Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên: Một đời say đắm với sơn mài

Không cố tỏ ra dị thường, gai góc, Nguyễn Đình Tuyên và hội họa của anh cứ thản nhiên như vốn thế và phải thế. Với họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên, tìm ra cái đẹp trong những thứ gần gũi quen thuộc là điều không hề đơn giản.

Chỉ chuyên tâm vào vẽ

Được biết đến như họa sĩ chuyên vẽ sơn mài, Nguyễn Đình Tuyên (sinh năm 1968 tại Hà Nội) bắt đầu thích vẽ từ những ngày còn nhỏ. Trong gia đình có cậu ruột là họa sĩ Phạm Công Thành, từ khi lên 6, 7 tuổi Đình Tuyên đã được cậu dạy vẽ, rồi lớn hơn chút thì được học mỹ thuật ở Cung Thiếu nhi.

Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên

Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên

Con đường nghệ thuật dường như đã được vạch sẵn trong cuộc đời của Đình Tuyên, bởi ngay từ nhỏ anh đã ý thức rằng sau này mình sẽ trở thành họa sĩ. Học Khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 1986 đến 1991, ra trường, Nguyễn Đình Tuyên làm đến hàng chục nghề khác nhau để kiếm sống. Lương thấp, công việc buồn tẻ, nhưng trên hết anh luôn cảm thấy đó không phải cuộc sống của mình. Anh quyết định từ bỏ hết để chỉ chuyên tâm vào vẽ.

Ban đầu là tranh lụa. Thời gian này Nguyễn Đình Tuyên tập trung vẽ trên chất liệu lụa và bán được khá nhiều, tự nuôi sống được bản thân. Rồi chẳng biết tự lúc nào, sơn mài đã trở lại với anh như chất liệu đầy mê dụ. “Sơn mài có nhiều điểm để khai phá, tôi thấy chỉ cần đi sâu khai thác nó cũng là quá đủ cho một đời nghệ sĩ”, Đình Tuyên nói. Và thế là hàng ngày anh mải miết bên vóc, bên sơn, tìm cách đi cho riêng mình với chất liệu truyền thống này.

Tác phẩm "Hoa quả với pho tượng"

So với sơn dầu thì sơn mài đơn giản hơn về sắc độ và sắc thái biểu cảm, nhưng Nguyễn Đình Tuyên hiểu rằng đây vừa là thách thức vừa là điều vô cùng thú vị, bởi nếu thật tinh tế vẫn có thể tìm ra giải pháp, thậm chí ưu thế hóa chính hạn chế này của sơn mài. Bên cạnh đó, sơn mài cũng có nhiều lợi thế so với các chất liệu khác.

Vẻ đẹp sang trọng, huyền bí, vừa thâm trầm vừa lộng lẫy của nó nếu biết khai thác, có thể gợi tả vẻ mênh mông hoành tráng của thiên nhiên, vẻ đằm thắm trầm lắng của tĩnh vật, vẻ rực rỡ xôn xao của hoa lá và vô vàn cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người.

Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên đã “lắng nghe” sơn mài để hiểu được những trầm tích trong đó. Anh muốn đưa vào bức tranh tất cả vẻ lấp lánh của thứ chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, đồng thời muốn tận dụng chính sự bí ẩn của nó để tạo ra những vẻ đẹp ẩn giấu cho tác phẩm.

Gắn bó với sơn mài

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy trong tranh sơn mài của Đình Tuyên là anh hay sử dụng màu nguyên bản. Những bức phong cảnh hùng vĩ như “Sắc thu”, “Trăng ở Tây Côn Lĩnh”, những khung cảnh tràn ngập hoa lá như trong tác phẩm “Yên lành”, “Những bụi hoa”, “Khu vườn đỏ”, những bức tĩnh vật như “Hoa quả với pho tượng”, “Hoa quả vườn nhà”… đều sử dụng những màu xanh, lục, vàng, đỏ nguyên bản, kết hợp với nhau, tìm đến sự hài hòa và tương phản với nhau nhưng rốt cục đều nhằm gây ấn tượng mạnh về thị giác.

