Họa sĩ Huế mở triển lãm nghệ thuật mới đầy sang trọng tại Đà Nẵng

'Sang trọng' không phải ở những chất liệu đắt tiền mà chỉ là rơm rạ, tre trúc, mía, chuối… gần gũi với đời sống người Việt nhưng vẫn phảng phất phong cách mang đậm chất cung đình Huế, để chuyển tải triết lý 'Không ai tắm hai lần trên một dòng sông'!

Một không gian sang trọng nhưng tinh tế đến lạ lùng, khiến nhiều người phải choáng ngợp đã lần đầu tiên xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Đó là triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông”, một triển lãm nghệ thuật thị giác đặc biệt, phiên bản 2017, của Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam và họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên bộ môn Đồ họa, trường Đại học Nghệ thuật Huế), khai mạc chiều 30/9 và kéo dài đến ngày 14/10.

Triển lãm "TRÚC CHỈ - Lời của sông" khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chiều 30/9 (Ảnh: HC)

Triển lãm được thực hiện bởi 10 nghệ sĩ thuộc Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, thực hiện từ giữa năm 2016 đến tháng 3 năm 2017. Trước đó, phiên bản 2016 của “TRÚC CHỈ- Lời của sông” cũng đã được trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội (tháng 7/2016).

Triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ trưng bày hệ thống tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật Trúc chỉ; bao gồm hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m, 12 mô hình trụ đứng Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng miền Trung: Linga-Yoni với hệ thống hình ảnh gọi nhớ quê hương…

Triển lãm được trưng bày từ ngoài sân...

Cùng với đó là hệ thống tác phẩm Trúc chỉ treo tường cùng chủ đề, motif hình ảnh, khai thác hiệu ứng bề mặt. Bên cạnh đó, hệ thống tác phẩm Trúc chỉ được bố trí phần sân của Bảo tàng sẽ khai thác ánh sáng tự nhiên… cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và video bổ trợ. Tất cả sẽ được bố trí hòa hợp, thành một “đối thoại” với không gian triển lãm.

Triển lãm cũng tổ chức “Trò chuyện với nghệ sĩ” với diễn giả là họa sĩ Phan Hải Bằng và khách mới danh dự là PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương (Khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam), nhằm giúp khán giả có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nội dung, tư tưởng và ý nghĩa của tác phẩm triển lãm; về khái niệm, ý niệm, quá trình hình thành và quan niệm của Trúc chỉ với người sáng lập Trúc chỉ và các nghệ sĩ thuộc dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Đặc biệt là đóng góp của Trúc chỉ cho nghệ thuật tạo hình và đồ họa Việt Nam một loại hình mới và thuật ngữ “Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy”.

vào đến trong phòng với sự sang trọng nhưng tinh tế đến lạ lùng! (Ảnh: HC)

Khán giả quan tâm, đặc biệt là sinh viên, nghệ sĩ… cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế với Trúc chỉ trong thời gian triển lãm thông qua hoạt động Workshop. Trong đó sẽ giúp mọi người tự tay thể hiện một tác phẩm Trúc chỉ theo ý tưởng của cá nhân, với sự hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật từ dự án. Các tác phẩm này sẽ được trưng bày cùng với bộ tác phẩm của triển lãm, sau đó sẽ được trả về cho các tác giả sau khi triển lãm kết thúc.

Triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông” phiên bản 2017 được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, từ ngoài sân tới bên trong phòng triển lãm tầng một; có sự tương tác và kết hợp với các tác phẩm của các tác giả tham gia trải nghiệm từ các workshop. Đặc biệt, sau khi kết thúc triển lãm, Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam sẽ trao tặng tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

“TRÚC CHỈ - Lời của sông” nghĩa là gì?

Họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam cho hay, triển lãm lấy cảm hứng từ câu: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của triết gia Heraclit. Đời sống và sáng tạo là một sự vận động không ngừng nghỉ, cả hai đều lần lượt hiện ra với những biểu hiện mới, khác, lạ… như một phép tiếp biến tất yếu!

