Họa sĩ Lưu Yên Thế: Thành công từ tấm lòng yêu kính Bác Hồ!

Dù đang mang trọng bệnh, nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế chưa bao giờ ngừng tay cọ và tiếp tục gặt hái thành công với tranh cổ động.

Mặc dù đang phải điều trị căn bệnh ung thư nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Mặc dù đang phải điều trị căn bệnh ung thư nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Mới đây, ông đã có hai tác phẩm giành giải Ba của Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn câu chuyện về 2 bức tranh vừa xuất sắc “ẵm” giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Tác phẩm “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được họa sĩ Lưu Yên Thế vẽ trong lúc mắc trọng bệnh.

- Trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2020), tôi gửi bốn tác phẩm dự thi, trong đó có hai tác phẩm được giải Ba là: “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” và “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua các tác phẩm, tôi muốn thể hiện lòng kính yêu của dân tộc Việt Nam đối với Bác và truyền tải nguyện vọng của nhân dân, cũng là mong muốn của Bác. Đấy là nguyện vọng toàn dân đoàn kết, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc vận động này đang lan tỏa rộng rãi được mọi người cùng nhau thực hiện, trong đó có tôi. Do vậy, dù mang trọng bệnh, tôi vẫn không ngừng tay cọ để cống hiến những tác phẩm cho đời sống xã hội. Tấm gương suốt đời hi sinh cho dân tộc, cho đất nước của Bác luôn soi sáng, động viên, cổ vũ tôi vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tác phẩm.

- Vậy lần đầu tiên ông vẽ tranh cổ động về Bác Hồ là khi nào?

- Lần đầu tiên, tôi vẽ Bác Hồ là năm 1969, khi Người vừa qua đời. Khi ấy tôi còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi và đang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng. Lúc đó, tôi đang đi công tác ở cơ sở thì được Phòng Văn hóa gọi về giao cho vẽ một bức chân dung về Bác Hồ khổ lớn (3,6 x 2,4m) để treo trên nóc nhà thư viện huyện, bên đường quốc lộ 32.

Đây là lần đầu tiên tôi vẽ chân dung Bác Hồ với khuôn khổ lớn như vậy.

Tôi vẫn còn nhớ như in hôm đó trời mưa tầm tã, cơ quan phải dẹp bàn ghế nhà ăn của huyện để lấy chỗ vẽ. Lúc ấy, tay nghề còn non, nên để vẽ bức tranh to như vậy quả là một thử thách đối với tôi. Nhưng lòng kính yêu và thương nhớ Bác vô hạn đã giúp tôi vượt lên chính mình để hoàn thành bức tranh trong vòng 3 ngày. Và cũng thật vui khi bức tranh “trình làng” đã được mọi người nhiệt tình đón nhận. Thời kỳ này, ở một huyện ngoại thành mà có một bức tranh về Bác Hồ lớn như vậy cũng là hiếm.

- Tính đến nay, ông đã có bao nhiêu tác phẩm vẽ về Bác Hồ? Trong đó, ông tâm đắc nhất tác phẩm nào?

- Cho đến nay, tôi đã vẽ hàng chục tác phẩm về Bác Hồ kính yêu, trong đó có những tác phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và bản thân tôi cũng thấy rất tâm đắc khi mỗi tác phẩm đều gửi gắm tâm tư tình cảm của tôi đối với Người. Cách đây 5 năm, tôi đã hoàn thành tác phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tác phẩm thể hiện ba em bé đại diện cho cả nước đang vui mừng hân hoan trong ngày đại thắng, phía trên là Bác Hồ kính yêu tươi cười, vẫy tay dưới lá quốc kỳ và cờ giải phóng.

Trong niềm vui chung của cả nước, mọi người luôn ghi nhớ công ơn của Bác Hồ và tưởng như được thấy Bác trong ngày vui đại thắng. Cũng từ đây, tôi muốn gửi gắm thông điệp nhân dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi di chúc của Bác Hồ: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã đoạt giải Nhì trong Cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Bức tranh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam.

Họa sĩ Lưu Yên Thế sinh năm 1947 tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ông là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng (1967 - 1970) và Ty Văn hóa Thông tin Hà Tây (1970 - 2007). Trong suốt hơn 50 năm cầm cọ vẽ tranh cổ động – một công việc của niềm đam mê để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, họa sĩ Lưu Yên Thế đặc biệt nâng niu những tác phẩm vẽ về Bác Hồ. Đó là những: “Vâng lời Bác dạy, cháu gắng chăm ngoan”, “Vì nhân dân quên mình”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, “Tên người là cả một niềm thơ...”.

- Theo ông, vẽ tranh về Bác Hồ có gì dễ, có gì khó? Ông vẽ theo hình dung trong tâm tưởng hay từ cảm xúc được trực tiếp gặp Người?

- Bác Hồ là một người vĩ đại mà cũng vô cùng giản dị, gần gũi. Tuy chưa lần nào được vinh dự gặp Bác, nhưng qua phim ảnh, sách báo, hình ảnh Bác luôn in đậm trong trái tim tôi. Hình ảnh Bác Hồ quá đỗi thân thương, song để thể hiện lên tranh quả thực không dễ. Vẽ Bác Hồ, ngoài yếu tố giống về hình dáng bên ngoài, họa sĩ còn cần phải thể hiện được tinh thần, tình cảm của Bác. Những điều đó đòi hỏi người họa sĩ phải có một tấm lòng yêu thương kính trọng Bác thật sự thì tác phẩm mới thành công.

Mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác hoặc những sự kiện lớn của đất nước, tôi đều tham gia vẽ tranh cổ động. Trong các tác phẩm của tôi thường có hình tượng Bác Hồ. Qua tác phẩm của mình, tôi muốn thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn trước biết bao công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó cổ vũ toàn dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ để bảo vệ vững chắc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp phồn vinh.

“Tấm gương suốt đời hi sinh cho dân tộc, cho đất nước của Bác Hồ luôn soi sáng, động viên, cổ vũ tôi vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tác phẩm”. Họa sĩ Lưu Yên Thế

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/hoa-si-luu-yen-the-thanh-cong-tu-tam-long-yeu-kinh-bac-ho-20200518161017436.html