Họa sĩ Hồ Hiếu: Vẽ như hơi thở của chính mình

Sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế, họa sĩ Hồ Hiếu (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Phú Cường, huyện Định Quán) bén duyên với Đồng Nai và xem vùng đất này là một miền tâm tưởng với những miên man, trăn trở không dứt trong suốt hơn 40 năm đến với nghệ thuật.

Họa sĩ Hồ Hiếu (phải) bên tác phẩm vừa mới thực hiện. Ảnh: L.Na

Họa sĩ Hồ Hiếu (phải) bên tác phẩm vừa mới thực hiện. Ảnh: L.Na

Có dịp xem tranh họa sĩ Hồ Hiếu vẽ, không ít người chợt rưng rưng nhớ về một miền ký ức không thể quên. Ông nói rất ít về bản thân, bởi ông quen với ngôn ngữ hội họa…

* Tâm huyết qua từng nét cọ

Họa sĩ Hồ Hiếu cho biết, bản thân ông có niềm đam mê hội họa từ nhỏ và luôn được gia đình khích lệ. Những năm sau ngày đất nước thống nhất (1975), cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn, gia đình ông phải chuyển từ Thừa Thiên - Huế vào Đồng Nai theo diện phát triển kinh tế mới. Tuy vất vả nhưng ông luôn được cha mẹ tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực và đam mê. Từ việc mua màu, bút, giấy vẽ tới việc cho con đi học hội họa ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Ra trường, có thời gian dài Hồ Hiếu về công tác tại Phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán, đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ Thông tin cổ động chuyên thiết kế tranh cổ động và trang trí hội nghị, sự kiện. Mỗi tranh cổ động được vẽ bằng ý tưởng, trí tuệ, ít chữ mà cô đọng, dễ hiểu. Vì thế các tác phẩm của ông được người xem đánh giá cao, có tư duy cởi mở và hiện đại. Từ năm 2000 đến nay, ông chuyển qua công tác giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại Trường THCS Nguyễn Trãi. Dù vậy, ông vẫn giữ được bút pháp riêng, phong cách vẽ riêng, không gây nhàm chán, đơn điệu.

Với họa sĩ Hồ Hiếu, tình yêu hội họa cộng với đam mê đã giúp ông sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật bằng chất liệu sơn dầu và acrylic. Họa sĩ Hồ Hiếu có biệt tài vẽ tranh con người và phong cảnh. Tranh của ông thường kỹ đến từng chi tiết, có tông màu tươi sáng... Những tác phẩm hội họa ấy như một cuộc đối thoại chậm rãi và từ tốn với người xem mà cả hai bên cùng mở lòng để tiếp nhận, chia sẻ.

Bề ngoài họa sĩ Hồ Hiếu không có vẻ gì bụi bặm phong trần của dân hội họa nhưng thực ra ông là con người khá cá tính, thoáng trong suy nghĩ và quan điểm sáng tác. Trong số hàng trăm bức tranh mà ông sáng tác hơn 40 năm qua, mỗi bức tranh là một câu chuyện, có vui, có buồn, có hạnh phúc và khổ đau. Ông bảo tâm hồn mình nhạy cảm như những sợi dây đàn. Mỗi câu chuyện lại chạm vào tâm hồn ông dễ dàng như người ta gảy vào sợi dây đàn, bật ra âm sắc. Ông vui buồn qua mỗi nét cọ và vui buồn cùng bao nhiêu con người… trong tranh.

“Hội họa giống như nhiều thứ nghệ thuật khác, phải là tiếng nói cất lên từ trái tim biết rung động. Tôi không vẽ vì mục đích lợi nhuận hay một tham vọng mà vẽ những gì mình yêu thích. Ngày còn trẻ, tôi cho mình cái quyền thích gì vẽ nấy, chấp nhận “trả giá” bằng cách sống thật với con người mình. Cô đơn giam mình trong căn phòng chỉ có toàn màu và giá vẽ, dành thời gian cho vẽ. Tôi luôn tâm niệm rằng, thời gian là vàng, không bán, không mua được nhưng nếu biết sử dụng nó ta sẽ có tất cả…” - họa sĩ Hồ Hiếu bộc bạch.

* Truyền lửa đam mê

Gắn bó với nghề giáo, họa sĩ Hồ Hiếu dành nhiều tâm huyết chỉ dạy cho học trò. Không chỉ dạy ở lớp, ở nhà ông còn mở lớp luyện vẽ cho các học sinh có năng khiếu muốn thi đại học vào các chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật. Công việc này luôn nhắc nhớ ông không ngừng cập nhật thông tin hội họa mỗi ngày để giúp các em nắm chắc kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị một hành trang mới.

Tác phẩm Chợ quê ngày Tết của họa sĩ Hồ Hiếu

Để học sinh có trí tưởng tượng, vốn kiến thức phong phú, họa sĩ Hồ Hiếu hướng dẫn các em cách quan sát vạn vật xung quanh đến từng chi tiết nhỏ, chăm chỉ đọc sách, báo và sưu tầm tài liệu thêm trên internet. Ông tỉ mỉ hướng dẫn học trò của mình các bước từ thấp đến cao, bước nào chắc bước đó, đồng thời thường xuyên lồng thêm các yếu tố mới để ra bài tập cho học sinh nhận dạng, làm quen.

Đang học lớp 12 Trường THPT Định Quán, Nguyễn Hoàng Anh qua bạn bè giới thiệu đã đến đăng ký học tại lớp vẽ của thầy Hồ Hiếu từ năm học lớp 11. “Khi mới vào học, em được thầy hướng dẫn làm quen với những nét vẽ cơ bản, cách đo bố cục, rồi vẽ tĩnh vật... Phương pháp của thầy Hiếu không rập khuôn theo hình mẫu có sẵn, vừa giúp em nâng cao kiến thức nền tảng về mỹ thuật vừa thỏa sức vẽ theo trí tưởng tượng để theo đuổi đam mê của mình” - Hoàng Anh nói.

Khi được hỏi, có bao giờ họa sĩ Hồ Hiếu nghĩ sẽ chuyển hẳn qua mỹ thuật để thuận tiện trong chuyện sáng tác không? Ông trả lời chắc nịch: “Không. Không bao giờ tôi nghĩ về chuyện đó, bởi dạy học và sáng tác hỗ trợ nhau rất nhiều. Ví như có sáng tác nhiều, mới lạ và độc đáo thì mình có được kinh nghiệm về mỹ thuật, khi đứng lớp sẽ dễ dàng hơn trong cách truyền đạt. Còn khi vẽ thì có được sự hồn nhiên, hay chí ít cũng được củng cố nghề nghiệp. Vì thế, tôi sẽ luôn chọn đồng hành dạy học và mỹ thuật”.

“Ở tuổi 57, tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để giảng dạy, hướng dẫn và định hướng cho học sinh, những người trẻ yêu thích hội họa tìm thấy “đường đi” phù hợp với năng khiếu của mình. Tôi cũng hy vọng, qua những tiết dạy mỹ thuật ở trường cũng như ở nhà, tôi có thể truyền được ngọn lửa đam mê…” - họa sĩ Hồ Hiếu bày tỏ.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202002/hoa-si-ho-hieu-ve-nhu-hoi-tho-cua-chinh-minh-2987883/