Họa sĩ Lê Kinh Tài: Từ bức tranh vẽ hỏng đến gia tài trăm tỷ

Mới đây, họa sĩ Lê Kinh Tài đã tổ chức triển lãm tại VCCA (72A Nguyễn Trãi, Hà Nội), giới thiệu 39 tác phẩm hội họa, đa số tranh đều có giá bán tiền tỷ. 'Lần đầu tiên, Việt Nam có triển lãm cá nhân bán tranh giá hơn 100 tỷ đồng' - Đó là thông tin được báo chí khai thác suốt cuộc triển lãm. Vậy Lê Kinh Tài là ai và tranh của họa sĩ này có gì đặc biệt?

Họa sĩ Lê Kinh Tài. Ảnh: TL

Họa sĩ Lê Kinh Tài. Ảnh: TL

Lê Kinh Tài là ai?

Gặp họa sĩ Lê Kinh Tài, có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi đối diện “dung nhan” hơi giống… dân buôn với cái đầu trọc lóc, cặp mắt lanh lợi. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1997, Lê Kinh Tài từng thôi vẽ tranh trong vài năm để lao vào công việc design graphic, quảng cáo. Cuộc sống dần ổn định về kinh tế, dư ra chút vốn liếng, anh bắt đầu đổ dồn vào tranh. Trong nền mỹ thuật đương đại, họa sĩ Lê Kinh Tài là một trong những hiện tượng đặc biệt với phong cách gây nhiều tranh cãi. Sự đón nhận của công chúng luôn ở thái cực hoàn toàn đối lập.

Chia sẻ về con đường đến với ngành mỹ thuật, họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết: “Cách đây hơn 30 năm, ở tuổi 17, tôi cứ tưởng mình đã trưởng thành. Tôi bắt đầu ít nghe lời ba mẹ hơn. Ba muốn tôi thi đại học ngành kinh tế tài chính với hy vọng đổi đời, ít ra cho chính tôi. Tôi cũng đến hội đồng thi nhưng không vào phòng làm bài. Tôi sống đơn độc với nhiều tham vọng nghệ thuật thầm kín cho tương lai. Lạ kỳ, với một tuổi thơ mà hàng ngày thấy khoai lang, khoai mì nhiều hơn thấy cơm gạo, chẳng màng đến giàu nghèo, tôi vẫn nuôi khát vọng một ngày tôi trở thành họa sỹ. Ở tuổi 27, sau nhiều biến cố cuộc sống trong mưu sinh, tôi bỏ mặc tất cả phía sau và thi đỗ vào ĐH Mỹ thuật”.

Tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài được nhiều cá nhân sưu tập, trong đó, khách hàng đặc biệt - bà Chua G.Bee (Zen Gallery) đã sưu tầm tranh của anh suốt nhiều năm để thực hiện một dự án giới thiệu tác giả, tác phẩm tại các bảo tàng đương đại ở Mỹ, Trung Quốc, Chile, Singapore, Indonesia… Với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, đến nay họa sĩ Lê Kinh Tài đã có hơn 10 triển lãm cá nhân, gần 30 triển lãm chung trong và ngoài nước, nhiều lần giành học bổng tham gia các chương trình nghệ sĩ lưu trú đáng chú ý như học bổng toàn phần năm 2011 của Bảo tàng Haslla Artworld, Hàn Quốc; học bổng toàn phần của các chương trình nghệ sĩ lưu trú năm 2009, 2011 tổ chức bởi Vermont Studio Center, Mỹ...

