Họa sĩ Lê Trí Dũng và duyên nợ tranh con giáp

Nhiều năm qua, trên các giai phẩm báo Tết, bạn đọc khá quen thuộc với các bức tranh trang bìa về 12 con giáp của mỗi năm,qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Lê Trí Dũng.

Năm nay Xuân Kỷ Hợi 2019 cũng vậy, dù bận rộn khá nhiều công việc, nhưng họa sĩ Lê Trí Dũng đã dành không ít thời gian để sáng tác các bức tranh lợn mang đậm sắc màu dân gian, ấm áp, vui nhộn…

Họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 trong một gia đình làm nghệ thuật. Cha là họa sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Quốc Lộc. Năm 1971, ông nhập ngũ, vào lính tăng thiết giáp, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Năm 1977, ông xuất ngũ, công tác tại xưởng Mỹ thuật Quốc gia, dạy học trong nhiều năm, cộng tác minh họa cho nhiều tờ báo, liên tục tham gia triển lãm, thành công với đề tài vẽ ngựa, sen và 12 con giáp.

Họa sĩ Lê Trí Dũng (trai) và tác giả bài viết tại"Hội thảo quốc gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc"

Họa sĩ Lê Trí Dũng (trai) và tác giả bài viết tại"Hội thảo quốc gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc"

Tôi tình cờ gặp và làm quen với họa sĩ Lê Trí Dũng tại "Hội thảo quốc gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc" do Tạp chí Văn Hiến VN tổ chức vào dịp gần đây. Ông cho biết, nghề vẽ với ông là nghiệp kiếm cơm, lối mưu sinh bắt buộc chứ chả có con đường nào cả. Chính từ những rèn luyện thời thơ ấu đã giúp ông rất nhiều trong sinh kế thời bao cấp sau này. Tuy nhiên, trong toàn bộ cuộc vật lộn tranh pháo ấy, có lẽ vẽ con giáp là giây phút sung sướng nhất! Ngày xưa vẽ con Giáp chỉ để tặng. Giống như hồi 10 tuổi, khi đến trường, toàn phải mang theo nhưng ảnh tranh Quan Công, Trương Phi… để đổi lấy những đồng hào cái, những đồng xèng, những hòn bi ve để đánh đáo chơi khăng... Họa sĩ Lê Trí Dũng cũng tiết lộ, một trong những ảnh hưởng sâu sắc của ông trong việc vẽ con vật là từ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Bởi vì, ông Nghiêm ở sát vách nhà họa sĩ Lê Trí Dũng. Hồi nhỏ, ngày nào Dũng cũng thích sang xem họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ con giáp.

Thời gian gần đây, ngoài hội họa, Lê Trí Dũng còn say mê viết văn. Ông đã hoàn thành 4 tập tản văn "Những hòn cuội nhặt dọc đường" được dư luận đánh giá cao. Theo ông, đó là những trải nghiệm câu chữ mà ông rất muốn thử nghiệm ngoài những lúc vung bút lên trên toan màu.

Nói chuyện về tranh vẽ đề tài 12 con giáp, họa sĩ Lê Trí Dũng cho rằng: "Mười hai con giáp, vòng vận hành của Thập nhị chi, tại sao lại bắt đầu bằng con chuột bé tí, và kết thúc lại bằng con lợn ủn ỉn? Tại sao lại vắng bóng nhiều con vật dũng mãnh?... Vẫn là một điều bí ẩn của nhân loại! Thật ra, với tư cách một người nghiên cứu Thần học, tôi vẫn thấy người xưa thật uyên bác, vì thế, chấp nhận là thái độ khôn ngoan của người nay! Sống trong một thế giới đầy rẫy phức tạp của "hỷ, nộ, ái, ố" của chứng khoán, của internet, của lên đồng, của bỏ bùa, của người thi tuyển để bay vào vũ trụ hoặc mong lên sao hỏa sống… thì sự hướng thiện, mơ ước một cuộc sống an bình, an toàn, an vui, an nhiên… là một mơ ước chính đáng".

Dù vậy, họa sĩ Lê Trí Dũng thích nhất là vẽ ngựa. Đến nay, gia tài của ông có chừng 3.000 bức tranh ngựa. Ông vẽ ngựa trên nhiều chất liệu nhưng phần đa là trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, trong sổ tay, bút nhũ trên bìa đen, thậm chí trên bìa các-tông, mọi lúc, mọi nơi như thể chỉ sợ chậm một tí, cái "thần khí" trong tranh sẽ mất. Tuy nhiên, ở những con vật khác lại là những câu chuyện khác.

