Họa sĩ Bùi Thanh Thủy: Vẽ như là số phận

'Thủy'- tên triển lãm, cũng là tên của chị. Đã từng học đồ họa và thời trang, gắn bó với ngành thời trang nhiều năm, Thủy chẳng có ý định 'dây dưa' với việc vẽ.

Nhưng rồi ở tuổi đã trải nghiệm nhiều cung bậc cuộc đời, chị lại “buộc mình” vào giá vẽ. Âm thầm, kín đáo, bởi vẽ là câu chuyện cá nhân như chị tâm sự. Và ào ạt như thể đó là bến bờ cuối cùng của một người đàn bà đẹp mang quá nhiều tâm sự.

Đuổi bắt với màu và hình

Thủy sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Chị có cha là nhà văn Bùi Bình Thi, tác giả của những cuốn sách như “Ký sự Xiêng Khoảng”, “Đường về trên đỉnh thác”, “Mùa mưa đến sớm”, “Kiếp người”. Mẹ của chị là họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. Chị còn có một người anh trai rất nổi tiếng là đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên.

Thủy tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chị làm đồ họa, thiết kế thời trang, tham gia giảng dạy cho sinh viên về thời trang. Nhưng chính Thủy cũng không ngờ một ngày, ở tuổi ngoài 40, mọi thứ trước kia vốn là niềm vui, niềm say mê lại không còn nhiều ý nghĩa với chị nữa. Thủy buông bỏ tất cả, và chọn giá vẽ. Bắt đầu cho một hành trình vô cùng vô tận mới - một hành trình rất khó đoán định.

Họa sĩ Bùi Thanh Thủy bên giá vẽ.

Họa sĩ Bùi Thanh Thủy bên giá vẽ.

Thủy kể, chị có 7 năm sống ở Mỹ. Đó là thời điểm thăng hoa với chị nhất, cũng là thời điểm chị tìm ra mình trong hội họa. Mặc dù ban đầu, như nhiều họa sĩ khác, Thủy cũng vẽ sơn dầu. Nhưng sơn dầu vẫn chưa đúng với Thủy, chị muốn tìm kiếm một chất liệu khác thể hiện đúng là mình hơn, tự do, khoáng đạt, ít gò bó, và có thể là vô định nữa.

Những ngày tháng sống ở đảo Hawaii rực rỡ sắc màu đã cho Thủy một gợi ý về chất liệu. Vẻ đẹp của thiên nhiên, hoa cỏ, nắng vàng nơi đây thực sự ám ảnh Thủy. Chị sống hoàn toàn với việc vẽ, và tìm mình trên chất liệu màu nước và lụa. Một sự “tìm thấy” đã cho Thủy đôi cánh để đắm đuối cùng nghệ thuật.

Tranh màu nước trên nền lụa của Thủy mang tới một vẻ đẹp rất Á Đông, bí ẩn và mời gọi. Hiệu ứng về sự “loang” trên nền lụa rất thích, nó mặc sức cho chị theo đuổi câu chuyện riêng của mình. Đời sống phóng khoáng ở một vùng đất lạ, vùng văn hóa lạ là Hawaii đã cho Thủy một không gian tự do đúng nghĩa.

Ở nơi mà cuộc sống và sự giao tiếp cởi mở, bởi chỉ toàn khách du lịch, người ta mua tranh họa sĩ vẽ như một món quà lưu niệm, chị đã sống như một nghệ sĩ mà chị từng hình dung: hàng ngày sáng tác xong treo tranh lên hàng rào, ngoài hè phố bán để kiếm sống.

Thủy vẽ bất cứ thứ gì ám vào chị, như hòa sắc của đất trời, thiên nhiên, những bông hoa, mặt biển... Cái chị vẽ không bao giờ cụ thể, nó giống với ý niệm nhiều hơn, mặc dù nó có thể bắt đầu từ một bông hoa nào đó, một cái cây hay mặt biển. Sự loang của màu và lụa với chị giống như một cuộc đuổi bắt.

Chị thích “rượt” theo những bất ngờ mà nó mang tới, hòa trộn vào nó, gửi gắm vào nó những chiêm nghiệm cá nhân mình. Tranh của Thủy cũng vì thế mà tạo ra một phong cách riêng khó có thể trộn lẫn.

Ban đầu người ta có thể tiếp cận tranh của chị như xem các tác phẩm hiện thực. Nhưng càng đi sâu vào thì tính biểu hiện, tính trừu tượng càng nhiều lên. Và người ta bắt đầu quên cái hiện thực bông hoa hay thiên nhiên ban đầu, người ta bắt đầu khởi niệm những câu hỏi.

Trong tranh của Thủy đầy dấu hỏi, nhưng nó tuyệt nhiên không phải sự đánh đố. Nó là tự vấn, rồi, thực ra cũng không để làm gì cả, chỉ là thả trôi đi như là nước. Như là “thủy”...

Tranh của Thủy nhẹ nhõm, với bảng màu tươi sáng, hòa sắc nhịp nhàng, như muốn mang đến cho người xem sự thanh thoát, bay bổng. Nhưng tranh của Thủy cũng là nặng, vì nó giấu đằng sau, bên dưới những trải nghiệm của một người đàn bà mà khi bắt đầu cầm cọ đã thực sự trưởng thành, đã trải qua nhiều khổ đau, đổ vỡ, mất mát.