Tháng 10 vừa qua, tại triển lãm “Nhìn lại – Retrospective” của họa sĩ Lê Kinh Tài, nhiều bức tranh đã có giá bán kỷ lục trên thị trường hội họa hiện nay, điển hình là tác phẩm “Nhìn về phương Đông” có giá tới 400.000 USD. Ngoài ra, hơn chục tác phẩm còn lại đều có mức giá từ vài nghìn đến cả chục nghìn USD. Được điểm danh là một họa sĩ có tranh bán đắt, bán chạy nhưng quan niệm về hội họa và cuộc sống của Lê Kinh Tài thật đơn giản: Vẽ bằng quan niệm sống. Hạnh phúc lớn lao của anh đơn giản là được nhìn thấy các con mình mạnh khỏe, cười khóc mỗi ngày. Gia đình riêng của họa sĩ là kết quả của một tình yêu lãng mạn từ thời sinh viên. Anh trải lòng, khi yêu một người phụ nữ, anh cũng say đắm, “nịnh đầm” không kém người đàn ông nào nhưng đã thành vợ chồng “đầu ấp tay gối” trong trái tim đầy ắp lãng mạn kia đã nhường bớt cho sự trân trọng, nghĩa tình. “Khi người đàn bà đã cho mình những đứa con, thời gian lấy đi nét thanh xuân, tôi luôn nhắc mình tình yêu của cả hai từ thời cơ cực để “giữ ấm”, anh nói.

Nghệ thuật cần những liệu pháp sốc?

Năm 2015, cùng với hai nghệ sĩ là Nguyễn Quang Vinh và Bùi Hải Sơn, họa sĩ Lê Kinh Tài từng có một “liệu pháp sốc” là bán vé triển lãm với giá 3,6 triệu đồng/ cặp cho các khách mời, giá vé vào cửa của những ngày tiếp theo là 250.000 đồng/vé. Đánh giá về mức vé ấy, bên cạnh những phản đối, giới chuyên môn cho rằng, những nghệ sĩ như Lê Kinh Tài đang muốn gửi một thông điệp rằng thưởng thức mỹ thuật không nên là sự miễn phí nữa và sự sáng tạo của họa sĩ xứng đáng được coi như sáng tạo của các ngành nghề khác. Cuối cùng, vé triển lãm vẫn bán chạy, thậm chí có người còn “đòi” các họa sĩ cung cấp thêm vé. Giải thích về điều này, họa sĩ Lê Kinh Tài cho hay: “Toàn bộ số tiền bán vé được Ban Tổ chức ủng hộ cho các quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo. Tôi nghĩ đó là lý do được mọi người ủng hộ. Đây là cách làm từ thiện, như xưa nay các họa sĩ vẫn tặng tranh cho những hoạt động từ thiện mà thôi”.

Họa sĩ Lê Kinh Tài quan niệm, hoạt động văn hóa văn nghệ thì nên lạc quan để sống đẹp và cống hiến đúng với hơi thở thời đại mình đang sống nên với nghệ thuật, rất cần thời gian, rất cần nhìn về phía trước, đừng ngoái đầu để mặc cảm tự ti với quá khứ. Trăn trở với hệ giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống, họa sĩ Lê Kinh Tài bày tỏ: “Tôi từng đến nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn ở các nước tiên tiến, nhìn trẻ em xếp hàng vào xem nghệ thuật mà chỉ biết ao ước cho thế hệ sau này của Việt Nam. Chương trình giáo dục thẩm mỹ ở ta dường như vẫn bỏ ngỏ, có cũng là “được chăng hay chớ” với khái niệm thẩm mỹ chung chung chứ không thể là mỹ học cơ bản”.

Đến bây giờ, trong phòng ngủ của mình, họa sĩ Lê Kinh Tài luôn để một bức tranh vẽ hỏng, để ý đến nó và tìm mọi lý giải tại sao mình có “tư duy tệ hại” ấy. Anh kể, có một lần, bà Libby Zinman (một nhà sưu tập người Mỹ) muốn mua đúng bức anh vẽ hỏng. Nhưng anh đã từ chối bán và nêu lý do rằng sẽ hủy bức tranh sau khi bản thân đã “thuộc” và biết cách tránh cái sai. Nhà sưu tập đã giận dữ hỏi anh: “Ông có điên không?”. Dù vậy, phía sau cơn thịnh nộ ấy, niềm hạnh phúc của người họa sĩ như Lê Kinh Tài là luôn được nghe trực tiếp cũng như sau lưng những lời trân trọng nhất của nhà sưu tập dành cho mình.

Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, họa sĩ Lê Kinh Tài tâm sự, mơ ước của anh bây giờ là sức khỏe tốt để bắt tay thực hiện nốt các ước mơ đã lỡ… mơ từ tuổi 20.

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/hoa-si-le-kinh-tai-tu-buc-tranh-ve-hong-den-gia-tai-tram-ty-20171026082000457.htm