký họa của Nguyễn Thụ đã để lại những dấu ấn không phai mờ của một thời ký họa Việt Nam.

Giờ đây, dù đã là một họa sỹ thành danh và sức khỏe cũng đi xuống nhiều nhưng nhớ lời thầy Tô Ngọc Vân dạy “Người họa sỹ một ngày không cầm bút coi như đã bỏ nghề” do vậy ông vẫn vẽ thường xuyên và chưa bao giờ ngừng sáng tạo. Chính bởi lòng yêu nghề, say mê hội họa, họa sỹ Nguyễn Thụ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-si-nguyen-thu-nguoi-ve-ky-hoa-noi-danh-130344.html