Hóa ra khu vực bảo vệ 1 của Bảo tàng Mỹ thuật đã bị xâm hại từ lâu và chậm khắc phục

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (BTMT) từng là dinh thự của chú Hỏa (thương nhân Hứa Bổn Hòa), một trong tứ đại hào phú của Sài Gòn xưa được dân gian truyền tụng 'nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa'. Năm 2012, BTMT được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Cổng bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm bị xô lệch không sử dụng được nên đã treo cảnh báo (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Cổng bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm bị xô lệch không sử dụng được nên đã treo cảnh báo (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Tại thời điểm nhận Bằng Xếp hạng 1 trong hệ thống bảo tàng quốc gia từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, BTMT quản lý trên 22 ngàn hiện vật gồm mỹ thuật cổ - cận hiện đại và hiện đại. Hiện BTMT đang lưu giữ hai bảo vật quốc gia là tác phẩm hội họa Vườn Xuân Trung Nam Bắc của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Thanh niên thành đồng của cố họa sĩ Nguyễn Sáng.

Từ năm 2017, dự án cao ốc khu tứ giác Bến Thành đã tác động nghiêm trọng đến BTMT.

Theo báo cáo từ BTMT, ngay khi công trình dự án bắt đầu khởi công, đào sâu xuống lòng đất để thi công phần móng và tầng hầm, cả ba tòa nhà hiện hữu của BTMT nằm trên ba mặt đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình (phường Bến Thành, quận 1) đã xảy ra tình trạng lún, nứt mặt sân khuôn viên, mặt sàn, tường của cả ba khối nhà, hiện tượng nứt tường xuất hiện nhiều hơn, các đường nứt ngày càng lớn hơn.

Đoạn tường rào của bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng ra ngoài, có khả năng sụp đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Những đường nứt toác chạy dọc móng tòa nhà phía đường Lê Thị Hồng Gấm có thể thọc bàn tay vào được (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Trong đó, tòa nhà 1 bị ảnh hưởng nặng nhất, nhà bảo vệ ở cổng số 1 đường Lê Thị Hồng Gấm tường nứt lớn, trần nhà bị bong tróc, rơi xuống. Nghiêm trọng hơn, ngày 12.3.2017, đã xảy ra sự cố ở khu vực sân trong tòa nhà 1, phù điêu “cá hóa long” ở đầu mỗi ống thoát nước từ tầng mái xuống đã bị nứt, rơi xuống, một số phù điêu ở phía trước tòa nhà bị nứt.

Như vậy, khu vực bảo vệ 1 (được định nghĩa là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích) của BTMT đã không được “bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian” theo Điều 32 Luật Di sản Văn hóa 2009, sửa đổi, bổ sung một điều Luật Di sản 2001. Còn khoản 2 Điều 13 Luật Di sản Văn hóa 2001 nghiêm cấm các hành vi “hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”. Di sản văn hóa vật thể thì không làm lại được!

Trước diễn biến nghiêm trọng này, BTMT đã có báo cáo, xin chủ trương của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đồng thời chủ động phối hợp với nhà thầu Coteccons sửa chữa, khắc phục sự cố bị rớt phù điêu; sửa chữa, gia cố lại nhà bảo vệ cổng số 1 Lê Thị Hồng Gấm. Tuy nhiên, việc khắc phục này dường như chỉ mang tính tình thế, chưa có giải pháp triệt để, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho BTMT khi dự án tiếp tục thi công.

Bằng chứng là BTMT tiếp tục bị dự án xâm hại lần hai. Sau một thời gian tạm ngưng, đến cuối năm 2019 công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành tiếp tục thi công lên các tầng cao. Việc tiếp tục xây dựng công trình này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu ba tòa nhà hiện hữu của bảo tàng.

Cụ thể, ba tòa nhà đều có hiện tượng nứt tường, các đường nứt tường xuất hiện ngày càng nhiều và càng lớn hơn. Phần sân sát với trục đường Lê Thị Hồng Gấm bị lún làm nứt và bung phần gạch lát bề mặt. Hàng rào dọc trục đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng về phía công trường đang thi công xây dựng.

