Họa sĩ Lê Phong Linh rớt nước mắt trong phiên xử 'Thần đồng đất Việt'

Sáng 25.1, TAND Q.1 (TP.HCM) tiếp tục xét xử sở thẩm vụ kiện về tác quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt với phần hỏi đáp sôi nổi giữa các bên tham gia tố tụng, thậm chí nước mắt bên nguyên đơn đã rơi.

Ông Lê Linh tiếp tục cung cấp các bằng chứng tại tòa - Ảnh: ẢNH: QUỲNH TRÂN

Dưới sự chủ tọa của thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, HĐXX dành gần 2 tiếng đồng hồ để lắng nghe những câu hỏi và trả lời của nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh), bị đơn là Công ty Truyền thông Giáo dục - Giải trí Phan Thị và giám đốc - bà Phan Thị Mỹ Hạnh do GS.TS Luật Nguyễn Vân Nam làm đại diện.

Nối tiếp diễn biến phiên xử sáng qua 24.1, chủ tọa phiên tòa đưa ra tập truyện tranh Thần đồng đất Việt số 24 kể khá chi tiết công khai về quy trình sản xuất và trách nhiệm của từng người tham gia bộ truyện thiếu nhi rất được độc giả yêu thích này, trong đó phần tranh và lời do ông Lê Linh đứng tên. Tuy nhiên, luật sư của Phan Thị lại cho rằng đây chỉ là chuyện nhằm để… lăng xê và xây dựng hình ảnh cho họa sĩ Lê Linh chứ thực chất không đúng bản chất như thế. “Chúng tôi kinh doanh đúng luật pháp nhưng không vì thế mà nói đúng sự thật để nhằm ngăn ngừa các đối thủ khác sử dụng quy trình kinh doanh của mình và có quyền đưa ra thông tin sai như thế để đối thủ cạnh tranh không thể sử dụng”, luật sư Nguyễn Vân Nam phản bác.

HĐXX do thẩm phán Nguyễn Quang Huynh làm chủ tọa

Luật sư Nguyễn Vân Nam và cộng sự chuẩn bị các chứng cứ pháp lý

Luật sư bên nguyên đơn cũng chu đáo không kém

Phiên tòa diễn ra căng thẳng và nhiều kịch tính

Họa sĩ Lê Linh nộp thêm các bằng chứng mới

Ông Nam tiếp: “Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung không có quy định nào công nhận tác giả là người có tên ghi trên tác phẩm. Luật SHTT Việt Nam, khác với quy định quốc tế của Công ước Berne, cũng không có quy định suy đoán là tác giả. Do đó việc ông Linh được Công ty Phan Thị ghi trên tập truyện 24 của Thần đồng đất Việt là “Tranh và truyện: Họa sĩ Lê Linh” (Với chủ ý phần tranh và truyện do Lê Linh phụ trách) cũng không phải là bằng chứng chứng tỏ hay công nhận ông Linh là tác giả”.

Ông Lê Linh trình bày: “Thưa HĐXX, ở tập 24 này có nêu 6 quy trình gồm: soạn kịch bản, phác họa sơ đồ, đồ lột tả các điểm nhấn… sau khi xong tôi mới đưa cho bà Mỹ Hạnh xem, rồi mọi người cùng góp ý, sau đó khi thấy điểm nào hợp lý tôi mới tiến hành sửa để hoàn thiện. Lúc bà Hạnh đưa văn bản biểu tôi ký gửi Cục Bản quyền tác giả để xin cấp giấy chứng nhận thì tôi ký theo ý bà Hạnh là đồng sở hữu chứ không có nội dung nào là đồng tác giả ghi trên đó. Là người sáng tác và vẽ bộ tranh, tôi rất coi trọng quyền tác giả của mình nên mỗi khi cuốn sách nào đi in tôi đều xem tên tác giả Lê Linh đã ghi đúng chưa. Nếu bà Hạnh cho rằng bà là đồng tác giả thì tại sao 78 tập đã xuất bản chỉ có ghi tên của một mình tôi”.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Vân Nam trong 2 phiên xử đều nhiều lần đưa ra văn bản có chữ ký của ông Linh và bà Hạnh gửi Cục Bản quyền tác giả được ký trong trạng thái hoàn toàn bình thường để cho rằng chính ông Linh mới là người gây ra xáo trộn mọi việc: “Ông Linh phải tôn trọng cam kết của mình là đồng tác giả, nếu văn bản này chưa bị tòa hoặc cơ quan chức năng nào của VN tuyên bố không còn hiệu lực thì ông Linh vẫn chưa thể giải phóng được những cam kết của mình”, luật sư Nam khẳng định.

Đại diện cho nguyên đơn, luật sư Trương Thị Thu Hồng đứng bật dậy hỏi ông Nam: “Trong bộ hồ sơ nộp cho Cục Bản quyền tác giả gồm có những tài liệu nào?”.

Ông Nam đáp: "Tôi không trả lời câu hỏi này".

Bà Hồng: "Việc nộp hồ sơ ra Cục Bản quyền tác giả để xin công nhận là do Phan Thị thực hiện hay ủy quyền thông qua công ty trung gian để thực hiện?"

Đáp: "Tôi biết rõ điều đó nhưng ngoài yêu cầu và ngoài nghĩa vụ chứng minh nên tôi không trả lời".

Mọi việc bị đẩy lên đến đỉnh điểm ở phần hỏi đáp khi luật sư Nam yêu cầu chủ tọa Nguyễn Quang Huynh giải thích giúp câu hỏi của ông để luật sư bên nguyên đơn trả lời và chủ tọa đã nghiêm giọng: “Đề nghị luật sư Nam phải tôn trọng HĐXX, tòa không có nhiệm vụ phải giải thích câu hỏi của bên đặt ra câu hỏi. Luật sư bên nguyên đơn phải lắng nghe bên hỏi và trả lời, nếu không thì nói rõ là không trả lời và tôi đề nghị ông Nam ngồi xuống”.