Và Trúc chỉ với phép tiếp biến văn hóa, đã thổi hồn vào khái niệm giấy thủ công, vào tre trúc và các nguyên liệu sẵn có tại địa phương một tinh thần mới của sáng tạo, làm cho các chất liệu thân quen hiện ra với một ánh sáng và vị thế mới: ánh sáng của nghệ thuật. Hình tượng dòng sông vừa là hình ảnh đại diện cho quê hương Việt Nam, chuyên chở những ký ức, kỷ niệm đẹp, tình làng nghĩa xóm… đồng thời cũng là biểu tượng của sự vận động, đổi thay không ngừng nghỉ.

Những nguyên liệu gần gũi với đời sống người Việt như rơm rạ, tre trúc, mía, chuối… sẽ hóa thân thành những tác phẩm nghệ thuật- giấy, giấy- nghệ thuật có tên là Trúc chỉ, một loại hình nghệ thuật mới xuất phát từ Huế, được xây dựng dựa trên nghệ thuật giấy thủ công làm từ các nguyên liệu địa phương: tre trúc, rơm rạ, mía, chuối... kết hợp với các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa và tinh thần sáng tạo, mở ra một hướng mới trong sáng tác đồ họa nói riêng, nghệ thuật thị giác nói chung và các loại hình nghệ thuật ứng dụng.

Đặc biệt, Trúc chỉ góp phần xây dựng một ý nghĩa, hình ảnh mới cho khái niệm giấy thủ công Việt, khi đưa khái niệm “Giấy” thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác, để trở nên là một tác phẩm độc lập, tự thân, mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét và có khả năng đối thoại, ứng biến với các loại hình nghệ thuật, chất liệu khác cho sáng tạo truyền thống cũng như đương đại.

Theo Họa sĩ Phan Hải Bằng, danh xưng Trúc chỉ được Nhà văn - Dịch giả - Nhà giáo Bửu Ý định danh vào tháng 4/2012, với ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt. Trúc chỉ theo ý đó được hiểu là một loại hình nghệ thuật- giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu.

Họa sĩ Phan Hải Bằng cũng cho biết, có hai quy trình nối tiếp nhau để hình thành một tác phẩm đồ họa Trúc chỉ/trucchigraphy, Thứ nhất là quy trình làm giấy: Tiếp nối quy trình truyền thống, thay thế bằng các nguyên liệu khác: ngâm, nấu, rửa, nghiền, thu được bột giấy, seo giấy (vận dụng thêm các phương pháp seo giấy khác truyền thống). Khi tấm giấy hình thành trên khung seo, quy trình làm giấy coi như kết thúc, sau đó chỉ còn làm khô và bóc ra thành giấy thành phẩm.

Tiếp đó là quy trình đồ họa Trúc chỉ: Ngay sau khi quy trình nghệ giấy hoàn thành thì quy trình đồ họa Trúc chỉ bắt đầu. Với tấm giấy còn ướt trên khung, nghệ sỹ sẽ tác động lên bề mặt của nó bằng các phương thức khác nhau, nhằm thay đổi cấu trúc xơ sợi và bề mặt để tạo các hiệu ứng thẩm mỹ, biểu hiện.

Một trong những cách đó là sử dụng kỹ thuật tạo áp lực nước (water spray), kết hợp với nguyên lý của chế bản Đồ họa, cụ thể là in khắc kim loại (Etching) và in xuyên (silk screen) để tạo nên nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác như mong muốn của nghệ sỹ! Mặt khác, nghệ sĩ cũng có thể sử dụng áp lực nước như một “bút vẽ” đặc biệt đã vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt.

Đây cũng chính điểm khác biệt tạo nên nét đặc trưng và độc đáo mà Trúc chỉ đã tạo dựng được, trên nền tảng tiếp biến và vận dụng các nguyên lý, kỹ thuật đã có theo một phương thức mới một cách khoa học và sáng tạo.

Từ đó hình thành nên thuật ngữ Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy, được công nhận và sử dụng bởi các họa sĩ, nhà chuyên môn của Việt Nam cũng như bạn bè các nước khác. Đồng thời là một trong những yếu tố làm cho Trúc chỉ trở nên một khái niệm để chỉ một loại hình nghệ thuật mới trong nghệ thuật- giấy và nghệ thuật đồ họa nói riêng của Việt Nam.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoa-si-hue-mo-trien-lam-nghe-thuat-moi-day-sang-trong-tai-da-nang-post238343.info