Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động

Lợi nhuận năm 2018 ở mức hơn 8.000 tỷ đồng, doanh thu đạt 55.000 tỷ đồng, và sẽ tập trung toàn lực cho việc hoàn thành khu liên hợp gang thép Dung Quất, là những thông tin được Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vào sáng 22/3, tại Hà Nội.

Trình bày báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG cho hay, năm 2017 Hòa Phát đã đạt được kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử 25 năm xây dựng và phát triển, đánh dấu bước chuyển mình về tầm vóc và quy mô. Doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 46.855 tỷ đồng và 8.015 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng tương ứng 38% và 21% so với năm 2016. Đáng chú ý, mảng kinh doanh thép cốt lõi và chủ đạo chiếm 86% doanh thu và 91% lợi nhuận sau thuế với kết quả kinh doanh 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Thị phần thép xây dựng và ống thép Hòa Phát chiếm 23,9% và 26,4% thị phần toàn quốc.

Theo ông Dương, thách thức hiện nay của HPG là mức độ cạnh tranh ngày càng lớn với các lĩnh vực sản xuất của tập đoàn, đặc biệt là lĩnh vực thép. Giá nguyên nhiên liệu diễn biến đa chiều, khó đoán định. Trong năm 2018, dù còn nhiều thách thức, giá nguyên liệu có xu hướng tăng và một số dự án chưa chạy đủ công suất nhưng HPG vẫn dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ tăng nhẹ so với năm 2017 với kế hoạch kinh doanh là 55.000 tỷ đồng doanh thu và 8.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trao đổi với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết, trong quý 1/2018, doanh thu Hòa Phát ước đạt 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận không dưới 2.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ Mandarin 2 đóng góp khoảng 100 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2018 ngoài nhiệm vụ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như đã đề ra, tập đoàn sẽ tập trung toàn lực cho việc hoàn thành khu liên hợp gang thép Dung Quất, tạo tầm vóc mới diện vọng mới của Hòa Phát. Theo ông Long, khi khu liên hợp này đi vào hoạt động ổn định, doanh thu và lợi nhuật của HPG sẽ tăng gấp đôi. Và vào năm 2020 Hòa Phát tại Việt Nam sẽ đứng nhất, nhì về sản lượng tại Việt Nam với 7 triệu tấn, lọt 50 công ty thép lớn nhất trong khu vực và thế giới.

Được biết, tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đến thời điểm này tập đoàn đã bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền cán thép dài đầu tiên, đẩy mạnh xây dựng cảng nước sâu và các hạng mục xây dựng cơ bản khác theo đúng tiến độ. Hòa Phát cũng đã tuyển dụng gần 3.000 nhân sự cho dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi.

Trước những băn khoăn của cổ đông về việc chia cổ tức năm 2017 ở mức 40% bằng cổ phiếu và dự kiến năm 2018 cũng tiếp tục chia theo hình thức này có thể khiến pha loãng cổ phiếu HPG, giá trị sẽ giảm đi, ông Long phân tích rằng, với các doanh nghiệp đang có chiến lược đầu tư lớn cho xây dựng cơ bản và dài hạn thì việc dồn toàn lực cho mục tiêu này, dành lợi nhuận cho đầu tư là việc cần thiết. “Các cổ đông cứ lo cổ phiếu bị pha loãng sẽ xuống giá nhưng thực tế mọi năm cho thấy chia cổ tức bằng cổ phiếu xong giá vẫn lên” - ông Long nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép Hòa Phát trong bối cảnh thị trường thép trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ông Trần Tuấn Dương cho rằng, sản lượng thép xây dựng của tập đoàn tiêu thụ năm 2018 khoảng 2,3 triệu tấn, và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, năng lực của Hòa Phát đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thép trên thế giới. Năm 2017 Hòa Phát xuất khẩu 161.000 tấn ra nước ngoài trong đó đến các nước như Nhật, Úc, châu Âu. Đối với Formosa, Hòa Phát tự tin có thể cạnh tranh nhờ quy trình đầu tư bài bản và có suất đầu tư thấp hơn.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/hoa-phat-se-tang-gap-doi-loi-nhuan-khi-du-an-dung-quat-di-vao-hoat-dong.html