Phiên tòa trở nên căng thẳng khi các bên tiếp tục đưa ra những luận cứ đanh thép. Luật sư Nam cho rằng: “Tranh chấp quyền tác giả giữa nguyên đơn và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, thực chất là tranh chấp quyền tác giả có mục đích lợi nhuận. Nguyên đơn là nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động với Công ty Phan Thị của bà Hạnh, có nhiệm vụ vẽ minh họa các hình ảnh. Việc ký kết hợp đồng lao động với nhiệm vụ cụ thể như vậy, đã xác định mục đích của bà Hạnh là được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, có thể xuất hiện trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ của nguyên đơn, để kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận cho công ty của mình. Nói một cách khác, nếu không nhằm mục đích sử dụng quyền tác giả để kiếm lợi nhuận, thì cũng không thể xuất hiện quyền tác giả đang tranh chấp”.

Còn phía luật sư nguyên đơn lại bác bỏ: “Với nội dung xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm, không đồng nghĩa là khi tác phẩm được hoàn thành thì ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả vì 2 người được giao nhiệm vụ nhưng vẫn có trường hợp chỉ có 1 người thực hiện, người kia thì không. Và thực tế cho thấy, chỉ có ông Linh là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, còn bà Hạnh chỉ góp ý, hỗ trợ thì không được công nhận là tác giả. Đáng lẽ Cục Bản quyền tác giả phải phát hiện ra sự việc này khi xem xét hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho Phan Thị. Có thể Cục Bản quyền đã sai sót khi chưa xem xét kỹ hồ sơ đã chấp nhận cấp Giấy chứng nhận cho Công ty Phan Thị và ghi nhận ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả. Điều này có thể lý giải là do Phan Thị nộp hồ sơ đăng ký, trong đó có Đơn đăng ký bản quyền tác giả và văn bản đứng tên Công ty Phan Thị gửi Cục Bản quyền ngày 29.3.2002 đã kê khai tác giả của tác phẩm là ông Linh và bà Hạnh, vì thế Cục Bản quyền mới ghi nhận ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả. Vì quyền đứng tên tác giả của tác phẩm là quyền nhân thân nên theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật SHTT thì quyền nhân thân không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, nếu Nguyên đơn có công nhận, đồng ý chia sẻ cho Bà Hạnh toàn bộ hay một phần quyền nhân thân của mình trong việc sáng tạo 4 hình tượng nhân vật thì pháp luật cũng không cho phép”.

Đại diện Viện KSND Q.1 cũng tiến hành đề nghị họa sĩ Lê Linh và phía bị đơn cung cấp thêm những chứng cứ về các quY trình sản xuất các bộ truyện cùng những văn bản duyệt những hình tượng của ông Linh: "Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo" trước khi đi in nhưng ông Linh cho biết tất cả đều do mình tự làm và Phan Thị chỉ đạo bằng lệnh miệng. Còn phía đại diện Phan Thị, luật sư Nam nói: “Hạnh đã sáng tạo các nhân vật của Thần đồng đất Việt trên cơ sở cấu trúc nhân vật theo trường phái Nhật, với những đường nét mang đậm tính dân gian Việt Nam thể hiện được tính cách tinh nghịch đồng thời thân thiện bạn bè với thiếu nhi Việt Nam. Có thể nói, tính sáng tạo, sự độc đáo về đường nét trong hình vẽ 4 nhân vật mang dấu ấn đặc trưng của cá nhân bà Hạnh. Hình ảnh 4 nhân vật “Sửu Ẹo”, “Trạng Tí”, “Cả Mẹo”, “Dần Béo” đã định hình rõ ràng trong trí óc của bà Phan Thị Mỹ Hạnh và ông Linh chỉ là người được bà Hạnh cầm tay chỉ việc để vẽ”.

Đại diện Viện KSND Q.1 TP.HCM tại phiên tòa sáng 25.1

Luật sư bên bị đơn phản bác các yêu cầu của nguyên đơn đặt ra

Quá vất vả vì 12 năm theo đuổi vụ kiện, ông Lê Linh đã khóc trước HĐXX

Chủ tọa đề nghị ông ngồi xuống và đè nén cảm xúc

Nói lời cuối trong phiên xử sáng 25.1, họa sĩ Lê Linh đã bật khóc trước tòa vì những uất nghẹn gần 12 năm ròng rã đeo đuổi vụ kiện khi ông cho rằng tác phẩm từ tập 79 trở đi là sự xâm phạm, đã biến thể đứa con tinh thần mà ông “rứt ruột” đẻ ra. “Việc vẽ một bộ truyện tranh nổi tiếng như Thần đồng đất Việt là sự sáng tạo của chất xám và trí tuệ của một họa sĩ nhưng luật sư phía bị đơn lại so sánh tôi như một người chép giùm lại bài thơ cho một nhà thơ mù để cho rằng mình là tác giả là không thể chấp nhận và không phải muốn nói gì thì nói…”, ông Linh đứng khóc ngay tại tòa, buộc chủ tọa phải đề nghị ông Linh đè nén cảm xúc và ngồi xuống.

Sau thời gian tạm nghỉ 5 phút, tòa tuyên bố tạm nghỉ và sẽ xét xử lại vào ngày 1.2 tới.

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hoa-si-le-phong-linh-rot-nuoc-mat-trong-phien-xu-than-dong-dat-viet-1046957.html