Hoa Sen sẽ triển khai dự án thép 'khổng lồ' tại Ninh Thuận

Trả lời vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay, Ông Vũ cam kết sẽ không để một giọt nước nào chưa được xử lý chảy ra biển và sẵn sàng ký kết với đại diện của Chính phủ về việc đóng cửa nhà máy và bàn giao lại toàn bộ tài sản cho nhà nước nếu để xảy ra ô nhiểm môi trường.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận sáng 27/8, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các ban, ngành trung ương và địa phương cùng các doanh nghiệp.

Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 theo quyết định số 3516/QĐ - BCT của Bộ Công thương ngày 25/8/2016.

Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến vào dự án này khoảng hơn 10 tỷ đô la Mỹ.

Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.

Để phục vụ cho dự án được triển khai một cách đồng bộ, Hoa Sen sẽ triển khai 03 dự án thành phần bao gồm: Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná; Dự án đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná; Dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná.

Hoa Sen cũng dự kiến sẽ triển khai một số Dự án sản xuất năng lượng tái tạo và xi măng nhằm tái sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp thép, tạo ra những sản phẩm hữu ích và thân thiện với môi trường.

Ông Lê Phước Vũ phát biểu tại hội nghị

Lý giải về lý do đầu tư lớn vào dự án Dự án Khu liên hợp luyện cán cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết Việt Nam đang nhập siêu 6,6 tỷ USD hàng năm, trong vòng 20 năm tới nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng mạnh, việc xây dựng một nhà máy luyện cán thép nhằm tối ưu hóa khả năng cung ứng về thép cán nóng, phôi thép là một yêu cầu thiết yếu.

Theo Ông Vũ, Cà Ná có vị trí rất thuận lợi, nhất nhờ cảng nước sâu tự nhiên giảm tối đa chi phí vận chuyển, đồng thời hàng trăm năm không có mưa bão đó là lý do mà Hoa Sen chọn nơi này để triển khai dự án này.

Cũng theo Tập Đoàn, Hoa Sen, khi dự án hoàn thành,dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động địa phương, ngoài ra có thể giúp tỉnh Ninh Thuận không những cân đối thu chi ngân sách mà còn có thể trở thành một trong những địa phương đóng góp ngân sách cho trung ương.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các dự án sản xuất Thép đang vấp phải sự e dè của bộ phận người dân cũng như chính quyền đó chính là vấn đề về môi trường mà sự kiện Formosa là một ví dụ điển hình.

Trả lời tại hội nghị về vấn đề này, Ông Vũ cho biết: “Hoa Sen cam kết bảo vệ môi trường tại mọi dự án mà Tập đoàn triển khai, yếu tố bảo vệ môi trường luôn được Tập đoàn đặt lên hàng đầu, trên cả chi phí đầu tư và chưa bao giờ Hoa Sen bị vi phạm các vấn đề về môi trường. Nếu chúng tôi tạo ra bất kỳ sự cố môi trường nào tại các dự án của mình, chúng tôi sẽ tự nguyện đóng cửa nhà máy, bàn giao lại toàn bộ tài sản cho nhà nước và sẵn sàng ký kết điều này với đại diện của Chính phủ.”

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hoa-sen-se-trien-khai-du-an-thep-khong-lo-tai-ninh-thuan-20160828013944273p4c147.news