Ông nói: "Trong 12 con giáp, dưới góc nhìn hội họa, có bốn con khó vẽ nhất, đó là: con chuột, con rắn, con khỉ, và con dê. Khó thứ nhất vì hình thể nó không đẹp, thứ hai vì ý nghĩa đời sống không lành. Đến những năm này ít họa sĩ vẽ chúng! Ban đầu tôi nghĩ vậy nhưng bắt tay vào thì "ý mẹ đẻ ý con", luôn nảy ra ý tưởng mới…". Ở những mùa xuân năm Tuất, Lê Trí Dũng vẫn vẽ vài bức tranh chó, với tâm niệm "Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang".

Con chó trong nét vẽ của ông cũng sẽ có những nét khác lạ, bởi vì con chó với ông là con vật dễ thương gần gũi thân thiết nhất trong các loài động vật với con người.

Về hình tượng con lợn trong năm nay họa sĩ Lê Trí Dũng cho rằng: "Lợn là một con vật rất hay, biểu trưng cho sự sung túc mùa màng bội thu, kinh tế phát triển, sức khỏe dồi dào, con đàn cháu đống…Vì thế tôi rất hào hứng vẽ. Và để không lặp lại hình tượng chó của năm 2018, đồng thời kết hợp với vốn cổ dân gian hàng trăm năm của tổ tiên ta, tôi đã phát huy vốn cổ từ tranh dân gian Đông Hồ, từ những bức tranh thấm sâu trong tiềm thức bao đời như những bức: Lợn đàn, Lợn ăn cây giáy, Lợn nái… với gam màu đặc trưng của lễ hội: đỏ, vàng, xanh, tím… Nhưng tôi kết hợp với một số mô típ hiện đại nhưng những họa tiết nhỏ gợi các bộ phận của cơ thể con lợn: tai, mõm, đuôi, móng… cho nổi bật các yếu tạo hình hiện đại".

Tạp chí Non Nước là một trong những ấn phẩm văn nghệ, thường xuyên giới thiệu tranh con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng mỗi dịp xuân về. Cầm những tờ báo xuân vừa mới xuất xưởng in trên tay, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Tổng biên tập tạp chí Non Nước, chia sẻ với chúng tôi: "Nét độc đáo của tết cổ truyền Việt Nam là mỗi năm đều có một con vật làm đại diện, thường gọi là con Giáp. Các họa sĩ nước ta thường chọn các con vật hằng năm để tạo thành tác phẩm nghệ thuật của mình, đồng thời vẽ con giáp cũng là cách họa sĩ chào xuân, vui tết. Những năm qua Hội Mỹ thuật Đà Nẵng trước tết hằng năm đều tổ chức triển lãm các bức tranh "con giáp" rất thú vị. Một trong những họa sĩ vẽ con giáp đều đặn, say mê và tài hoa là họa sĩ Lê Trí Dũng. Do đó, liên tục trong những năm vừa qua tôi thường mời họa sĩ Lê Trí Dũng làm bìa "con giáp" cho tạp chí Non Nước. Đặc biệt, ở bìa tạp chí Non Nước xuân Kỷ Hợi được họa sĩ Lê Trí Dũng trình bày đẹp, vừa đậm chất truyền thống vừa toát được sự sung túc, an lành, thịnh vượng của mùa xuân mới. Trên sở cách thể hiện Tranh Lợn của dòng tranh Đông Hồ, họa sĩ Lê Trí Dũng qua những nét vẽ thanh thoát đã hiện diện trước mắt ta một "nàng" heo mẹ cùng các con quấn quít bên nhau. Bức tranh bìa tạp chí Non Nước năm nay muốn gửi đến bạn đọc lời chúc sum vầy, no ấm, an vui và thịnh vượng. Đáng chú ý, bức tranh bìa Non Nước năm nay đậm "cá tính Quảng", không lẫn lộn với vùng miền khác, vì đàn heo trong tranh đang vui chơi dưới chân núi Ngũ Hành Sơn cùng vòm hoa Mai vàng rực mùa xuân miền Trung".

TRẦN TRUNG SÁNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/hoa-si-le-tri-dung-va-duyen-no-tranh-con-giap-20190202115338173.htm