Đuổi bắt với màu và hình hay là cách mà Thủy đuổi bắt với chính số phận của mình. Những ràng buộc đời thường cơm áo của một người phụ nữ mà nhiều năm tháng phải biết tự phân thân mình cho việc kiếm sống, nuôi con, những lo toan thường nhật và phần để nuôi nấng con người nghệ sĩ trong mình. Những mâu thuẫn đó trong tranh của Thủy phần nào có thể thấy, một cái tôi nửa như muốn giấu thật kín, nửa như muốn bộc lộ, giãi bày.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủy thích đặt tên cho các bức tranh của mình như “Miên du”, “Buông”, “Trôi”, “Du ca”, “Nước xanh”... Chị không thích gói mình trong những cái tên cụ thể, những cái khiến người xem có thể bị tù túng trong sự đơn nghĩa.

Tranh của Thủy đa nghĩa, giống như kỹ thuật của chị khi vẽ: “Tranh của mình về mặt hình thức nó giống như nhuộm thì đúng hơn. Mình vẽ nhiều lớp, vẽ chậm, lớp nọ chồng lớp kia, lớp nọ ẩn lớp kia. Mình thích yếu tố loang của màu nước, vì nó luôn hứa hẹn, ẩn giấu những bất ngờ cho mình đuổi theo khi vẽ. Giống như yếu tố không thể định trước trong cuộc đời”.

Tự họa - Tranh của họa sĩ Bùi Thanh Thủy.

Muốn giàu có, hãy làm việc thật nhiều

Hỏi Thủy chuyện bán tranh, chị chỉ cười. Chị bảo: “Là một nghệ sĩ, bạn đương nhiên giàu. Giàu về cảm xúc. Và nếu muốn mình giàu hơn nữa, ngày nào cũng làm việc, giống như một nhu cầu tất yếu của bản thân.

Toàn bộ quá trình ngồi trước toan, trước màu cho đến khi hoàn thiện một bức tranh là quá trình hưởng thụ. Mình được hưởng thụ những giây phút đắm đuối đó, còn gì tuyệt vời hơn. Sau đó, số phận của những bức tranh như thế nào lại là một câu chuyện khác. Đừng nghĩ đến nó trước khi vẽ, hẵng vẽ đã”.

Rồi Thủy kể chuyện hôm trước phải mang tiền tiết kiệm nộp học cho con gái út. Sau đó có một nhà sưu tập gọi cho chị ngỏ ý mua một số bức tranh. Họ trả giá đúng bằng số tiền tiết kiệm chị vừa đóng học cho con, dù có thấp hơn giá chị mong muốn một chút, nhưng chị vẫn đồng ý bán.

Phần vì cảm động bởi cách mà nhà sưu tập đó đã quan tâm đến mình trên suốt cuộc hành trình vẽ mà chị theo đuổi bấy lâu, nhất là trong tình hình bệnh dịch COVID-19, phần vì chị cảm thấy có gì như một chữ duyên, những gì mình vừa trao đi lại có thể được nhận về.

Theo Thủy, khi họa sĩ không nghĩ đến tiền, họ sẽ có tác phẩm, sẽ sáng tạo. Tiền có thể sẽ đến vào lúc họ không nghĩ tới. Nó cũng bất định như khi chị theo đuổi một ý niệm, một vết loang trong tâm trạng. Vả lại, nếu Thủy muốn tiền, chị đã có thể giàu.

Chị đã từng theo đuổi những công việc cho chị giàu về tiền nếu muốn. Và nếu muốn an nhàn, hưởng thụ, có người lo lắng cho như bao đàn bà đẹp khác, chị cũng có thể đã có những lựa chọn. Nhưng chị đã bước vào những lựa chọn của mình, nơi chị sẵn sàng với cô đơn, cũng là nơi cho chị cảm giác tự do nhất, nơi chị có thể gặp được chính mình đâu đó trong đời sống này. Nghĩa là, khái niệm của chị về sự giàu có đã khác, so với cách hiểu thông thường.

Tranh của họa sĩ Bùi Thanh Thủy.

Giống như cái tên cha mẹ đặt cho: Bùi Thanh Thủy, chị có cách nhìn đời sống như nước chảy, như “thủy”. Mọi thứ trong đời sống này là một dòng chảy, trôi đi không ngừng, ngoài ý định của con người. Thủy vẽ cái “trôi đi” đó, vẽ trong sự buông, không hề cố gắng. Mặc nhiên với Thủy, nên chị chán ghét những gì là lên gân, gò bó, định đoạt.

Thủy nói: “Trong nghệ thuật, mình không thích sự nhất quán. Mình tin rằng đời một con người có nhiều giai đoạn khác nhau. Mình hôm nay có thể là cái phủ định mình của ngày hôm qua. Quan trọng là mình phải thật với cảm xúc của mình, không vay mượn, không làm quá, không hù dọa”.

Bình Nguyên Trang

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/hoa-si-bui-thanh-thuy-ve-nhu-la-so-phan-613632/