Một mặt Nguyễn Đình Tuyên muốn khai thác thế mạnh của chất liệu như tính ước lệ độc đáo rất phương Đông của sơn mài, mặt khác anh lại muốn lạ hóa bằng cách tạo ra những hòa sắc tươi mới, rạo rực, hiện đại. Như tác phẩm “Một ngày ở Phù Lãng” (đoạt Huy chương đồng trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2000), chỉ với một vài gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, nâu, họa sĩ vẫn khắc họa được một không gian có chiều sâu của làng nghề Phù Lãng.

Tác phẩm "Một ngày ở Phù Lãng"

Hay như tác phẩm “Phong cảnh Cao Bằng” (đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996), thay vì vẽ nền trời màu xanh dương, núi màu xanh lá cây, người họa sĩ lại dùng màu đỏ. Ruộng lúa, thung lũng, rặng tre, con ngựa, tất cả đắm vào trong màu đỏ của bầu trời hòa lẫn với núi. Nhưng trong sắc đỏ đó, vẫn có những mảng màu diễn tả sương khói mông lung, gợi ra một khung cảnh Cao Bằng lãng mạn và nhiều cảm xúc. “Chính nó, những nét cảm xúc, là thứ mà tôi kiếm tìm, bởi nếu thiếu nó, kĩ thuật và mọi vấn đề khác trở nên vô nghĩa”, Đình Tuyên chia sẻ.

Trên cơ sở triển khai lối vẽ sơn mài truyền thống, Nguyễn Đình Tuyên vẫn tìm được phong cách riêng cho mình khi đẩy những vệt màu nguyên bản lên trong một sự kết hợp mang hơi hướng đương đại. Có thể nói, sơn mài của Nguyễn Đình Tuyên là một sự gợi ý tinh tế, một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng từ lối vẽ truyền thống sang lối vẽ hiện đại. Không phá cách, không nổi loạn, hội họa của anh làm được cái điều không hề dễ: trên nền kĩ thuật cao, đẩy nhẹ lối vẽ truyền thống sang khuynh hướng hiện đại.

Sơn mài Nguyễn Đình Tuyên nằm ở đó, trên lằn ranh của hai khuynh hướng, hai giai đoạn, hai cuộc hành trình. Anh tìm thấy mình trong sự mong manh đó. Bởi anh quan niệm, giống như một bản nhạc người ta có thể chơi đến hàng ngàn vạn lần, nhưng mỗi nghệ sĩ cần tạo ra một sắc thái riêng cho bản nhạc duy nhất mà anh ta trình diễn trong đêm lễ hội.

Nguyễn Đình Tuyên cũng vậy, trong đêm lễ hội của đời mình, anh chọn tìm ra những vẻ đẹp lấp lánh ẩn giấu trong một khuôn hình quen thuộc. Vẻ đẹp đó dẫu mong manh, nhưng nó là thứ vô cùng cần thiết, giống như sơn mài không quá phong phú về sắc thái biểu hiện nhưng chính vì thế nó cần một sự bứt phá khác. Và người họa sĩ đã kiên định với con đường của mình: tìm ra cái đẹp trong cái gần gũi, tìm ra sự đa dạng, biến hóa trong cái tưởng như tẻ nhạt, nghèo nàn.

Như thế cũng có nghĩa là, chính sơn mài đã giúp Nguyễn Đình Tuyên nhận ra được những vẻ đẹp ẩn giấu phong phú của đời sống. Chính nó, với những lớp trầm tích huyền diệu, đã gợi ra nhiều điều hơn chúng ta vẫn tưởng. Và với Nguyễn Đình Tuyên, sơn mài quá đủ cho một họa sĩ đắm mình cả đời với nó. Còn nghệ thuật, từ lúc mới chỉ là cậu bé con cho đến tận bây giờ, anh luôn coi đó chính là cuộc sống của mình. Người họa sĩ nói một cách giản dị về nó: “Nghệ thuật, như là cuộc sống, là hơi thở”.

Đăng Tiêu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/hoa-si-nguyen-dinh-tuyen-mot-doi-say-dam-voi-son-mai/797370.antd