Hoa Sen mất hơn 16.000 tỷ đồng vốn hóa sau 9 tháng

Cùng với HPG (Hòa Phát), NKG (Thép Nam Kim), cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2021 đến nay.

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa có báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), đồng thời thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết lưu hành.

Hoa Sen cho biết tập đoàn đã hoàn tất đợt chào bán hơn 4,9 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, tương đương 1% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, lượng cổ phiếu phân phối được tương đương 99,3% số cổ phiếu Hoa Sen chào bán và có 124 người lao động đăng ký, nộp tiền mua.

Sau phát hành, vốn điều lệ của Hoa Sen tăng thêm hơn 49 tỷ, lên mức 4.983,8 tỷ đồng, tương đương lượng cổ phiếu lưu hành hơn 498,38 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, dù là cổ phiếu phát hành theo diện ESOP với giá chỉ 10.000 đồng, thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu HSG giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhưng Hoa Sen phải mất nhiều lần gia hạn mới phát hành hết cổ phiếu cho người lao động.

Trong đợt phát hành cuối tháng 6 trước đó, tập đoàn này chỉ phân phối được 2,93 triệu cổ phiếu, tương đương gần 60% tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành và còn dư hơn 2 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, việc người lao động công ty không mặn mà với cổ phiếu HSG diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này đã giảm liên tục từ đỉnh tháng 10/2021 đến nay.

Cổ phiếu HSG đã giảm hơn 63% kể từ đỉnh ghi nhận hồi tháng 10/2021. Nguồn: Tradingview.

Cổ phiếu HSG đã giảm hơn 63% kể từ đỉnh ghi nhận hồi tháng 10/2021. Nguồn: Tradingview.

Dù đợt giảm của cổ phiếu HSG diễn ra cùng với biến động chung của thị trường và nhóm cổ phiếu ngành sắt thép, tuy nhiên, cùng với HPG (Hòa Phát), NKG (Thép Nam Kim), cổ phiếu HSG của Hoa Sen là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất giai đoạn này.

Nếu tính từ đỉnh giá ghi nhận hồi trung tuần tháng 10/2021 (48.900 đồng), thị giá HSG đã giảm liên tục hơn 60% về vùng 18.000 đồng/cổ phiếu hiện tại. Đà giảm này đã cuốn bay toàn bộ mức tăng giá mà cổ phiếu HSG ghi nhận được trong năm 2021, vùng giá hiện tại HSG giao dịch cũng là vùng thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Nếu tính từ đỉnh tháng 10/2021, vốn hóa của Hoa Sen đã bốc hơi hơn 16.000 tỷ đồng, hiện còn khoảng 8.600 tỷ.

Thậm chí, chỉ tính riêng năm 2022, thị giá HSG cũng đã giảm hơn 50%, tương đương vốn hóa doanh nghiệp đã giảm gần 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng gần nhất.

Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục dò đáy, mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen - đã bán ra toàn bộ 17,7 triệu cổ phiếu HSG (tương đương 3,6% vốn), giảm sở hữu tại đây về 0%. Sau giao dịch, công ty riêng của ông Vũ đã thu về hơn 250 tỷ đồng.

Ghi nhận trong báo cáo cập nhật cổ phiếu nhóm ngành thép nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá HSG cùng nhóm cổ phiếu ngành thép đang có định giá hấp dẫn cho dài hạn, tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu này vẫn tồn tại rủi ro.

Theo đó, SSI dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý II và III năm nay, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn.

Với riêng HSG, các chuyên gia dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 có thể đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân tăng.

SSI dự báo sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6%.

Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, HĐQT Hoa Sen cũng chỉ đặt ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng với khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2021. Và sau nửa niên độ tài chính, tập đoàn này đã thu về 873 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu và 44% kế hoạch tối đa.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoa-sen-mat-hon-16000-ty-dong-von-hoa-sau-9-thang-post1333819.html