Khối nhà bảo vệ, các phòng tranh (đã từng được sửa chữa, gia cố do bị ảnh hưởng vào thời gian đầu khi công trình bắt đầu xây dựng), đã hư hỏng nặng, phần tường nhà và cổng ra vào tại đường Lê Thị Hồng Gấm có độ nghiêng lớn, hiện cánh cổng không mở được.

Quan sát từ bên trong, cổng ra vào và hàng rào tại đường Lê Thị Hồng Gấm có độ nghiêng lớn. Hiện cánh cổng không mở được và đão phải treo cảnh báo không được đến gần. (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Đô Thị về việc những tác động vừa nêu diễn ra từ thời điểm nào, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc BTMT, cho biết cổng bảo tàng mặt đường Lê Thị Hồng Gấm không mở được từ sau Tết Nguyên đán 2020. Ông chỉ đạo treo băng rôn lên cổng, cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Vẫn theo báo cáo của BTMT ngày 2.7.2020, nhà thầu Coteccons và chủ đầu tư đã làm việc với BTMT để báo cáo mức độ ảnh hưởng theo kết quả quan trắc và đề xuất giải pháp chống đỡ những vị trí có nguy cơ đổ sập không đảm bảo an toàn cho người đi đường, nhân viên bảo tàng và du khách tham quan bảo tàng.

Tuy nhiên, phương án đề xuất chống đỡ tạm thời của nhà thầu và chủ đầu tư công trình đưa ra chưa phù hợp và không thuộc thẩm quyền của BTMT. Do vậy, BTMT tiếp tục đề nghị chủ đầu tư công trình cần có giải pháp lâu dài cho vấn đề bảo đảm tuyệt đối không ảnh hưởng đến các khối nhà của BTMT - di tích Kiến trúc Nghệ thuật đã được xếp hạng, để bảo tàng có căn cứ trình báo cáo xin ý kiến cấp trên.

Phần sân sát với trục đường Lê Thị Hồng Gấm bị lún làm nứt và bung phần gạch lát bề mặt (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

“Giải pháp chống đỡ tạm thời” cũng là một nội dung buổi làm việc giữa UBND phường Nguyễn Thái Bình, Phòng Văn hóa Thông tin Quận 1 và BTMT ngày 1.7.2020. Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư, đại diện chính quyền địa phương đề nghị phía lãnh đạo BTMT có sự phối hợp, hỗ trợ để chủ đầu tư công trình thực hiện ngay việc gia cố neo giữ hàng rào để đảm bảo an toàn, ông Bình xác nhận. Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND phường Nguyễn Thái Bình và Phòng Văn hóa Thông tin Quận 1, để lại nội dung cần trao đổi theo yêu cầu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Để thông tin được phản ánh khách quan, đa chiều, chúng tôi cũng đã liên lạc với Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco) - chủ đầu tư dự án cao ốc tứ giác Bến Thành, đề nghị minh định một số thông tin liên quan, đồng thời lắng nghe quan điểm của chủ đầu tư, cũng như những phương án (nếu có) nhằm khắc phục hậu quả mà dự án gây ra đối với Di tích Kiến trúc Nghệ thuật BTMT? Chủ đầu tư khắc phục đến đâu? Có triệt để hay không? Có cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho BTMT hay không trong suốt quá trình thi công dự án? Một tuần đã trôi qua, chủ đầu tư vẫn im lặng.

Năm 2012, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23.9.2020, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các đơn vị liên quan yêu cầu chủ đầu tư dự án Spirit of Saigon (cao ốc khu tứ giác Bến Thành phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) là Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco) khắc phục khẩn cấp, đảm bảo nguyên trạng đối với hạng mục tường rào, cửa cổng và nền khuôn viên BTMT theo quy trình tu sửa cấp thiết (Thông tư 15/TT – BVHTTDL, ban hành 31.12.2019, có hiệu lực ngày 20.2.2020).

Trước đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ngày 9.9.2020 đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng công trình cao ốc tứ giác Bến Thành làm ảnh hưởng đến Di tích Kiến trúc Nghệ thuật BTMT.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoa-ra-khu-vuc-bao-ve-1-cua-bao-tang-my-thuat-da-bi-xam-hai-tu-lau-va-cham-khac-phuc-25469.html